Ẩn dụ là gì? Hoán dụ là gì? Cách phân biệt ẩn dụ và hoán dụ

Vietjack.me gửi tới bạn đọc bài viết về ẩn dụ và hoán dụ với đầy đủ khái niệm, ví dụ, cách nhận biết, ... Từ đó giúp các em nắm vững kiến thức phần ẩn dụ, hoán dụ để áp dụng khi làm bài. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây:

Ẩn dụ và hoán dụ

1. Khái niệm

– Ẩn dụ là một hiện tượng đã được nghiên cứu từ rất sớm, là biện pháp (hay phương thức) tu từ đã và đang được sử dụng rất phổ biến trong ngôn ngữ nói chung và văn học nói riêng đến thời điểm hiện tại. Với bản chất giàu tính hình tượng và hàm súc, ẩn dụ làm cho ngôn từ, lối diễn đạt trở nên bóng bảy, trau chuốt, chứa đựng nhiều tầng nghĩa tinh tế, đẹp và gợi cảm hơn.

– Hoán dụ là một trong những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh các biện pháp khác như: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá,… Hoán dụ là biện pháp gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt.

2. Điểm giống nhau giữa hoán dụ và ẩn dụ

Về bản chất, ẩn dụ và hoán dụ có những nét giống nhau như sau:

+ Đều lấy tên sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật hiện tượng khác . Về mặt hình thức hoán dụ giống ẩn dụ ở chỗ chi có một vế (vế biểu hiện), còn vế kia(vế được biểu hiện) bị che lấp đi.

+ Cùng được dùng trong nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau, trong đó cơ bản là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Vì giống nhau nhiều điểm như vậy nên nếu chỉ nhìn vào mặt hình thức, học sinh sẽ rất dễ bị nhầm lẫn về hai biện pháp nghệ thuật này.

3. Điểm khác nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ

+ Ẩn dụ:

Giữa hai sự vật, hiện tượng có mối quan hệ tương đông, tức giống nhau về phương diện nào đó (hình thức; cách thức thực hiện; phẩm chất; cảm giác).

Ấn dụ lâm thời biểu hiện mối quan hệ giống nhau giữa hai sự vật. Cơ sở của ẩn dụ dựa trên sự liên tưởng giống nhau của hai đối tượng bằng so sánh ngầm. Về mặt nội dung (cấu tạo bên trong), ẩn dụ phải rút ra nét cá biệt giống nhau giữa hai đối tượng vốn là khác loại, không cùng bản chất. Nét giống nhau là cơ sở để hình thành ẩn dụ, đồng thời cũng là hạt nhân nội dung của ẩn dụ.

Chức năng chủ yếu của ẩn dụ là biểu cảm. Hiện nay ẩn dụ được dùng rộng rãi trong nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau, không những trong văn xuôi nghệ thuật mà còn trong phong cách chính luận nhưng nhiều nhất vẫn là trong thơ ca.

Xét ví dụ sau:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa

(Ca dao)

Trong ví dụ này, cây đa bến cũ có những nét tương đồng với những kỉ niệm đẹp, con đò khác đưa có ý nghĩa tương tự việc cô gái đã đi lấy người con trai khác làm chồng, đã thay đổi, xa nhau về tình cảm. Thông qua nghệ thuật ẩn dụ, tác giả dân gian đã chọn được hình ảnh quen thuộc , gợi nhớ diễn đạt được một lời oán trách kín đáo .

Xét một ví dụ khác về ẩn dụ :

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông

(Nguyễn Du)

Trong ví dụ này, tác giả đã sứ dụng hình ảnh lửa lựu đế ẩn dụ cho việc mùa hè đến (cùng tính chất nóng). Đây là việc tác giá so sánh ngầm giữa tính chất của lửa và tính chất của mùa hè với nhau, tạo nên liên tưởng thú vị.

+ Hoán dụ:

Giữa hai sự vật, hiện tượng có mối quan hệ tương cận, tức đi đôi, gần gũi với nhau (bộ phận -toàn thế; vật chứa đựng -vật bị chứa đựng; dấu hiệu của sự vật. sự vật; cụ thể -trừu tượng).

Hoán dụ biểu thị mối quan hệ gần gũi, có thực giữa đối tượng biểu hiện và đối tượng được biếu hiện. Hoán dụ không thể hiện sự giống nhau giữa hai đối tượng được đưa ra mà chỉ thể hiện sự đi đôi, sóng đôi, liên tưởng đến nhau giữa hai đối tượng.

Cơ sở của hoán dụ dựa trên sự liên tưởng kế cận của hai đối tượng mà không so sánh. Về mặt nội dung cơ sở để hình thành hoán dụ là sự liên tưởng phát hiện ra mối quan hệ khách quan có thực có tính chất vật chất hoặc logic giữa các đối tượng.

Chức năng chủ yếu của hoán dụ là nhận thức. Nó được dùng trong nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau nhưng thường đắc dụng trong văn xuôi nghệ thuật, vì sức manh của nó vừa ở tinh cá thể hoá và tính cụ thể vừa ở tính biểu cảm kín đáo và sâu sắc.

Xét ví dụ sau:

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân đầu gối vẫn săn gân

(Tố Hữu)

Trong câu thơ này, hình ảnh “bắp chân đầu gối vẫn săn gân” không chỉ một thực tế về cơ thể của các anh lính mà nhằm thể hiện ý nghĩa ca ngợi về ý chí chiến đấu của các anh lính bộ đội cụ Hồ là một ý chí dẻo dai, bền bỉ. Đây là hai hình ảnh gần gũi, đi đôi với nhau, được suy ra từ một sự liên tưởng phát hiện, chứ không hoàn toàn đồng nhất như tính chất của ẩn dụ.

Xét một ví dụ khác có sử dụng cả hoán dụ và ẩn dụ trong một cặp câu thơ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào

(Nguyễn Bính)

Ở câu thơ này, câu đầu nhà thơ sử dụng nghệ thuật hoán dụ khi dùng “thôn Đoài” và “thôn Đông” nhưng ám chỉ đến “người ở thôn Đoài” và “người ở thôn Đông”. Ở câu thơ dưới, “cau” và “trầu” tương đồng với những người đang yêu nhau, đang nhớ nhau, tạo nên cách nói lấp lửng, thập thò, bóng gió của những đôi lứa yêu nhau nhưng còn ngại ngùng chưa dám ngỏ lời. (ngoài nghệ thuật ẩn dụ và hoán dụ, việc nói “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” có thế được coi là việc tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hoá)

4. Tiêu chí để phân biệt ẩn dụ và hoán dụ

Để phân biệt được ẩn dụ và hoán dụ, học sinh dựa vào ba tiêu chí sau:

+ Tiêu chí khái niệm: Xem xét câu văn, câu thơ được đưa ra có đối tượng nào được nhắc đến, đối tượng nào là đối tượng được ngầm ẩn đằng sau. Sau đó học sinh tìm hiểu quan hệ giữa hai đối tượng này là mối quan hệ tương đồng, giống nhau (thể hiện một trong bốn kiểu: hình thức; cách thức thực hiện; phẩm chất; cảm giác) hay là mối quan hệ tương cận, gần gũi, đi đôi cùng nhau (thể hiện một trong bốn kiểu đi cùng nhau là- bộ phận – toàn thể; vật chứa đựng – vật bị chứa đựng; dấu hiệu của sự vật – sự vật; cụ thể – trừu tượng).

Nếu giữa hai đối tượng (miêu tả và được miêu tả, ngầm ẩn đăng sau) là mối quan hệ tương đồng (không trải qua sự liên tưởng, suy tưởng) thì kết luận là ẩn dụ, nếu là mối quan hệ tương cận, gần gũi, đi đôi cùng nhau (cần có sự liên tưởng kề cận) thì là hoán dụ.

Ví dụ: Xét câu văn “Dân tộc Việt Nam nay lại được đặt trước hai con đường: một là khoanh tay cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lây tự do và độc lập” của Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy: Từ “khoanh tay cúi đầu” và tánh chất “hèn hạ, kém cỏi, chấp nhân thua cuộc” là hai điều có mối quan hệ tương đồng với nhau, không cần trải qua sự suy tưởng, do đó kết luận đây là việc nhà văn sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ.

Một ví dụ khác:

Hỡi cô yếm thắm loà xoà

Lại đây đập đất trông cà với anh.

