Hãy cho biết những nét nổi bật của phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX.
Trả lời:
Nét nổi bật của phong trào công nhân Mĩ hồi cuối thế kỉ XIX gắn liền với những cuộc đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước.
Cuộc tổng bãi công của gần 40 vạn công nhân dệt Si-ca-gô (Mĩ) ngày 1-5-1886 đòi thực hiện chế độ ngày lao động 8 giờ đã buộc giới chủ phải nhượng bộ. Ngày đó đi vào lịch sử là ngày Quốc tế lao động và chế độ ngày làm 8 giờ dần được thực hiện trong nhiều nước.
Cũng trong thời gian này, do kết quả của việc truyền bá học thuyết Mác ở nhiều nước tư bản tiên tiến, các đảng công nhân, đảng xã hội hay các nhóm có khuynh hướng tiến bộ cách mạng của giai cấp công nhân được thành lập : Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức (1875), Đảng công nhân xã hội Mĩ (1876), Đảng công nhân Pháp (1879), nhóm Giải phóng lao động Nga (1883), Liên minh xã hội dân chủ ở Anh (1884)… Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản thế giới tiếp nối nhiệm vụ của Quốc tế thứ nhất. Sau khi C.Mác qua đời (1883), sứ mệnh lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế thuộc về Ph.Ăng-ghen.
Hãy nêu những hoạt động chủ yếu của Quốc tế thứ hai trong thời gian Ăng-ghen lãnh đạo.
Trả lời:
Ngày 14 – 7 — 1889. Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức ở Pa-ri.
Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nêu lên sự cần thiết phải thành lập chính đảng của giai cấp vô sản mỗi nước, đề cao vai trò đấu tranh chính trị, tăng cường phong trào quần chúng, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, và lấy ngày 1 – 5 hằng năm làm ngày Quốc tế lao động để đoàn kết và biểu dương lực lượng của giai cấp vô sản thế giới.
Cũng như Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức đại hội. Nhờ vai trò tích cực của Ph.Ăng-ghen. Quốc tế thứ hai đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển phong trào công nhân thế giới cuối thế kỉ XIX : đoàn kết phong trào công nhân ở châu Âu và Mĩ, thúc đẩy việc thành lập các chính đảng vô sản ở nhiều nước…
Năm 1895, Ph.Ăng-ghen qua đời. Đây là một tổn thất lớn đối với phong trào công nhân. Những phần tử cơ hội chủ nghĩa chống lại học thuyết Mác dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế thứ hai.
Người đại diện cho trào lưu cơ hội chủ nghĩa cuối thế kỉ XIX là E.Béc-xtai-nơ (1850 – 1932) ở Đức. Che đậy dưới danh nghĩa “xem xét lại” học thuyết Mác, Béc-xtai-nơ muốn gạt bỏ những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp (nên còn gọi là “chủ nghĩa xét lại”). Những người theo chủ nghĩa xét lại chủ trương thoả hiệp với giai cấp tư sản, xem đấu tranh nghị trường là hình thức chủ yếu để giành chính quyền về tay giai cấp công nhân.
Trình bày hoàn cảnh ra đời của Quốc tế thứ hai.
Trả lời:
– Từ thập niên 70 của thế kỉ XIX, trong khi chủ nghĩa tư bản phát triển ngày càng mạnh mẽ ở châu Âu và Bắc Mĩ, đời sống của công nhân và nhân dân lao động càng thêm khó khăn, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động đã diễn ra trong thời gian này. Tiêu biểu như các phong trào đấu tranh của công nhân Đức, Pháp, Anh, Mĩ.
– Do kết quả của việc truyền bá học thuyết Mác ở nhiều nước tư bản tiên tiến, các đảng công nhân, đảng xã hội hay các nhóm có khuynh hướng tiến bộ cách mạng của giai cấp công nhân được thành lập. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu phải thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản thế giới tiếp nối nhiệm vụ của Quốc tế thứ nhất.
– Ngày 14-7-1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức ở Pa-ri.
Vì sao Quốc tế thứ hai bị tan rã ?
Trả lời:
Quốc tế thứ hai tan rã vì :
– Sau khi Ph. Ăng-ghen qua đời, những phần tử cơ hội chủ nghĩa chống lại học thuyết Mác dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế thứ hai. Tiếp tục sự nghiệp của Ph. Ăng-ghen, một số lãnh tụ cách mạng trong các đảng công nhân như : La-phác-giơ (Pháp), Bê-ben, Rô-da Lúc-xem-bua (Đức)… đã lên tiếng phê phán xu hướng cơ hội, xét lại trái với chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này còn nhiều hạn chế.
– Trong những năm đầu thế kỉ XX, cuộc đấu tranh tư tưởng qua các đại hội tiếp theo của Quốc tế thứ hai diễn ra gay gắt và phức tạp giữa khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa. Đại diện cho khuynh hướng cách mạng là V.I.Lê-nin đã kiên quyết lên án ách thống trị của các nước đế quốc đối với thuộc địa, tích cực đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc và kiên trì bảo vệ học thuyết Mác.
– Do sự thiếu nhất trí về đường lối chiến lược, chia rẽ về tổ chức, Quốc tế thứ hai dần đi đến chỗ phân hoá và tan rã khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.
Giaibaitap.me
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !