Bài Soạn Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

Hướng dẫn soạn bài Tuyên ngôn độc lập, nhằm giúp các em thuận tiện hơn trong quá trình chuẩn bị bài học. Đồng thời, củng cố được kiến thức cơ bản của tác phẩm Tuyên ngôn độc lập thông qua việc vận dụng thực hành trả lời các câu hỏi phần hướng dẫn học bài và phần luyện tập. Chúc các em soạn bài thật tốt, để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng tại lớp đạt hiệu

Tham khảo thêm:

Bài Soạn Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

Bài soạn Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Những nét chính về quan điểm  sáng tác văn học nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh

– Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng, nhà văn cũng là chiến sĩ.

– Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.

– Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ đối tượng tiếp nhận, mục đích để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, Viết cái gì? Và Viết như thế nào? 

=> Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là một bộ phận gắn bó hữu cơ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. những tác phẩm văn học xuất sắc của Hồ Chí Minh thể hiện chân thật và sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao cả của Người.Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những bài học vô cùng cao quý

Câu 2: Những nét khái quát về di sản văn học của Hồ Chí Minh: 

* Văn chính luận

–  Viết nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tiến công trực diện kẻ thù, thức tỉnh và giác ngộ quần chúng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh…

 – Những ánh văn chính luận được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo, lời văn chặt chẽ, súc tích mà còn bằng cả tấm lòng yêu nước nồng nàn của một trái tim vĩ đại.

 – Tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Tuyên ngôn Độc lập (1945); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)

* Truyện và kí

 – Viết nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của thực dân phong kiến tay sai và đề cao tấm lòng yêu nước của nhân dân.

 – Bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tác giả tạo nên những tình huống truyện độc đáo, bằng trí tưởng tượng phong phú, trí tuệ sắc sảo và vốn kiến thức văn hoá sâu rộng.

 – Tiêu biểu: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922); Vi hành (1923); Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925); Nhật ký chìm tàu (1931); Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)

*Thơ ca

 – Đây là lĩnh vực sáng tạo nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của Bác. Thơ của Người thể hiện tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, tài hoa, một tấm gương nghị lực phi thường và nhân cách cao đẹp của một chiến sĩ cách mạng.

 – Người để lại hơn 250 bài thơ, được in trong 3 tập thơ: Nhật ký trong tù gồm 134 bài; Thơ Hồ Chí Minh gồm 86 bài; Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh gồm 36 bài.

Câu 3: Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh:

– Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng. Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và đa dạng về bút pháp. Truyện và kí của Người rất hiện đại, có tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Thơ ca tuyên truyền cách mạnh gần gũi với ca dao, giản dị, dễ nhớ. Nhưng thơ chữ Hán của Người lại hàm súc, hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại.

II. LUYỆN TẬP

Câu 1: Bài làm tham khảo

      Thế nào là cổ điển? Chữ “cổ điển” ở đây được hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là từ chỉ những tác phẩm văn học đã được thử thách qua thời gian, được công nhận như mẫu mực, cổ điển là những yếu tố/tác phẩm nghệ thuật đã đạt tới sự hoàn thiện cao về mặt thẩm mỹ. Thứ hai, cổ điển là một tính từ chỉ lối viết, cách thể hiện đã trở thành một truyền thống văn học. Như vậy, phạm trù cổ điển thuyết minh cho tính ổn định, bền vững, tính gần gũi quen thuộc, giúp ta hiểu sự gặp gỡ, đồng điệu giữa những tâm hồn và sự uyên bác của một nhân cách văn hoá.

      Vậy, đâu là vẻ đẹp cổ điển của thi phẩm Chiều tối? Nói rộng ra là vẻ đẹp cổ điển của Nhật ký trong tù?

      Bài thơ Chiều tối được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đây là thể thơ có ưu thế trong miêu tả tâm trạng, thường tạo ý ở ngoài lời, xây dựng hình ảnh tượng trưng ước lệ, và biểu lộ chủ đề ở một vài nhãn tự. Nhà văn Pháp, Roger Denux từng nhận xét: “Thơ Người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét để cho người đọc tự thưởng thức. Phải yên lặng một mình đọc thơ Người. Phải thỉnh thoảng phải ngừng lại để suy nghĩ mới cảm thấy hết những âm vang của nó và nghe những âm vang ấy cứ ngân dài mãi”. Tất cả những đặc điểm đó được thể hiện rõ nhất trong “Chiều tối”.

      Trước hết phải khẳng định rằng, cái tứ của bài thơ nằm ngay ở nhan đề: “Chiều tối”. Cách thức triển khai tứ thơ ấy của tác giả tạo ra cảm giác thời gian đang vận động: trời chiều đang chuyển vào đêm, cô em xóm núi xay ngô xong thì bếp lò cũng đỏ rực. Xét theo mạch thơ chữ “hồng” giữ vai trò quan trọng. Chữ “hồng” gợi không gian ấm cúng, tươi vui yên bình, chất chứa một sức sống mạnh mẽ và làm cho không gian thơ bừng sáng. Tư tưởng nhân đạo và cái nhìn nhạy cảm tinh tế, lạc quan của Bác thể hiện tập trung trong từ này. Do vậy, có thể xem, chữ “hồng” là một nhãn tự.

     “Chiều tối” gặp gỡ với cổ thi trong nghệ thuật kết cấu câu thơ. Cặp câu nào cũng hài hoà đăng đối. Đó là sự đối lập giữa cánh chim bay mỏi với chòm mây trôi nhẹ, giữa không gian hữu hạn (chốn ngủ) với không gian vô hạn (từng không), đối lập giữa tối và sáng, giữa hai câu thơ đầu miêu tả cảnh vật hắt hiu tàn tạ với hai câu thơ sau miêu tả con người lao động khỏe khoắn.

      “Chiều tối” là bài thơ chữ Hán. Từ ngữ Hán Việt tự nó tạo ra vẻ đẹp cổ điển, trang trọng, với hàm nghĩa phong phú, giàu sức gợi. Cảnh thơ trong “Chiều tối” thâu tóm được linh hồn tạo vật, ở đấy nhân vật trữ tình giàu tình cảm đối với thiên nhiên, hoà hợp tâm hồn với thiên nhiên vũ trụ. Bác không để cho cảnh ngộ đau khổ trói buộc cảm xúc của mình; hồn thơ của Bác vẫn rung động trước thiên nhiên vùng sơn cước đẹp đẽ. Có lẽ vì thế ta bắt gặp sự tương đồng giữa cảnh ngộ tâm trạng của người tù – Cùng với trạng thái, hướng vận động, của cánh chim trời bay về tổ và đám mây trôi chưa biết dừng nơi nào trong thời khắc một buổi chiều tàn. Trong thơ xưa, chẳng hạn như thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cảm xúc đó cũng được thể hiện rõ nét. Nhìn chung cảm hứng trước thiên nhiên và ngôn ngữ thơ góp phần tạo tên màu sắc cổ điển của bài thơ này.

        Màu sắc cổ điển của bài thơ được thể hiện ở cả thi liệu. Người đọc đã từng gặp trong ca dao, thơ trung đại hình ảnh đám mây trôi qua ngang trời, cánh chim chiều đập cánh vội. Đi giữa miền thơ, ta đã quen lắm với cảnh tượng ở một khung trời trong viễn nào đó, chợt xuất hiện cánh chim lẻ loi. Ngàn đời vẫn vậy xui khiến con người nhớ tới cảnh ngộ cô đơn của mình, từ đó thấm thía về sự xa xăm phiêu bạt của đời người. Thi nhân xưa thường đặt hình ảnh cánh chim trong tương quan với bầu trời, đám mây, ngọn gió. Đặt trong tương quan với bầu trời để cảm hết được cái rộng dài hun hút của không gian, trong tương quan với đám mây để gợi cảm giác chia ly, và phải đặt trong quan hệ với ngọn gió mới thấy hết được cái khó khăn, vất vả của cánh chim đang đập cách vội (Thơ Vương Bột, Lí Bạch, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan…)

      Trong phép làm thơ Đường luật, câu thơ đầu của bài thơ thường phải nói rõ được đề tài. Đề tài của bài thơ là “Chiều tối”. Câu khai của bài thơ quả thực đã giới thiệu được rất cụ thể khoảnh khắc thời gian đặc biệt trong ngày. Chiều tối vừa là thời gian vật lí vừa là thời gian tâm trạng. Hình ảnh cánh chim bay về tổ ở đây không thể thuộc về một thời gian nào khác khoảnh khắc ngày tàn. Câu thừa của bài thơ tiếp tục làm nổi bật không khí của buổi chiều muộn nơi xóm núi. Thực ra mây trên trời lúc nào cũng có, song phải là đám mây với dáng vẻ hiu hắt, chậm chạp riêng biệt đó mới phù hợp với không khí buổi hoàng hôn. Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ được tạo nên bởi đề tài.

      Nhưng có lẽ việc sử dụng bút pháp nghệ thuật quen thuộc trong thi ca xưa mới là bằng chứng sinh động nhất về vẻ đẹp cổ điển đặc sắc của tác phẩm “Chiều tối”. Bút pháp chấm phá tinh tế tạo ra những câu thơ nhiều tầng nghĩa, mở ra nhiều kiểu suy tưởng trong tâm tư người đọc ,cùng bút pháp tả thực tự nhiên giàu chất hoạ khiến cho cảnh vật hiện lên trong bài thơ với những đường nét rất có thần:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

 Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bào túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Trong nguyên tác không có chữ “tối”. Câu thơ dịch trong từ “tối” làm cho ý thơ hơi lộ. Dụng ý của tác giả chỉ muốn người đọc cảm thấy trời tối thôi chứ không thông báo trực tiếp thời gian, không gian tối. Dùng ánh sáng để tả bóng tối, không nói tối mà tả được tối đấy là biểu hiện của thủ pháp hoạ vân hiển nguyệt thường thấy trong thơ Đường. 

     “Chiều tối” cũng sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Cảnh vật thiên nhiên như cùng tâm trạng với con người, đồng điệu với tâm hồn con người. Câu khai phác hoạ cánh chim mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn giờ đang về rừng tìm chốn đậu. Hình ảnh đó gợi ta nhớ tới một người tù bị cùm xích, bị giải suốt một ngày ròng rã đương khao khát chốn nghỉ ngơi yên bình. Thêm nữa, chi tiết chòm mây cô đơn giữa một không gian vắng vẻ… rất tương ứng với cảnh ngộ của chủ thể trữ tình chưa biết dừng lại, hay tới nhà lao nào. Cánh chim, chòm mây vừa là đối tượng của niềm thương cảm vừa là biểu hiện bên ngoài của nỗi buồn trong lòng  người tù trên con đường đày ải. Hai câu cuối cảm hứng thơ chuyển sang một hướng khác: cảnh thiên nhiên buồn nhường chỗ cho cảnh đời bình dị, tươi sáng. Tâm trạng, hướng nhìn của nhà thơ cũng đổi thay theo từ buồn sang vui. Nếu thiên nhiên trong hai câu thơ đầu nói hộ tâm trạng của Hồ Chí Minh sau một ngày chuyển lao mệt mỏi, thì bức tranh phong cảnh trong hai câu kết lại gói ghém khát vọng tự do. Nhìn chung bức tranh ngoại cảnh được nội tâm hoá trở thành tâm cảnh. Nguyễn Du từng nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trong trường hợp này, điều đó rất đúng.

     Trong thơ xưa gắn với thời gian buổi chiều thường có hình ảnh một người lữ thứ tha hương (Qua đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Hoàng Hạc lâu…). Nhân vật trữ tình của bài thơ “Chiều tối” là một con người như vậy: cô đơn mỏi mệt, trong tâm trạng không lúc nào nguôi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng bào, đồng chí(câu 1). Tác giả không cần tả nhiều nhưng vẫn gợi được ở người đọc nhiều cảm xúc. Bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh kín đáo thể hiện niềm khát khao được tự do, sum họp, được trở về quê hương của người tù trên đất khách. Cách cấu tứ của bài thơ, vì thế, cũng mang màu sắc cổ điển.

      “Chiều tối” không chỉ có màu sắc cổ điển mà còn thể hiện tinh thần hiện đại.

