Đề thi vào 10 môn Văn Nam Định năm 2023

Tiếng việt (2,0 điểm). Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Đề bài

Phần I: Tiếng việt (2,0 điểm). Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Trong những câu văn sau đây, tác giả sử dụng phép liên kết nào? “Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhỏ muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm, rồi nhìn lên chúng tôi.” (Nguyễn Quang Sáng)

A. Phép đồng nghĩa.                                                         B. Phép thế.

C. Phép lặp.                                                                      D. Phép nối.

Câu 2. Những từ in đậm trong câu ca dao sau thuộc thành phần gì của câu?

Ăn thì ăn những miếng ngon,

Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

A. Thành phần khởi ngữ.                                                  B. Thành phần cảm thán.

C. Thành phần phụ chú.                                                   D. Thành phần tình thái.

Câu 3. Từ “tay” nào trong các câu sau mang nghĩa chuyển theo hình thức hoán dụ?

A. “Thương nhau tay năm lấy bàn tay.” (Chính Hữu)

B. Một tay gây dựng gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành”. (Nguyễn Du)

C. “Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay chờ con.” (Nguyễn Quang Sáng)

D. “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.” (Phạm Tiến Duật)

Câu 4. Từ “tròn” trong câu văn: “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn” thuộc từ loại nào?

      A. Đại từ.                          B. Danh từ.                             C. Tính từ.       D. Động từ.

Câu 5. Trong giao tiếp, nói lạc đề là vi phạm phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm về lượng.                                               B. Phương châm về chất.

C. Phương châm quan hệ.                                                D. Phương châm cách thức.

Câu 6. Câu ca dao sau sử dụng những biện pháp tu từ nào?

“Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.”

A. So sánh, nói quá.                                                          B. Nhân hóa, ẩn dụ.

C. So sánh, nói giảm.                                                       D. So sánh, hoán dụ.

Câu 7. Xét theo mục đích nói, câu văn: “Tôi phải áo, căng mắt nhìn qua khói và chạy theo chị Thao.” (Lê Minh Khuê) thuộc loại câu nào?

      A. Câu trần thuật.             B. Câu nghi vấn.                     C. Câu cảm thán.       D. Câu cầu khiến.

Câu 8. Trong hai dòng thơ sau, từ “Hình như” thuộc thành phần nào?

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

      A. Phụ chú.                       B. Tình thái.                            C. Cảm thán.       D. Gọi đáp.

Phần II: Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm). Đọc văn bản sau:

‘… Hôm nay là ngày sinh nhật của ba, mình nhớ lại ngày đó giữa bom rơi đạn nổ. Mới hôm qua, một tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và bị thương hai người. Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những tràng pháo cực nặng ấy. Mọi người còn chưa qua cái ngạc nhiên lo sợ. Vậy mà mình vẫn như xưa nay, nhớ thương, lo lắng và suy tư đè nặng trong lòng. Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy được hết cuộc sống ở nơi đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc…”

(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội nhà văn, 2016, tr.160).

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Những từ ngữ, hình ảnh nào trong văn bản thể hiện sự ác liệt của chiến tranh?

Câu 2 (0,75 điểm). Em thấy người “con” trong văn bản là người có những phẩm chất gì?

Câu 3 (0,75 điểm). Em có đồng ý với ý kiến mà người viết cho rằng: “Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu.” không? Vì sao?

Phần III: Tập làm văn (6,0 điểm).

Câu 1. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lối sống trách nhiệm.

Câu 2. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của nhà văn Nguyễn Dữ.

Lời giải chi tiết

1.C

2.A

3.B

4.D

5.C

6.A

7.A

8.B

I. TRẮC NGHIỆM:

Câu 1:

Phương pháp:

Căn cứ các phép liên kết.

Cách giải:

Phép lặp: Nó.

Chọn C.

Câu 2:

Phương pháp:

Căn cứ các thành phần câu.

Cách giải:

“Ăn” là thành phần khởi ngữ.

Chọn A.

Câu 3:

Phương pháp:

Căn cứ bài hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

Cách giải:

Tay trong câu “Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoảnh” được dùng theo hình thức hoán dụ.

Chọn B.

Câu 4:

Phương pháp:

Căn cứ từ loại.

Cách giải:

Tròn là động từ.

Chọn D.

Câu 5:

Phương pháp:

Căn cứ các phương châm hội thoại.

Cách giải:

Nói lạc đề là phương châm quan hệ.

Chọn C.

Câu 6:

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Câu ca dao đã dùng biện pháp so sánh và nói quá.

Chọn A.

Câu 7:

Phương pháp:

Căn cứ phân loại câu theo mục đích nói.

Cách giải:

Đấy là câu trần thuật.

Chọn A.

Câu 8:

Phương pháp:

Căn cứ các thành phần biệt lập.

Cách giải:

“Hình như” là thành phần tình thái.

Chọn B.

II. ĐỌC HIỂU:

Câu 1:

Phương pháp:

Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.

Cách giải:

Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự ác liệt của chiến tranh: bom rơi, đạn nổ, làn đạn lửa, tràng pháo, chết chóc hi sinh còn dễ hơn ăn một bữa cơm, giết chết năm người, bị thương hai người.

Câu 2:

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

HS đọc kĩ đoạn trích và đưa ra những phẩm chất của người con được thể hiện qua đoạn trích:

Gợi ý:

Người “con” trong đoạn trích có những phẩm chất:

– Yêu nước, có lý tưởng sống.