Trong câu ca dao này, hình ảnh “cô yếm thắm loà xoà” là hình ảnh được đối chiếu đề mang ý nghĩa chỉ những cô gái hay ăn diện, rong chơi. Với ý nghĩa như trên, chỉ bằng dấu hiệu của cô gái (ăn mặc loà xoà) mà nhà thơ gợi dẫn đền phẩm chất của cô (ăn diện), đầy là hai điều có mối quan hệ tương cận, gần gũi, cần phải trải qua bước liên tưởng kế cận mới thấy được. Do đó đây là câu ca dao mà nhân dân ta đã khéo léo sử dụng biện pháp nghệ thuật hoán dụ.

+ Tiêu chí phân loại:

Để rõ ràng về bản chất của chi tiết được sử dựng trong văn bản nghệ thuật là hoán dụ hay ẩn dụ, cách tốt nhất là học sinh tự trả lời câu hỏi: Nếu là ẩn dụ thi đây là loại án dụ nào trong bốn kiểu ẩn dụ? Còn nếu như là hoán dụ thì đây là loại hoán dụ nào trong bốn kiểu hoán dụ?

Trả lời và giải thích một cách rõ ràng về loại ẩn dụ/ hoán dụ đã nêu, học sình sẽ có cơ sở rõ ràng về kết luận của mình, tránh suy đoán theo cảm tính.

+ Tiêu chí nội dung, giá trị của chi tiết nghệ thuật:

Tiêu chí này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định biện pháp thuật mà nhà thơ sử dụng là ẩn dụ hay hoán dụ.

Xét ví dụ sau:

Hươu cao cổ
Có móc câu
Gật gật đầu
Trông ngộ nhỉ?

Cho nắm lá
Hươu không ăn
Hươu vẫn chăm
Làm việc nặng

Yêu bến Cảng
Có bầy hươu
Sớm lại chiều
Câu…
hàng hoá!

(Định Hải – Hươu cao cổ)

Đối với ví dụ này, hươu cao cổ là hình ảnh ẩn dụ cho chiếc cần cẩu, cách thức ẩn dụ là ẩn dụ hình thức (chiếc cần cẩu trông giống như hươu cao cổ). Xét về mặt nội dung của bài thơ, đối tượng hướng đến là trẻ em (cách ví von chiếc cần cẩu là chú hươu cao cổ là cách ví von hồn nhiên, ngộ nghĩnh dành cho trẻ thơ, khiến câu thơ trở nên dễ hiểu hơn). Nếu hiểu như vậy, câu thơ sẽ phù hợp hơn với đối tượng (không hiểu bài thơ sử dụng biện pháp hoán dụ, loại hoán dụ là loại lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật thì sẽ khiến câu thơ trở nên phức tạp, khó hiểu, khó giải thích về tư tưởng và dụng ý của tác giả)

Xét các ví dụ tương tự khác:

Ví dụ 1:

Nếu được sống một nghìn cuộc đời

Với một trái tim như thế

Buốt nhức vì giận hòm

vì yêu

vì nhớ

Thì tôi chẳng bao giờ đổi

Trái tim buốt nhức này

để lấy một trái tim bình yên khác

(Trái tim buốt nhức – Lâm Thị Mỹ Dạ).

Ví dụ 2:

Trái tim đừng lúc nào tĩnh vật

Mà thiết tha đời như ngọn cây

(Đêm như ngân – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Trong hai ví dụ này, hình ảnh trái tim là hình ảnh khiến học sinh bàn khoăn là hình ảnh ẩn dụ phẩm chất hay là hình ảnh hoán dụ lấy đấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật. Khi hiểu theo trường hợp thứ hai, người đọc nhận thấy hợp lí với nội dung mà nhà thơ muốn phản ánh hon. Bên cạnh mối quan hệ giữa “trái tim” và ‘”đời sống tình cảm của người phụ nữ” là mối quan hệ tương cận, ở đây người viết muốn phản ánh không phải tính chất, phẩm chất của trái tim mà hơn cả là nhà thơ muốn khẳng đinh tính chất phong phú, phức tạp, nhiều cung bậc phong phú của tâm hồn người phụ nữ.

5. Sơ đồ tổng kết

CÁCH PHÂN BIỆT ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ

Xem thêm các bài viết liên quan hay, đầy đủ khác:

Trắc nghiệm So sánh ẩn dụ và hoán dụ (có đáp án)

Trắc nghiệm Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ có đáp án

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web