Đề thi vào 10 môn Văn Hà Tĩnh năm 2021

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Đề bài

Câu 1 (2,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

(Tế Hanh, Quê hương, Ngữ văn 8, tập hai, tr.17. NXB GDVN, 2015)

a. Trong đoạn thơ, những từ nào thuộc trường từ vựng về biển?

b. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn thơ

c. Chỉ ra một biện pháp tu từ có trong hai câu thơ Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ/ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi và phân tích hiệu quả nghệ thuật của nó.

Câu 2 (3,0 điểm) Viết bài văn (khoảng 300 chữ) thể hiện tình cảm của em đối với quê hương, đất nước.

Câu 3 (5,0 điểm) Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập hai, tr.55,56, NXB GDVN, 2017)

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a. Trong đoạn thơ, những từ nào thuộc trường từ vựng về biển?

Phương pháp: căn cứ bài Trường từ vựng

Cách giải:

Những từ thuộc trường từ vựng về biển: nước xanh, cá bạc, chiếc buồm, con thuyền, sóng, khơi, mùi nồng mặn.

b. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn thơ

Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn thơ, phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương thiết tha của tác giả thông qua những hình ảnh, màu sắc bình dị, thân thuộc và đặc trưng của một làng quê miền biển.

c. Chỉ ra một biện pháp tu từ có trong hai câu thơ Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ/ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi và phân tích hiệu quả nghệ thuật của nó.

Phương pháp: căn cứ bài Liệt kê, phân tích

Cách giải:

Biện pháp tu từ: Liệt kê: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, mùi nồng mặn

=> Tác dụng: diễn tả chân thực cảm xúc sâu lắng đang cháy bỏng, cồn cào dâng lên trong trái tim, nỗi nhớ của tác giả. Đây chính là lòng thủy chung của tác giả dành cho quê hương

Câu 2.

Viết bài văn (khoảng 300 chữ) thể hiện tình cảm của em đối với quê hương, đất nước.

Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp

Cách giải:

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tình cảm quê hương, đất nước.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tình yêu quê hương đất nước: sự biết ơn đối với những người đi trước đã cống hiến cho đất nước, yêu quý quê hương, có ý thức học tập, vươn lên để cống hiến cho nước nhà và sẵn sàng chiến đấu nếu có kẻ thù xâm lược.

b. Phân tích

– Mỗi chúng ta khi sinh ra được sống trong nền hòa bình đã là một sự may mắn, chính vì vậy chúng ta cần phải cống hiến nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù.

– Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc.

– Yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng trong mắt mọi người mà nó còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

c. Chứng minh

– Học sinh tự lấy dẫn chứng về những tấm gương tiêu biểu của lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước làm dẫn chứng cho bài văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Liên hệ bản thân

– Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,…

e. Phản biện

– Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về tình yêu cũng như trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: tình yêu quê hương đất nước; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Câu 3.

Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập hai, tr.55,56, NXB GDVN, 2017)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Mở bài

– Vài nét về nhà thơ Thanh Hải: Một nhà thơ có thể nói là đã cống hiến cả đời mình cho cách mạng.

– Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ: được viết trong những ngày cuối cùng Thanh Hải nằm trên giường bệnh, cả cuộc đời ông đã dùng để cống hiến cho cách mạng, giờ đây ông lại cất lên niềm khát khao, niềm mong mỏi có thể tiếp tục cống hiến “mùa xuân nho nhỏ” cho cuộc đời này.

– Khái quát nội dung chính

2. Thân bài

a. Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước (Khổ 1)

– Nhà thơ vẽ ra trước mắt độc giả bức tranh thiên nhiên mùa xuân với:

   + Không gian: cao rộng của bầu trời, dài rộng của “dòng sông xanh”

   + Âm thanh: âm thanh rộn rã vui tươi của “chim chiền chiện”

   + Màu sắc: xanh của dòng sông, tím của hoa

⇒ Nghệ thuật đảo cú pháp: không gian cao rộng, màu sắc tươi sáng và âm thanh rộn ràng như thiết tha mời gọi níu giữ con người ở lại với cuộc sống, với mùa xuân xứ Huế tươi đẹp này

– Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên:

   + Nhà thơ có cái nhìn trìu mến với cảnh vật

   + Đưa tay ra “hứng” “giọt long lanh”: là giọt sương, cũng có thể là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác chỉ tiếng chim “hót vang trời”

⇒ Cảm xúc ngây ngất trước vẻ đẹp của mùa xuân của thiên nhiên, khao khát hòa mình với thiên nhiên đất trời. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, nói về giọt long lanh và tiếng chim thực chất là nói về những điều tinh túy, đẹp đẽ của cuộc sống con người.

2. Cảm xúc về mùa xuân của đất nước và con người (khổ 2)

– Mùa xuân của đất nước gắn với hình ảnh người cầm súng (những người làm nhiệm vụ chiến đấu) và hình ảnh “người ra đồng”, “lộc”- niềm hi vọng tươi sáng đang theo họ đi khắp nơi hay hay chính họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.

– Nhịp độ khẩn trương: “Tất cả như…xôn xao” – Công cuộc xây dựng mùa xuân của đất nước diễn ra khẩn trương, sôi động.

⇒ Nghệ thuật điệp cấu trúc, từ láy…=> Nhà thơ như reo vui trước tinh thần lao động khẩn trương của con người làm nên mùa xuân của đất nước.

3. Kết bài

– Khái quát những đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công của bài thơ: Thể thơ năm chữ, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sánh và ẩn dụ sáng tạo.

– Liên hệ trình bày khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ cho cuộc đời.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây 

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web