Bài tập 1 trang 28, 29 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 10
BÀI TẬP 1. Hãy khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng.
1. Hai con sông gắn liền với sự hỉnh thành và phát triển của văn hoá Ấn Độ thời cổ, trung đại là
A. sông Ấn, sông Gôđavari.
B. sông Ấn, sông Hằng.
C. Hoàng Hà, Trường Giang
D. sông Tigơrơ và Ơphơrát.
Trả lời: Chọn B.
2. Quê hương, nơi sinh trưởng của văn hoá truyền thống và văn minh Ấn Độ là lưu vực
A. sông Ấn. C. sông Gôđavari
B. sông Hằng. D. Tất cả đều đúng
Trả lời: Chọn B
3. Đầu Công nguyên, Vương triều đã thống nhất miền Bắc Ấn Độ và mở ra một thời kì phát triển cao và rất đặc sắc trong lịch sử Ấn Độ là
A. Vương triều Asôca. C. Vương triều Hácsa
B. Vương triều Gúpta. D. Vương triều Hậu Gúpta.
Trả lời: Chọn B
4. Thời kì định và phát triển của văn hoá truyền thống Ấn Độ là
A. thời kì Magađa (khoảng 500 năm TCN đến thế kỉ III).
B. thời kì Vương triều Gúpta (319 – 606).
C. thời kỉ Vương triều Hácsa (606 – 647).
D. thời ki Gúpta và Hácsa (từ thế kỉ IV đến thế kỉ VII).
Trả lời: Chọn D
5. Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ vào thời gian nào ?
A.Thế kỉ VI TCN C. Thế kỉ VI
B.Thế kỉ IV D. Thế kỉ VII
Trả lời: Chọn A
6. Đạo Phật được truyền bá rộng khắp Ấn Độ vào thời
A. vua Bimbisara. C. vua Gúpta
B. vua Asôca. D. vua Hácsa.
Trả lời: Chọn B
7. Đạo Hinđu – một tôn giáo lớn xuất hiện cùng với đạo Phật – được hình thành trên cơ sở
A. giáo lí của đạo Phật.
B. những tín ngưỡng cổ xưa của người Ấn Độ
C. giáo lí của đạo Hồi.
D. Tất cả các ý trên đều đúng.
Trả lời: Chọn B
8. Đối tượng mà đạo Hinđu thờ phụng là
A. các nhân thần.
B. lực lượng siêu nhiên mà con người sợ hãi.
C. vật tổ.
D. Tất cả các đối tượng trên.
Trả lời: Chọn D
9. Thời kì ở Ấn Độ có những công trinh kiến trúc, điêu khắc có giá trị xuyên suốt thời gian lịch sử loài người là
A. thời Magađa. C. thời Hácsa.
B. thời Gúpta. D. thời Asôca.
Trả lời: Chọn B
10. Khu vực chịu ảnh hưởng của Ấn Độ nhiều nhất là
A. khu vực Bắc Á C. khu vực Đông Nam Á
B. khu vực Tây Á. D. khu vực Trung Á.
Trả lời: Chọn C
11.Tộc người ở nước ta đã sử dụng chữ Phạn của Ấn Độ là
A.người Khơme. C. người Chăm.
B.người Kinh. D. các dân tộc ở Tây Nguyên.
Trả lời: Chọn C
12. Nét nổi bật của văn hoá Ấn Độ thời kì định hình và phát triển là :
A. một đất nước, một thời kì lại sản sinh ra hai tôn giáo thế giới.
B. chữ viết xuất hiện và sớm hoàn thiện tạo điếu kiện cho một nến văn học cổ phát triển rực rỡ.
C. diễn ra sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ giữa Đông và Tây.
D. ý A và B đều đúng.
Trả lời: Chọn D
Bài tập 2 trang 29 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 10
BÀI TẬP 2. Tại sao nói: Thời kì Gúpta và Hácsa (319 – 647) là thời kì định hình và phát triển văn hoá truyền thống Ấn Độ ?
Trả lời:
Thời kì Gúpta và Hácsa (319 – 647) là thời kì định hình và phát triển văn hoá truyền thống Ấn Độ vì ở thời kì này:
+ Đạo phật tiếp tục phát triển. Cùng với sự truyền bá đạo Phật, rất nhiều chùa hang (đục đẽo hang đá thành chùa) đã ra đời. Cùng với chùa là những pho tượng Phật được điêu khắc bằng đá hoặc trên đá.
+ Ấn Độ giáo (Hinđu giáo) cũng ra đời và phát triển và tôn giáo thu hút phần lớn tín đồ ở Ấn Độ. Để thờ các vị thần của Hinđu giáo, người ta cũng xây dựng rất nhiều ngôi đền bằng đá đồ sộ hoặc đúc những pho tượng bằng đồng với phong cách nghệ thuật độc đáo.