– Dũng cảm, không ngại hi sinh.

– Giàu tình cảm.

-…

Câu 3:

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Học sinh tự trình bày theo quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần và có lý giải phù hợp.

Gợi ý:

– Đồng ý. Vì: đặt vào hoàn cảnh của chiến tranh, trước những hi sinh của đồng đội và bom đạn vây quanh, cuộc sống trở nên vô cùng quý giá. Tuy nhiên, người ta vẫn bền gan chiến đấu bởi đó là con đường duy nhất để tiến tới độc lập cho dân tộc. Quan điểm đó thể hiện quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của những người chiến sĩ trong chiến tranh. Và quan điểm ấy cho đến hiện tại vẫn đúng: Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, hiểm nguy. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta buông xuôi, từ bỏ cuộc đời. Con người vẫn phải tiếp tục sống, đối mặt, chiến đấu để có một cuộc đời đúng nghĩa.

III. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

Gợi ý:

a. Mở đoạn:

– Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.

b. Thân đoạn:

– Giải thích vấn đề: Sống có trách nhiệm là thực hiện tốt nghĩa vụ, công việc của bản thân, không ỷ lại, dựa dẫm hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

– Biểu hiện của người sống có trách nhiệm:  Học tập tốt, lao động tốt, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định mà nhà trường, xã hội đặt ra. Có tinh thần yêu nước, trách nhiệm với gia đình và luôn tuân thủ các quy định của Pháp luật…..

– Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm:

+ Luôn hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ của mình.

+ Được mọi người xung quanh quý mến và yêu quý, nâng cao uy tín và chỗ đứng xã hội.

+ Sớm gặt hái được thành công.

+ Giúp xã hội ngày càng phát triển, công bằng, văn minh.

+…

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

– Phản đề: Một số người sống không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chỉ biết dựa dẫm vào người khác khiến họ trở nên trì trệ, lười biếng và không có mục tiêu để cố gắng => Cần thức tỉnh và thay đổi để sống có trách nhiệm hơn.

c. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề/ Liên hệ bản thân.

Câu 2:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả.

– Giới thiệu tác phẩm, dẫn dắt vào vấn đề.

2. Thân bài

Vũ Nương có vẻ đẹp toàn diện:

– Là người có ngoại hình xinh đẹp, “tư dung tốt đẹp”:

– Phẩm chất cao quý:

Là người vợ, người mẹ đảm đang, người con dâu hiếu thảo:

–   Đảm đang (khi chồng đi lính):

+ Một mình gánh vác gia đình.

+ Chăm sóc mẹ chồng già yếu.

+ Nuôi dạy con thơ.

–  Hiếu thảo (khi mẹ chồng ốm):

+ Nàng hết lòng chăm sóc như với cha mẹ đẻ của mình (cơm cháo, thuốc thang, an ủi…)

+ Lễ bái thần phật cầu cho bà tai qua, nạn khỏi.

+ Lời trăng trối của bà trước khi mất đã khẳng định lòng hiếu thảo, tình cảm chân thành của Vũ Nương. (phút lâm chung bà cảm tạ công lao của nàng -> mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của xã hội phong kiến xưa thường chỉ mang tính chất ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Những lời cảm tạ của bà mẹ đã cho thấy Vũ Nương yêu thương bà thực lòng nên bà cũng yêu quý, biết ơn nàng thực lòng như vậy)

+ Bà mất: nàng lo tang ma chu đáo.

Là người vợ nết na, thủy chung, giàu lòng vị tha:

–  Nết na, thủy chung:

+ Khi mới cưới: nàng hết sức giữ gìn khuôn phép.

+ Ngày tiễn chồng ra trận, trong lời từ biệt ta thấy nàng không màng công danh phú quý, chỉ mong chồng trở về bình yên.

+ Ba năm xa chồng, Vũ Nương buồn nhớ khôn nguôi, nàng bỏ cả điểm trang, toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình.

+ Thậm chí, ngày Trường Sinh trở về, bị nghi ngờ, Vũ Nương chỉ biết khóc rồi thanh minh bằng những lời lẽ tha thiết, dịu dàng.

=>  Tấm lòng son sắt, thủy chung sáng ngời của nàng.

–  Giàu lòng vị tha:

+ Khi bị chồng đổ oan, mắng nhiếc, đánh đuổi đi, Vũ Nương chỉ đau khổ, thanh minh mà chẳng hề oán hận, căm ghét chồng. Nàng vẫn bao dung với người chồng hẹp hòi, ích kỉ.

+ Sống dưới thủy cung nàng vẫn một lòng nhớ thương gia đình, quê hương. Việc nàng gửi vật làm tin chứng tỏ nàng vẫn sẵn sàng tha thứ cho chồng.

+ Khoảnh khắc gặp lại Vũ Nương không trách móc mà còn hết lời cảm tạ Trường Sinh. Lời nói ấy cho thấy Vũ Nương hoàn toàn tha thứ cho chồng. Trường Sinh đã được giải thoát khỏi nỗi ân hận, day dứt vì sự hàm hồ, hẹp hòi, tàn nhẫn của mình.

=> Vũ Nương trở thành hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thảo hiền, đức hạnh.

– Tuy có vẻ đẹp phẩm chất vẹn toàn nhưng nàng lại có số phận bất hạnh: Phải sống trong nỗi cô đơn, vất vả, bị chồng nghi oan và cuối cùng phải lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây 

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web