Câu 1: Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy thơ mộng.
Sau mấy buổi sáng “phục kích”, gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm Phùng đã phát hiện ra một cảnh thật ưng ý. Chưa bao giờ, suốt một đời cầm máy ảnh, anh được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: “Trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ… khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ. Cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo của sự cảm nhận cái đẹp diệu kì tột độ.
Câu 2: Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau. Anh cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công chụp được bỗng hiện hình thật khủng khiếp Phùng đã từng có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh cả ngoại cảnh vừa mang lại”, anh đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, vậy mà hóa ra đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là đạo đức, là “chân lí của sự hoàn thiện”. Sự thật cuộc sống làm người nghệ sĩ bất ngờ, day dứt và ám ảnh khôn cùng.
Câu 3: Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời, nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lý. Bề ngoài đó là một người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà vẫn nhất quyết gắn bó với lão đàn ông vũ phu ấy. Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hy sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con. Nếu hiểu sự việc một cách đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà bỏ chồng là xong. Nhưng nếu nhìn vấn đề một cách thấu suốt sẽ thấy suy nghĩ và xử sự của bà là không thể khác được. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Qua câu chuyện của người đàn bà càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.
Câu 4:
– Người đàn bà vùng biển là một nhân vật vô danh, không tên, nhưng lại được tác giả tập trung thể hiện tính cách, số phận một cách sinh động, đặc sắc. Đó là một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”, bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên.
– Cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh với những lo toan, cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”.
– Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không làm một việc trái với luân thường đạo lý. Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai vùng biển. Mặc dù thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó, nhưng hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người ta cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.
– Phùng vốn là một người lính chiến từng vào sinh ra tử, anh căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra làđằng sau cảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Mới đầu, chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và người vợ nhẫn nhục chịu đựng, Phùng hết sức “kinh ngạc”, anh “há mồm ra mà nhìn”, sau đó như một phản xạ tự nhiên, anh “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Hành động ấy nói được nhiều điều. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.
Câu 5: Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện như thế. Tình huống đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha với mẹ. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có cách nhìn đời khác hẳn. Tình huống truyện đã được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.
Câu 6:
– Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ các nhân vật ở đây vừa sinh động vừa phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người. Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn.
Luyện tập: Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
Gợi ý:
a. Nhân vật Phác
Nhà văn Nguyễn Minh Châu thật sự đã xây dựng hình tượng 1 người con có thể coi là “xưa này hiếm” vì có đứa con nào lại dám cầm dao đe dọa bố mình, hay đánh lại bố mình vì không chấp nhận được hành vi vũ phu của bố đánh mẹ, vì bênh vực người mẹ đầy lòng hy sinh vì con … Quả thực lúc đầu mình cứ nghĩ “Chết thằng bé này hư quá, dám “bật” lại cả ba mình” . Còn lớp mình khi học đến tác phẩm này, đến chi tiết thằng bé Phác chộp lấy cái thắt lưng mà đánh trả lại ba mình, trong lớp ai cũng “ồ” lên, “thằng này được” , “thằng này chắc tập võ từ bé” ;…
Nhưng khi đọc sâu hơn vào tác phẩm, ta mới thấy Phác không còn là 1 cậu bé như nó, cậu bé cùng trang lứa nữa, mà cậu thật sự là 1 người lớn, hiểu biết, giàu tình cảm tuy lòng cậu đầy vết xước bầm dậm trong trái tim. Cảm động nhất là hình ảnh ” … cái thằng nhỏ, lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đày trong những nốt rỗ chằng chịt” hay như chi tiết thằng Phác từng tuyên bố rằng “Nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Có lẽ trong lòng thằng bé vẫn hết mực yêu thương mẹ và ba của mình nhưng nó cũng rất rạch ròi, cương quyết với hành động sai trái của bố khi đối xử tàn bạo với người mẹ của nó.
Đúng như tên của nhân vật – Phác – chất phác thẳng thắn, nhân vật này quả thực đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng tớ , và tò mò muốn biết nhân vật này có thực hay không với 1 bi kịch như thế trong truyện ngắn này ???
b. Nhân vật Phùng: Nhân vật Phùng là kiểu nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu: kiểu nhân vật nhận thức. Qua những sự việc xảy ra trong truyện, nhân vật dần nhận ra được điều gì đó thật sâu sắc, khác hẳn với những gì anh ta nghĩ lúc đầu.
b.1. Phùng – một trái tim nghệ sĩ thăng hoa trước cái đẹp
– Anh đã săn tìm ảnh nghệ thuật về cảnh biển. Anh rất công phu trong việc chọn một tấm ảnh có hồn. Anh đã “phục kích” mất mấy buổi sáng và cả tuần lễ suy nghĩ và tìm kiếm. Và cuối anh mới tìm được một cảnh ưng ý.
– Một khoảnh khắc khám phá phát hiện ra cái đẹp của thiên nhiên tạo vật- con người: xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của chiếc thuyền lúc bình minh. Một khám phá chân lí của nghệ thuật đích thực. Một vẻ đẹp toàn bích của tạo vật. “… Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào?”.
b.2. Phùng – một trái tim nghệ sĩ trước cuộc đời
– Phùng chứng kiến cảnh lão đàn ông vũ phu trên chiếc thuyền chài đánh vợ một cách tàn bạo. Người vợ thì nhẫn nhục chịu đựng. Phùng “kinh ngạc”, “há mồm ra mà nhìn” và anh đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Trước khi là trái tim nghệ sĩ, Phùng có một trái tim con người. Phản xạ của anh trước sự kiện trên là phản xạ tự nhiên của con người có bản chất thiên lương, tốt đẹp: căm ghét cái xấu, sự bất công, bảo vệ kẻ yếu.
– Với trái tim nghệ sĩ, Phùng đã thức tỉnh. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời thì lại rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, đừng mượn danh nghệ thuật mà vô trách nhiệm với cuộc đời. Bởi lẽ nghệ thuật chân chính là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với một con người.
– Phùng chứng kiến cảnh chị em thằng Phác phản ứng trước hành động vũ phu tàn bạo của cha đối với mẹ. Phùng cũng đã chứng kiến câu chuyện người đàn bà kia ở toà án huyện.
– Nhận thức về cuộc đời, về nghệ thuật của Phùng sau chuyến đi đã có sự thay đổi ở mỗi người trong cõi đời. Nhất là người nghệ sĩ không thể đơn giản và dễ dãi khi nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống và nhìn nhận con người.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !