Về tác giả: Bài viết được dịch lại từ chia sẻ của Karthika Gupta – nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cưới và biên tập ảnh chuyên nghiệp hiện đang sinh sống tại Chicago.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của nhiếp ảnh là ánh sáng. Vì vậy, đối với các nhiếp ảnh gia thì việc hiểu về các loại ánh sáng cũng như làm thế nào để có thể điều chỉnh ánh sáng khi chụp từng shot là điều vô cùng quan trọng. Thật không dễ dàng khi muốn nắm được chính xác cường độ, hướng và chất lượng ánh sáng của mỗi khung ảnh.
Khi chụp ảnh ngoài trời hay muốn bức ảnh có độ sáng tự nhiên thì ánh sáng Mặt Trời vào đầu buổi sáng (khi Mặt Trời thấp ở đường chân trời và ánh sáng mềm – Soft Light) hay lúc Mặt Trời lặn là lý tưởng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng với các nhiếp ảnh gia bởi vì khách hàng thường rất ngại chụp ảnh lúc hoàng hôn và sáng sớm. Đặc biệt là trường hợp chụp ảnh cưới, nhiều lễ cưới được tổ chức ngoài trời, lúc gần trưa với ánh nắng khắc nghiệt và người chụp hoàn toàn không thể thay đổi quyết định này của khách hàng. Lúc này, điều bạn có thể làm là tìm hiểu về những thủ thuật giúp chụp ảnh đẹp khi môi trường có quá nhiều ánh sáng và trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn.
Lưu ý: Hầu hết hình ảnh được sử dụng trong bài viết này là ảnh rất “mộc” (SOOC – traight out of camera). Tôi đã không chỉnh sửa để bạn có thể thấy một cách chân thực hình ảnh được chụp trong điều kiện ánh sáng khắc nghiệt.
1. Đặt phần lưng của chủ thể hướng về phía mặt trời
Nếu không có bóng đổ thì lựa chọn duy nhất của bạn là đặt chủ thể hoàn toàn trong vùng có ánh sáng và mẹo dễ dàng nhất đó là để đối tượng quay lưng về phía Mặt trời. Điều này sẽ giúp ngăn chặn gần như mọi chùm sáng chiếu thẳng vào chủ thể, giúp họ tránh bị nheo mắt khi có ánh sáng chiếu trực tiếp, đồng thời khiến chủ thể trong ảnh trở nên thiếu sáng và trở thành một hình khối đen nổi bật trên khuôn hình. Kỹ thuật này được gọi là chụp ảnh ngược sáng.
Thời điểm lý tưởng để chụp những bức ảnh ngược sáng là buổi sáng sớm khi mặt trời mới mọc hoặc buổi chiều muộn trước hoàng hôn – lúc trời vẫn sáng nhưng không quá gắt. Thông thường, vào mùa hè, bạn nên bắt đầu chụp ảnh trước 7h sáng và buổi chiều từ 4h30 – 6h30. Mùa đông thì thời gian này có thể thay đổi một chút, tuy nhiên khung giờ “vàng” cho mọi thể loại ảnh liên quan tới ánh sáng mặt trời, luôn là lúc sáng sớm và lúc hoàng hôn.
Một bức ảnh chụp ảnh ngược sáng đẹp cũng cần phải có một bố cục tốt. Sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể và phông nền giúp tác phẩm của bạn trông thú vị và lôi cuốn hơn. Người chụp có thể tận dụng những vật xung quanh như khung cửa sổ, mái vòm hay một tán cây để bức ảnh trở nên sinh động và gần gũi.
2. Tự tạo bóng râm
Nếu bạn muốn duy trì các chi tiết trên nền, bầu trời hay muốn khuôn mặt của chủ thể sáng hơn thì hãy để chủ thể đứng sau một cái cây (phía sau cây là ánh sáng Mặt Trời), sử dụng một chiếc gương hay thiết bị hắt sáng. Trong trường hợp khó khăn, bạn có thể tận dụng đèn flash như một công cụ bù sáng khá hiệu quả, tuy nhiên, mức độ hoàn hảo không bằng các dụng cụ khác.
3. Sử dụng thiết bị tản sáng
Nếu vẫn thất bại và bạn không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ việc phải đặt chủ thể dưới ánh nắng gay gắt thì hãy sử dụng một dụng cụ tản sáng.
Dụng cụ tản sáng sẽ khiến ánh sáng được phân bổ đều trên chủ thể của bạn, có thể đó là một tấm vải trắng đục hay một thiết bị chuyên dụng.
4. Một số cách chụp ảnh đẹp khác
- Trong trường hợp không thể di chuyển chủ thể, bạn có thể thay đổi góc chụp như chụp từ trên xuống hay chụp từ dưới lên. Cách làm này giúp điều chỉnh góc chiếu của mặt trời đối với chủ thể và góc máy, tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho ảnh chụp.
- Bạn có thể sử dụng kính lọc Polar (hoặc kính Neutral Density thay thế) để giảm sự phản chiếu ánh sáng, khiến lượng ánh sáng đi vào máy ít hơn, giúp tốc độ màn trập chậm hơn và độ mở ống kính nhỏ hơn. Ngoài ra, kính lọc Polar cũng cho phép bạn kiểm soát tốt hơn một số màu sắc, đặc biệt là khi bạn có một bầu trời xanh trong khung hình.
- Trong điều kiện ánh sáng mạnh, việc đo sáng có thể trở nên khó khăn hơn. Lúc này, bạn có thể chọn chế độ Spot Metering (đo điểm sáng) trên máy ảnh DSLR và lựa chọn chủ thể chính của cảnh làm điểm lấy nét khi đo sáng. Ngoài ra, hãy chọn một vùng trung tính để đo sáng nếu bạn muốn mọi thứ có được ánh sáng tốt. Nếu có nhiều thời gian hãy chụp nhiều ảnh có đo sáng các phần khác nhau của cảnh quang và lựa chọn được bức ảnh tốt nhất sau đó.
Nguồn sưu tầm : Quản Trị Mạng
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.