      Thế nào là hiện đại? Tính hiện đại của tác phẩm văn chương biểu hiện phong phú, trước hết và có lẽ rõ rệt nhất trong sự đổi mới tạo ra những nét riêng, không lặp lại. Một tác phẩm văn chương mang trong mình tinh thần của thời đại, phản ánh quan điểm nghệ thuật, hệ giá trị và ý thức tư tưởng của con người trong xã hội mà nó nảy sinh, thậm chí vượt trước thời đại … đều được gọi là tác phẩm mang màu sắc hiện đại. Phạm trù hiện đại giúp ta phân biệt thế giới nghệ thuật này với vũ trụ nghệ thuật khác, xác định cá tính sáng tạo trong văn học ở những thời đại, giai đoạn khác nhau.

      Biểu hiện rõ rệt nhất của tính hiện đại trong bài thơ là hai câu cuối. Thơ tứ tuyệt Đường luật tạo bất ngờ cho người đọc ở câu chuyển. Câu chuyển bất ngờ nhưng phải tự nhiên hợp lí. Bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh đạt được phẩm chất cổ điển này. Sự chuyển đổi bất ngờ thể hiện ở chỗ: mạch thơ vận động hướng về mặt đất, sự sống và ánh sáng, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng. Nói tính hiện đại được thể hiện ngay trong vẻ đẹp cổ điển là như vậy.

      Nếu ở thơ cổ con người thường ẩn đi trong thiên nhiên, thiên nhiên là chủ thể, thì con người và sự sống trong thơ Bác lại hiện ra, chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh. Con người lao động được khắc hoạ qua cái nhìn lạc quan của Bác có vẻ đẹp bình dị khoẻ khoắn, trở thành nhân vật chính của bức tranh. Người đọc nhận thấy: Trong bất kì hoàn cảnh nào, chủ thể trữ tình cũng giữ được phong thái ung dung tâm hồn phóng khoáng, dường như tác giả quên hẳn cảnh ngộ của mình để đồng cảm với nỗi vất vả, với niềm vui nhỏ nhoi, đời thường của người lao động. Hình ảnh cô gái xóm núi và lò than rực hồng toả ấm, toả sáng là cảnh của một tâm trạng hào hứng, tươi vui. Ánh lên lò lửa nhỏ không chỉ sưởi ấm tâm hồn Bác lúc bị lưu đày, mà còn có tác dụng nhóm lên trong lòng người đọc niềm tin bền bỉ vào cuộc sống. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo cao cả, biểu hiện độc đáo của chất thép.

       Điểm nhìn nghệ thuật của bài thơ cũng khá tiêu biểu cho phong cách thơ hiện đại của Hồ Chí Minh. Trong thơ xưa không gian trên cao chiếm ưu thế. Nhưng ở “Chiều tối” những quan sát về mặt đất dần thay thế hướng nhìn lên bầu trời. Thơ của Bác thường tập trung thể hiện mọi buồn vui trong cuộc sống con người, Bác đưa vào cảnh thiên nhiên vĩnh cửu của thơ xưa một nội dung xã hội cụ thể.

       Chiều tối viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng cơ bản không theo lối tư duy hướng về các mẫu mực cổ xưa. Ở đây tác giả hướng người đọc vào tương lai và hiện thực trước mắt, hướng về quần chúng lao động. Theo Hoài Thanh, chữ hồng trong câu thơ kết có hai nghĩa, nghĩa đen là màu sắc thực của ánh sáng lò than, nghĩa là màu cách mạng, màu của chiến thắng, của tương lai. Nếu thiên về cách hiểu sau, chúng ta thấy sự vận động của hình tượng thơ, xét đến cùng là sự vận động của cách mạng. Tính hiện đại của bài thơ là ở đó.

      Vẻ đẹp cổ điển hoà quyện tự nhiên với tính hiện đại tạo nên sức sống lâu bền, sức hấp dẫn của tập thơ Nhật kí trong tù nói chung và bài thơ Chiều tối nói riêng.

      Hai câu thơ đầu tả không gian núi rừng rộng lớn, nhưng lại gợi thời gian chiều tối. Giọng thơ nhẹ nhàng, nhịp thơ thong thả. Hình ảnh thơ đậm tính ước lệ, người đọc tưởng như tác giả tả cảnh theo công thức có sẵn cứ nói tới chiều thì nhắc tới chim bay về tổ, mây trôi lững lờ… Thực ra, sự xuất hiện của hình ảnh cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn rất hợp với qui luật tự nhiên của cảnh chiều, đồng thời hài hòa với tâm trạng của người tù sau một ngày đi đường mệt mỏi đang bơ vơ nơi đất khách quê người. Nghĩa là ở đây, tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên một cách chính xác đúng như cảnh thật mà mình quan sát, cảm nhận được. Qua những nét vẽ thấm đượm phong vị Đường thi ấy, ta vẫn thấy ánh lên nét đẹp riêng của hồn thơ Hồ Chí Minh. Thiên nhiên trong thơ Bác không chết lặng mà chứa đựng biết bao dấu hiệu của sự sống. Giữa bầu trời cao rộng, chòm mây dẫu nhỏ bé đơn độc nhưng vẫn cứ chậm trôi. Nó không đứng lặng chơi vơi cả nghìn như đám mây trên “Lầu Hoàng Hạc”. Hình ảnh cánh chim chiều cũng thế, dẫu mệt mỏi vẫn không mất hút vào vô tận như trong thơ cổ:

Nghìn non chim hết vẫy vùng

Vắng tanh muôn nẻo tuyệt không dấu người

Áo tơi nón lá ông chài

Con thuyền giữa tuyết ngồi hoài buông câu

(Giang tuyết, Liễu Tông Nguyên)

Cánh chim trong thơ Liễu Tông Nguyên mất hút giữa không gian bao la vô cùng, dường như nó không hề tìm thấy nơi trú ẩn giữa ngàn núi trùng điệp. Trong Chiều tối của Nguyễn Ái Quốc, cánh chim mệt mỏi, nhưng vẫn có đường bay xác định, nó quay trở về khu rừng quen thuộc tìm tổ ấm. Chủ thể trữ tình trong Chiều tối như quên mình là tù nhân, quên nỗi nhọc nhằn vất vả để hòa mình vào thiên nhiên, yêu thương trìu mến với cảnh vật, nâng niu, thiết tha với từng dấu hiệu của sự sống. Một sức mạnh tinh thần như thế chỉ có thể bắt nguồn từ một tâm hồn chiến sĩ.

      Xét về tứ thơ, ta thấy, tứ thơ được mở ra bằng khung cảnh vắng vẻ, thấm đẫm nỗi buồn, nỗi cô đơn của người xa xứ. Người đọc tưởng sẽ khép lại bằng hình ảnh sáng tối, bằng niềm thương, xót thương của chủ thể trữ tình, nhưng thật bất ngờ: cảnh tràn đầy hơi ấm của tình đời, tình người toả lan từ hồn thơ Hồ Chí Minh. Từ hai câu đầu đến hai câu kết không chỉ là sự chuyển cảnh mà còn thay đổi về bút pháp: từ ước lệ sang tả thực, hình ảnh thơ cổ điển sứng đôi với vẻ đẹp hiện đại, cái giản dị chân thực của cuộc sống đời thường hài hoà với cái trang trọng, thanh cao. Nói khác đi, Chiều tối góp phần xác nhận một bản sắc thơ độc đáo trong đó có sự hài hoà tinh tế giữa thi pháp văn học phương Đông cổ điển với những dòng chảy của thi ca hiện đại. Hoàng Trung Thông rất đúng khi cho rằng: “Thơ Bác rất Đường mà lại không Đường”.

    Vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại của thi phẩm thống nhất trong một kiểu tư duy nghệ thuật mới. Nếu không phải là một người ngay từ nhỏ đã được học chữ Hán, thơ phú Đường Tống, hấp thụ nhuần nhuyễn văn hoá phương Đông, không phải là một người hoạt động cách mạng, một kiểu nhà văn mới, nhà văn chiến sĩ am hiểu văn hoá phương Tây, thì chắc chắn thế giới thi ca sẽ không có được vẻ đẹp riêng, độc đáo đó.

(Bài làm của học sinh)

 Câu 2: Bài học:

– Tình thương con người là lớn lao và cao cả, lòng nhân đạo là đức tính cao đẹp nhất của Bác Hồ. Tình cảm này vừa cụ thể, vừa bao la, vừa ở nhận thức vừa ở hành động.

– Thơ Bác là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: cổ diện và hiện đại.

– Một tâm hồn nhảy cảm và dễ rung động trước tạo vật và con người. 

 “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”.

– “Đại nhân, đại trí, đại dũng”.

Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 41 sgk ngữ văn 12 tập 1) Bố cục:

Phần 1: (từ đầu đến không chối cãi được): cơ sở pháp lý và chính nghĩa

Phần 2: (tiếp đến phải được độc lập): vạch trần sự tàn ác, bộ mặt của thực dân Pháp

Phần 3: (còn lại) lời tuyên bố độc lập của nhân dân ta

Câu 2 (trang 41 ngữ văn 12 tập 1)

– Việc trích dân tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và bản tuyên ngôn Độc lập của Mĩ là cách lập luận sắc bén, khéo léo của tác giả

   + Dùng làm cơ sở pháp lí tuyên bố nền độc lập cho nước mình.

   + Đó là cơ sở suy rộng ra nền tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới

– Ý nghĩa về mặt lập luận:

   + Tăng sức thuyết phục cho lời tuyên ngôn độc lập

   + Thể hiện sự khôn khéo, quyết liệt trong cách chiến đấu với kẻ thù

   + Nghệ thuật gậy ông đập lưng ông là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” dùng chính lý lẽ chính nghĩa của Pháp, Mỹ đập lại luận điệu xảo trá của chúng.

Câu 3 (trang 41 ngữ văn 12 tập 1) Tác giả vạch trần bản chất tàn bạo, xảo quyệt của thực dân bằng lý lẽ và sự thật xác đáng:

– Thực dân Pháp kể công “khai hóa”, thực tế chúng “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”

   + Dẫn chứng cụ thể vạch mặt chúng về chính trị, xã hội, kinh tế

   + Đưa ra hình ảnh thực tế đất nước ta “xác xơ, tiêu điều”, nhân dân “nghèo nàn, thiếu thốn”

   + Điệp từ “chúng” liệt kê hàng loạt tội ác chồng chất, cứa sự căm thù của thực dân

– Thực dân Pháp kể công “bảo hộ” nhưng thực tế “chúng bán nước ta hai lần cho Nhật”:

   + Mùa thu 1940 thực dân Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp “quỳ gối, đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật” → Pháp hèn nhát, vô trách nhiệm

   + Chúng “thẳng tay khủng bố Việt Minh” khi bỏ chạy còn “nhẫn tâm giết tù chính trị”

– Pháp khẳng định Đông Dương là thuộc địa của chúng thì Người khẳng định Đông Dương là thuộc địa của Nhật

Nước ta đứng lên giành độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

→ Bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh khẳng định sự thật, lý lẽ thuyết phục, khẳng định nền độc lập dân tộc nhờ đấu tranh.

Câu 4 (trang 42 sgk ngữ văn 12 tập 1) Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận xuất sắc: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn

– Lý luận thống nhất và chặt chẽ trong toàn bài

– Luận điểm xác thực, không thể chối cãi được

– Lý lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục

– Đanh thép, sắc sảo khi biểu hiện tính chiến đấu, thái độ dứt khoát và bản lĩnh phi thường, sắc sảo ở trí tuệ, lối lập luận

→ Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, có giá trị lịch sử lớn lao

LUYỆN TẬP

Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận có khả năng lay động hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam

– Đoạn văn khẳng định tinh thần kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của người dân Việt Nam

– Lời trịnh trọng tuyên bố độc lập “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”

– Khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc, tự do

Tuyên ngôn độc lập trở thành áng văn chính luận xúc động lòng người được bộc lộ từ tấm lòng của người viết: đó là tấm lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc mãnh liệt, khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập ở Hồ Chí Minh

Tấm lòng đó đã truyền vào trong từng lời văn tha thiết, tự hào đanh thép, có sức lay động tới triệu trái tim Việt Nam

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web