+ Chữ viết: từ chữ viết cổ Brahmi đã nâng lên, sáng tạo và hoàn chỉnh hệ chữ Phạn (Sanskrit)
+ Văn học cổ điển Ấn Độ – văn học Hin đu, mang tinh thần và triết lý Hinđu giáo rất phát triển.
=> Thời Gúp-ta và Hácsa (319 – 647) đã có những công trình kiến trúc, điêu khắc, những tác phẩm văn học tuyệt vời, làm nền cho văn hoá Ấn Độ, có giá trị vĩnh cửu, xuyên suốt thời gian lịch sử của loài người, có ảnh hưởng mạnh mẽ ra bên ngoài đặc biệt là Đông Nam Á
Bài tập 3 trang 30 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 10
BÀI TẬP 3. Thế nào là văn hoá truyền thống Ấn Độ?
Trả lời:
Ấn Độ có một nền văn hoá lâu đời và phát triển cao, chủ yếu gồm:
– Tôn giáo (Phật giáo và Hindu giáo) cùng với những tập tục và các lễ nghi tôn giáo;
– Cùng với tôn giáo là nghệ thuật kiến trúc đền chùa, lăng mộ như kiểu đền tháp hình núi, lăng mộ hình bát úp, bán cầu;
– Nghệ thuật tạc tượng Phật giáo, Hindu giáo qua các thời kỳ, các phong cách kiểu dáng;
– Chữ viết, đặc biệt là chữ Phạn, dùng để viết văn, ghi tài liệu, khắc bia và chữ Pa-li dùng để viết kinh Phật.
Từ chữ viết mà văn học Hindu và văn học truyền thống được ghi lại, được sáng tạo, như hai bộ sử thi Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-ya-na, các tác phẩm của Ka-li-đa-sa như Sơ-kun-tơ-la…
Người Ấn Độ đã mang văn hoá, đặc biệt là văn học truyền thống của mình, truyền bá ra bên ngoài. Các nước Đông Nam Á không chỉ chịu ảnh hưởng rất rõ rệt, mà còn cố học hỏi văn hoá truyền thống Ấn Độ, đặc biệt là học và sử dụng chữ cổ Ấn Độ, rồi từ đó mà sáng tạo ra chữ viết của mình
Bài tập 4 trang 30 Sách bài tập (SBT) Lịch sử 10
BÀI TẬP 4. Hãy liên hệ và cho biết : văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến văn hóa nước ta như thế nào?
Trả lời:
Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với Việt Nam:
* Tôn giáo
– Theo đường biển, các nhà sư Ấn Độ đã đến Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên và trung tâm Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ là Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
– Phật giáo lúc này mang màu sắc Tiểu thừa Nam tông.
– Sau này, sang thế kỷ IV – V, lại có thêm luồng Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào.
– Do thâm nhập một cách hòa bình, ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đã phổ biến rộng khắp. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh.
– Ở Việt Nam di tích cho thấy rõ ràng nhất về sự tồn tại của Ấn Độ giáo là thánh địa Mỹ Sơn của quốc gia Champa cổ, một công trình kiến trúc vĩ đại còn tồn tại đến ngày nay.
* Văn học
– Từ đầu công nguyên, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nước Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập, Tây Âu, v.v..
– Ở Việt Nam, từ rất lâu đời các tác phẩm sử thi Ấn Độ đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn truyền từ đời này sang đời khác như sử thi nổi tiếng Ramayana.
* Nghệ thuật kiến trúc
– Sự ảnh hưởng này được thể hiện rõ trong các công trình có tính chất tôn giáo như đền, tháp, điêu khắc trên phù điêu.
– Nền kiến trúc Ấn Độ đã dung hòa, biến đổi cho phù hợp với nền văn hóa của từng nước khác nhau và trở thành điểm nổi bật của chính nước đó như: Borobudur(Indonesia), Angkor Wat (Campuchia) đặc biệt ở Việt Nam thì có thánh địa Mỹ Sơn.
– Ngoài ra kiến trúc Ấn Độ cổ xưa còn được phát hiện qua các công trình đổ nát được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau chủ yếu là gạch và đá (các công trình của người Champa).
* Lễ hội – Ẩm thực
– Ở Việt Nam người Chăm là dân tộc chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nền văn hóa Ấn vì vậy những lễ hội của họ cũng bắt nguồn từ Ấn Độ được thể hiện qua các lễ hội đền tháp như: lễ hội tháp bà Po Nagar vào tháng tư hằng năm.
Giaibaitap.me
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !