Câu 1:
– Hồ Chí Minh có một vốn tri thức văn hóa rất uyên thâm, thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc về các dân tộc và văn hóa thế giới.
– Vốn tri thức văn hóa đó của Hồ Chí Minh có được là bởi:
+ Người đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới.
+ Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật của đất nước đó, vùng đó.
+ Người luôn có ý thức tiếp thu cái đẹp, cái hay, đồng thời phê phán những cái tiêu cực.
Câu 2: Lối sống bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Hồ Chí Minh được thể hiện chủ yếu qua đời sống sinh hoạt vô cùng giản dị của Người:
– Nơi ở, nơi làm việc đơn sơ.
– Trang phục hết sức giản dị, tư trang ít ỏi.
– Ăn uống đạm bạc.
Câu 3: Lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao bởi lẽ:
– Giản dị mà không sơ sài, đạm bạc mà không gợi cảm giác cơ cực.
– Cuộc sống đó có vẻ gần với cuộc sống của một nhà hiền triết, một vị trích tiên, tuy nhiên lại không hẳn như vậy. Bản lĩnh, ý chí của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại đã hòa nhập cùng tâm hồn một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn.
– Vẻ đẹp của các yếu tố ngoại cảnh đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp tâm hồn Người, rất mạnh mẽ song cũng rất lãng mạn, rất thơ.
Câu 4: Cảm nhận về những điểm đã tạo nên vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh:
– Con người Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc với văn hóa nhân loại.
– Lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam của Bác gợi cho ta nhớ đến các vị hiền triết trong lịch sử với lối sống giản dị, thanh cao.
Luyện tập
Tìm đọc và kể lại những câu chuyện về lối sống giản dị mà cao đẹp của Chủ tich Hồ Chí Minh.
Sinh hoạt giản dị của Bác Hồ
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ sống và làm việc trên chiến khu Việt Bắc, Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị và thanh bạch. Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại,trở về Thủ đô, là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ nếp sống ấy.
Tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, vào mùa hè nắng chang chang, trời oi ả, Bác vẫn đi bách bộ ra tận đình Hội đồng (Hội đồng Chính phủ hay họp ở ngôi đình cổ này) cách ba, bốn trăm mét. Mồ hôi ra ướt áo. Trời quá nóng bức, bác sĩ Lê Văn Mẫn đi bên cạnh quạt cho Bác. Lúc đầu vì chưa chuẩn bị nên bác sĩ mang theo quạt lông chim, Bác phê bình nhẹ nhàng: Chú làm như ở trong triều ấy. Thấy vậy, ông vội cất đi. Khi Bác đi qua bụi cọ ông nghĩ ra cách cắt mảnh lá cọ làm quạt, chắc Bác vừa ý.
Quạt lá cọ có cái tiện là nếu đầu tua rách thì cắt bớt đi. Ngày hôm sau ông đã có quạt lá cọ đi phe phẩy bên cạnh Bác. Sau khi đi bách bộ xong Bác bảo để quạt lại cho Bác. Về sau ở trong cơ quan xuất hiện rất nhiều quạt lá cọ. Bác sợ lạc mất quạt của mình nên châm thuốc lá vào quạt làm dấu. Bác cũng dùng quạt giấy, nhưng quạt giấy có nhược điểm là lúc mới có mùi hôi, khó chịu, lúc cũ hay gẫy nan. Theo ý Bác ông đã phải làm nẹp băng dính mấy nan gẫy rồi, nhưng Bác không chịu cho thay cái mới.
Bác ăn thanh đạm và vẫn giữ khẩu vị quê hương Nghệ An: dưa, cà, cá quả kho đường khô và chắc. Mỗi tuần Bác nhịn ăn chiều thứ năm. Không ai hỏi Bác tại sao, nhưng anh em đoán Bác muốn đồng cam cộng khổ với nhân dân lao động đang sống khó khăn.
Bữa sáng Bác ăn cháo hoặc phở. Buổi trưa Bác ăn hai miệng bát cơm với dưa và vài quả cà để cùng vào một chiếc đĩa con. Một đĩa thịt nhỏ xào và một bát canh chua. Khi dọn mâm mời Bác thường phải để thêm một bát con thừa. Vào ăn Bác dự liệu nếu ăn không hết thì Bác san canh sang bát con ấy để về sau người khác còn dùng được. Ăn xong tự Bác xếp lại đĩa to, đĩa con, bát to, bát con, để gọn trong mâm, đậy lồng bàn lại. Đồng chí phục vụ chỉ còn việc bê cả mâm đi. Bữa cơm chiều cũng tương tự như bữa cơm trưa.
Câu chuyện trên đây là bài học quý về tiết kiệm, về sự tôn trọng con người và đồng cảm với nhân dân lao động của Bác Hồ kính yêu.
(Trích theo sách: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, H.2003, tr. 93).
Giaibaitap.pro.vn
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.