Đề số 30 – Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 30 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

Câu 1: (2.0 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

(Theo SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

1. Nhận biết

 Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Do ai sáng tác?

2. Nhận biết

Trình bày hoàn cảnh ra đời của văn bản ấy.

3. Thông hiểu

 Nêu ngắn gọn vẻ đẹp người lính trong đoạn thơ trên.

Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao

Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long có nhiều đóng góp cho cuộc đời nhưng rất khiêm nhường. Từ vẻ đẹp này của nhân vật, hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của em về đức tính khiêm nhường.

Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cảm nhận tình yêu làng chân thực và cảm động của ông Hai qua diễn biến tâm trạng nhân vật trong văn bản Làng của Kim Lân (SGK Ngữ văn 9, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam).

Lời giải chi tiết

Câu 1.

1.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Đồng chí.

Cách giải:

Đoạn thơ trên trích trong văn bản “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu.

2.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Đồng chí.

Cách giải

Hoàn cảnh đời: Bài thơ được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc.

3.

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Vẻ đẹp của người lính trong đoạn thơ trên: Vẻ đẹp của sự dũng cảm, kiên cường và vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt “rừng hoang sương muối”, những người lính vẫn bồng súng chiến đấu với tình yêu nước tha thiết. Sáng lên trong bức tranh là tình đồng chí “đứng cạnh bên nhau” – đó chính là sức mạnh giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Câu 2.

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

  • Yêu cầu về hình thức

– Bài văn hoặc đoạn văn

– Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.

  • Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:

1. Nêu vấn đề.

2. Giải thích vấn đề.

– Khiêm là khiêm tốn, không khoe khoang về bản thân mình, không tự cao với những gì mình có. Nhường là nhường nhịn, không tranh giành, chịu về mình cái thiệt thòi vì người khác.

ð  Khiêm nhường là đức tính tốt của một con người, cần được phát huy.

3. Bàn luận vấn đề:

– Biểu hiện người sống khiêm nhường:

+ Họ luôn có thái độ nhã nhặn, lắng nghe ý kiến người khác.

+ Luôn học hỏi, cầu tiến, không ngừng nỗ lực.

+ Không tự đề cao mình, khoe khoang bản thân

– Dẫn chứng: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp với yêu cầu của đề bài.

– Tại sao chúng ta cần sống khiêm nhường?

+ Mỗi con người khi biết khiêm nhường sẽ làm cho các mối quan hệ trở nên hài hòa, tốt đẹp hơn.

+ Người khiêm nhường luôn nỗ lực phấn đấu nên thành công sẽ dễ dàng đến với họ.

+ Khi bạn khiêm nhường, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ mọi người xung quanh.

4.  Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

– Phê phán những kẻ tự kiêu, tự mãn.

– Đồng thời cũng cần hiểu rằng khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, tự hạ thấp giá trị của bản thân.

– Liên hệ bản thân.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

– Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

– Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

– Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

– Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

– Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thành danh từ trước cách mạng tháng 8. Ông để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn được xếp vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

– Đề tài: nông thôn:

+ Khai thác chất thơ bình dị của cuộc sống thôn quê với những thú vui đồng ruộng.

+ Khám phá vẻ đẹp thuần phác, đôn hậu tiềm ẩn trong tâm hồn người nông dân.

– Có lối viết tự nhiên, giản dị, cách miêu tả chân thực. Đặc biệt ông có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật.

Tác phẩm:

– Được viết thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ 1948.

-> Là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Kim Lân.

2. Phân tích

2.1.Ông Hai là người nông dân có tình cảm gắn bó sâu nặng với làng quê:

Ông tha thiết yêu làng Chợ Dầu và rất tự hào về làng mình.

Ở nơi tản cư:

+ Luôn nhớ về làng và muốn về lại làng Chợ Dầu.

+ Thói quen sang bác Thứ để kể chuyện làng -> kể để nguôi đi nỗi nhớ làng.

+ Tự hào vì làng Chợ Dầu tham gia chiến đấu ủng hộ cách mạng.

2.2. Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

* Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:

– Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” -> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.

– Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn:

+ Cổ nghẹn đắng.

+ Da mặt tê rân rân.

+ Giọng lạc hẳn đi.

+ Lặng đi như không thở được…

-> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.

* Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:

–  Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.

– Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:

+ Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;

+ Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.

+ Cho tương lai cả gia đình.

– Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh:

+ Không dám bước chân ra khỏi nhà.

+ Mỗi một tiếng động bên ngoài cũng khiến ông hoang mang.

+ Lúc nào cũng nín thở nghe ngóng và chột dạ, nơm nớp.

* Cái tin ấy còn khiến ông day dứt, giằng xé dữ dội:

– Vì: Ông vừa yêu làng, vừa yêu nước, ông buộc phải lựa chọn giữa hai tình cảm ấy.

– Cuộc đấu tranh trong tâm hồn ông được biểu hiện qua cuộc nói chuyện của ông với đứa con nhỏ:

+ Ông khẳng định: “nhà ta ở làng Chợ Dầu” -> ông muốn con ghi nhớ Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác, không được phép quên -> là tình cảm gắn bó máu thịt của ông Hai và của hàng triệu người Việt Nam.

+ Ông lựa chọn “…làng theo Tây thì phải thù” -> tình yêu nước và nhiệt tình ủng hộ kháng chiến của ông Hai. Lựa chọn ấy khiến ông vững vàng hơn và tin rằng đồng bào, đồng chí sẽ hiểu cho ông, cụ Hồ sẽ soi xét cho ông.

=> Miêu tả diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, Kim Lân đã phản ánh những nét đẹp mới trong tâm hồn người nông dân sau cách mạng. Cùng với tình yêu làng tha thiết họ còn tràn đầy tình yêu đất nước và nhiệt tình cách mạng.

2.3. Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính:

– Tin cải chính đến cùng tin làng bị đốt, nhà ông Hai cũng bị đốt sạch -> đây là một mất mát lớn đối với người dân.

– Vậy mà, ông vô cùng sung sướng, hạnh phúc:

+ Chạy khắp nới để khoe chuyện Tây đốt làng, đốt nhà mình, khoe cái tin làng theo giặc là sai.

+ Phấn khởi mua quà về chia cho các con.

+ Định nuôi lợn để ăn mừng.

+ Ông như được hồi sinh: lại nhanh nhẹn, sôi nổi, thích nói chuyện với mọi người xung quanh.

-> Cội nguồn của sự thay đổi tâm trạng của ông vẫn là tình yêu làng, yêu nước. Tin cải chính đã trả lại cho ông niềm tự hào về làng Chợ Dầu và niềm tự tin vào bản thân mình. Hai tình cảm lớn lại hòa nhập làm một trong tâm hồn người nông dân chất phác và trọng danh dự này.

3. Tổng kết:

– Nội dung: Kim Lân đã miêu tả chân thực, sắc sảo diễn biến tâm trạng ông Hai. Qua đó, nhà văn đã khám phá những nét đẹp nổi bật trong tâm hồn người nông dân Việt Nam:

+ Chất phác, nồng hậu, yêu thiết tha quê hương, đất nước.

+ Lòng nhiệt tình ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

– Nghệ thuật:

+ Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ.

+ Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo.

+ Kết hợp hài hòa ngôn ngữ độc thoại, đối thoại.

+ Hình ảnh, chi tiết giàu sức gợi.

 

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây 

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web