Các Mác đã nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Quả đúng như vậy, để có một cuộc sống thực sự đúng nghĩa, mỗi con người chúng ta phải luôn đấu tranh không ngừng nghỉ, đấu tranh chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, chống đói nghèo, chống cái ác, cái xấu… để tìm lấy sự sống. Cuộc đời tuy thế nào đi nữa vẫn có rất nhiều cái đáng yêu, đáng sống nếu chúng ta biết thân thiện với cuộc đời. Ngược lại, nếu chúng ta căm ghét cuộc sống, hận thù cuộc sống thì chúng ta sẽ đón nhận một kết quả khá đau thương cho chính chúng ta. Chính vì vậy mà nữ văn sĩ nổi tiếng của nước Anh và của cá thế giới, bà Thác-kơ-rê trong bộ tiểu thuyết Hội chợ phù hoa đã có một câu nói khá nổi tiếng: “Cuộc đời là một tấm gương soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại với chúng ta ngay; nếu mỉm cười với nó, nó sẽ thành một người bạn vui tính và tốt bụng”.
Câu nói trên của bà Thác-kơ-rê là một chân lí, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đi vào thực tế cuộc sống, ta nhận ra ngay ý nghĩa thực tế của câu nói này. Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta không tin yêu cuộc sống, xa rời cuộc sống, tự tách mình ra khỏi cuộc sống, thì chúng ta cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời. Cuộc đời có thương xót gì ta, dòng thời gian cứ trôi, lạnh lùng bỏ ta lại bơ vơ bên một bến bờ hoang vu nào đó. Hay nếu ta sống quá vị kỉ, chỉ biết có bản thân mình, lạnh lùng với những người xung quanh thì chúng ta cũng nhận lại tình cảm lạnh lùng của những người xung quanh đối với chúng ta. Đó là một qui luật trong cuộc sống, ta có sống cho người khác thì người khác mới có quan tâm và sống cho mình. Tư tưởng của cách mạng, của Bác Hồ, của chủ nghĩa xã hội đã từng nêu rõ điều đó: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Nếu ta biết yêu thương, giúp đỡ người nghèo khổ, biết nhường cơm sẻ áo cho họ khi họ gặp hoạn nạn thì ngược lại khi ta gặp hoạn nạn thì ta cũng sẽ được mọi người yêu thương, và tận tình cứu giúp.
Hơn nữa, trong lĩnh vực học tập đối với học sinh, nếu chúng ta chăm chỉ, cần cù, siêng năng học tập để nắm vững toàn bộ kiến thức trong chương trình thì tương lai cánh cửa vào đại học sẽ rộng mở đón chúng ta vào. Và khi đã là sinh viên thì việc chăm chỉ học tập, luôn tìm tòi, nghiên cứu mới giúp chúng ta nắm vững và nâng cao kiến thức. Có như thế ta mới đem vinh quang về cho chính ta và cho đất nước, nhân loại. Những bác sĩ giỏi, những giáo sư giỏi, những nhà khoa học nổi tiếng chẳng phải đã đi từ sự tự tin vào chính mình, tin yêu vào cuộc đời đấy ư?
Không có niềm tin vào cuộc đời, vào chính mình, thiếu nghị lực, lười lao động, không chịu làm việc, không chịu tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thì cuộc đời làm sao ban cho ta những niềm vui và hạnh phúc trong sự thành đạt được. Một người công nhân, một người thợ, nếu không trau dồi tay nghề, thiếu chí tiến thủ thì làm sao có thể trở thành một thợ giỏi, một người công nhân lành nghề được? Làm sao cuộc sống có thể khá hơn được? Ta không nên oán trách cuộc đời mà chúng ta tự oán trách ta. Ta phải tự hỏi mình: mình đã làm gì để cuộc sống của mình ngày càng vươn tới niềm vui và hạnh phúc hơn? Cuộc đời nào có lấy mất của ai tất cả đâu và cũng không giành cho ai tất cả. Nếu ta tin yêu cuộc sống thì chúng ta sẽ tìm lấy niềm vui, niềm lạc quan để sống, chúng ta sê tìm thấy hạnh phúc và thấy cuộc đời thật đáng yêu, là “người bạn vui tính và tốt bụng” của ta. Và ngược lại, nếu chúng ta cáu ghét với cuộc đời, xa lánh cuộc đời thì cuộc đời sẽ cáu ghét và xa lánh ta. Đúng là: “Cuộc đời là một tấm soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại chúng ta ngay; nếu mỉm cười với nó, nó sẽ trở thành người bạn vui tính và tốt bụng” như bà Thác-kơ-rê đã nói.
Tóm lại, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định câu nói trên của bà Thác-kơ-rê là một chân lí, là một bài học có giá trị vô cùng to lớn đối với chúng ta khi còn học tập và khi bước vào đời, nó là kim chỉ nam trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta. Câu nói này không những chỉ đúng đối với mỗi con người mà còn đúng đối với mỗi dân tộc, như dân tộc ta chẳng hạn. Nếu trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà ông cha ta không có niềm tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, yêu độc lập, yêu tự do, không quyết tâm đấu tranh chống phong kiến phương Bắc xâm lược, chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ thì làm sao chúng ta có được một dải giang sơn gấm vóc từ Bắc chí Nam như ngày hôm nay, làm sao thế giới biết hai chữ Việt Nam, mà có lẽ chúng ta đã trở thành một châu, một quận, một huyện, một xứ thuộc địa hay một tiểu bang nào đó của bọn phong kiến, thực dân, đế quốc nào đó, làm gì có đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Câu nói trên của bà Thác-kơ-rê mãi mãi là bài học làm người sâu sắc cho mỗi con người chúng ta.
Nguồn Tìm Đáp Án