Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Người phương Tây nói rằng mỗi người già là một thư viện. Khi người già mất đi, cái thư viện biến mất. Tôi vẫn còn một cái thư viện – mẹ tôi ở quê nhà, cách gần một nửa chiều dài non nước. Tôi vẫn thường xuyên “tra cứu” mỗi lần gặp trúc trắc trên đường đời. Những lúc buồn nhất tôi chỉ cần về ôm cái thư viện vài giây là lòng lại được an ủi, thảnh thơi. Tôi vẫn thường xuyên lo sợ về một ngày cái “thư viện” ấy không còn nữa, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi, như cảm giác của tôi mỗi lần tôi về lại quê nhà thắp hương cho bà ngoại, giữa bạt ngàn hoang mộ.
(Trích Hàng triệu thư viện đang bay về trời, Đoàn Công Lê Huy, dẫn theo http://santruyen.com)
Câu 1 (1,0 điểm). Xác định thành phần biệt lập trong câu: “Tôi vẫn còn một cái thư viện – mẹ tôi ở quê nhà, cách gần một nửa chiều dài non nước”.
Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra phép liên kết nổi bật được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3 (1,0 điểm). Theo em, vì sao người phương Tây cho rằng: “mỗi người già là một thư viện”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của người mẹ trong cuộc sống của mỗi con người.
Câu 2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu…
(Trích Sang thu – Hữu Thỉnh, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.70)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ bài thành phần biệt lập.
Cách giải:
– Thành phần biệt lập: mẹ tôi ở quê nhà.
=> Thành phần phụ chú.
Câu 2:
Phương pháp:
Căn cứ bài phép liên kết.
Cách giải:
Phép liên kết nổi bật được sử dụng trong đoạn trích: Phép lặp (thư viện, tôi)
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Gợi ý:
Người phương Tây cho rằng: “mỗi người già là một thư viện” vì: Người già có vốn sống, có kinh nghiệm, trải nghiệm sống vô cùng phong phú. Bởi vậy họ chính là một chiếc “thư viện sống” cho ta thêm hiểu biết về cuộc đời, về thế giới.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn từ 12 – 15 dòng.
* Yêu cầu nội dung:
– Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò của người mẹ trong cuộc sống mỗi con người.
– Vai trò:
+ Là người sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cái từ khi còn tấm bé.
+ Là hình mẫu, tấm gương để con nhìn vào cố gắng noi theo.
+ Là người người góp phần định hướng trong từng bước đi của con.
+ Là nguồn động lực, thúc đẩy con phát triển.
+ Là điểm tựa mỗi khi con vấp ngã, thất bại.
– Bàn luận mở rộng:
+ Phê phán những người mẹ chưa phải là tấm gương tốt cho con (nghiện ngập, bạo lực,…) khiến con không được lớn lên trong một môi trường sống, giáo dục tốt nhất.
+ Trách nhiệm của con cái với mẹ.
– Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Sang thu.
– Giới thiệu khổ thơ 1,2.
2. Thân bài:
2.1. Những tín hiệu báo mùa thu sang.
Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:
+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.
+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.
+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.
Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.
Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:
+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.
+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.
Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.
2.2. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu:
– Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:
+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.
+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.
+ Phép đối “dềnh dàng” >< “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.
Được khắc họa rất ấn tượng:
+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.
+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.
=> Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây