Cập nhật ứng dụng mang đến một số tính năng mới, vá lỗi bảo mật và cải thiện sự ổn định của phần mềm. Tuy nhiên, không phải tất cả ứng dụng trên Mac cũng được cập nhật theo cách giống nhau. Một số có thể “tự thân vận động”, một số lại cần sự giúp đỡ từ bạn. Dưới đây là những cách cập nhật phần mềm trên máy Mac.
Cách cập nhật ứng dụng đến từ App Store
Những ứng dụng được cài đặt từ App Store sẽ được cập nhật trên cùng một hệ thống. Bạn không cần phải thực hiện việc này một cách thủ công nếu bật tính năng cập nhật tự động. Máy Mac của bạn sẽ thường xuyên kiểm tra cập nhật và cài đặt chúng nếu cần thiết.
Bạn vẫn có thể kiểm tra các bản cập nhật theo cách thủ công nếu muốn. Để làm được, mở App Store trên Mac, bấm vào Updates trên sidebar để xem các ứng dụng đang chờ để cập nhật.
Nếu bạn thấy nút Update bên cạnh ứng dụng, bấm vào đó để bắt đầu cập nhật thủ công ứng dụng. Nếu không có bản cập nhật nào, App Store sẽ hiển thị những ứng dụng mới tải gần đây, cùng với bản mô tả ngắn gọn. Bấm vào More để đọc thêm nhiều thông tin hơn.
Cách thiết lập cập nhật ứng dụng tự động
Trong trường hợp bạn có nhiều ứng dụng đã được tải xuống và cài đặt trên máy Mac của mình từ Mac App Store, có thể thiết lập chúng tự cập nhật bất cứ khi nào phiên bản mới khả dụng. Vì một số lý do, Apple không cho phép tính năng cập nhật ứng dụng tự động (cho các ứng dụng download từ Mac App Store) được kích hoạt theo mặc định. Điều này có thể khiến bạn bỏ lỡ những bản cập nhật tính năng cũng như bản vá bảo mật quan trọng cho ứng dụng của mình.
Cách thiết lập cập nhật ứng dụng tự động như sau:
Bước 1: Khởi chạy Mac App Store trên máy Mac của bạn.
Bước 2: Trong thanh menu đầu màn hình, ở góc trên bên phải, bạn nhấp vào Mac App Store và sau đó chọn mục Preferences.
Bước 3: Trong cửa sổ Preferences hiện ra, hãy nhấp vào ô vuông bên cạnh tùy chọn Automatic Updates để kích hoạt nó.
Từ bây giờ, bất cứ khi nào có bản cập nhật ứng dụng mới trên Mac App Store, nó sẽ lập tức được cài đặt bất cứ khi nào máy Mac của bạn sử dụng kết nối Wi-Fi. Bạn không cần phải khởi chạy Mac App Store theo cách thủ công để cài đặt các bản cập nhật như thông thường. Toàn bộ quá trình sẽ được tự động hóa và tự diễn ra trong nền.
Cách cập nhật ứng dụng Mac bằng Terminal
Tìm hiểu cách cập nhật ứng dụng trên máy Mac bằng Terminal có thể hợp lý hóa đáng kể việc bảo trì nhiều máy Mac và do đó, giảm khối lượng công việc của bạn. Bằng cách sử dụng kết hợp các lệnh hệ thống và kho lưu trữ nguồn mở, bạn có thể cập nhật cả phần mềm macOS và phần mềm Mac App Store bằng Terminal.
Cài đặt bản cập nhật hệ thống và phần mềm macOS bằng Terminal
Bạn có thể cập nhật máy Mac của mình bằng Terminal và công cụ cập nhật phần mềm. Công cụ này cài đặt các bản cập nhật hệ thống và phần mềm tương tự có trong phần Software Update của ứng dụng System Settings và nhiều người dùng đã báo cáo rằng nó nhanh hơn ứng dụng System Settings.
Để sử dụng nó, hãy khởi chạy ứng dụng Terminal từ Application -> Utilities. Nhập lệnh softwareupdate -l để liệt kê các bản cập nhật có sẵn. Nếu có bản cập nhật, softwareupdate sẽ hiển thị chúng.
Để cài đặt tất cả các bản cập nhật có sẵn, hãy thực thi sudo softwareupdate -ia –verbose. Lệnh này chạy công cụ cập nhật phần mềm với đặc quyền admin và yêu cầu công cụ cài đặt tất cả các bản cập nhật đồng thời cung cấp chế độ xem chi tiết về tiến trình cập nhật. Bạn sẽ được yêu cầu nhập mật khẩu admin, sau đó chỉ cần đợi quá trình cập nhật kết thúc.
Các flag softwareupdate
Hoạt động của công cụ softwareupdate có thể được sửa đổi bằng cách sử dụng nhiều loại flag khác nhau, một số flag trong đó đã được sử dụng trong phần trước của bài viết này. Dưới đây là danh sách các flag thường được sử dụng:
- Flag –verbose là tùy chọn, nhưng nó sẽ cung cấp báo cáo trạng thái trực tiếp khi các bản cập nhật được cài đặt. Nếu bạn có nhiều cập nhật cần xử lý, Flag này sẽ giúp bạn cập nhật trạng thái hiện tại.
- Flag -i là viết tắt của “install” và sẽ bắt đầu quá trình cài đặt cho các ứng dụng đã chọn.
- Flag -a là viết tắt của “all”. Nó sẽ cài đặt tất cả các bản cập nhật có sẵn.
- Flag -r là viết tắt của “recommended”. Ví dụ, softwareupdate -ir sẽ chỉ cài đặt các bản cập nhật “được đề xuất”.
- Flag -h là viết tắt của “help” và sẽ hiển thị tất cả các lệnh có sẵn.
- Để cài đặt chỉ một bản cập nhật, hãy sử dụng softwareupdate -i [tên gói]. Ví dụ, softwareupdate -i RemoteDesktopClient-3.9.2 sẽ chỉ cài đặt bản cập nhật RemoteDesktopClient 3.9.2.
- Để bỏ qua các cập nhật cụ thể, hãy sử dụng flag –ignore. Ví dụ, softwareupdate –ignore RemoteDesktopClient-3.9.2 sẽ ẩn bản cập nhật 3.9.2 của RemoteDesktopClient.
Cập nhật phần mềm Mac App Store bằng Terminal
Theo mặc định, macOS không chứa tiện ích dòng lệnh để cập nhật ứng dụng từ Mac App Store. Tuy nhiên, bạn có thể cài đặt tiện ích mas của Dmitry Rodionov để thêm chức năng này vào máy Mac của mình.
Khởi chạy ứng dụng Terminal (Application -> Utilities) và nếu bạn chưa cài đặt, hãy cài đặt Homebrew bằng lệnh Terminal sau:
/usr/bin/ruby -e "$(curl -fsSL https://raw.githubusercontent.com/Homebrew/install/master/install)"
Homebrew là trình quản lý gói nguồn mở giúp dễ dàng cài đặt, cập nhật và quản lý phần mềm của bên thứ ba từ Terminal. Hãy ngay lập tức đưa nó vào sử dụng bằng cách cài đặt tiện ích mas nói trên bằng lệnh brew install mas. Khi quá trình cài đặt hoàn tất, gõ mas để xem danh sách tất cả các lệnh mas có sẵn.
Ví dụ, nhập mas list để xem danh sách các ứng dụng Mac App Store đã cài đặt hoặc nhập mas outdated để chỉ xem những ứng dụng có bản cập nhật sẵn có. Để cập nhật tất cả các ứng dụng, chỉ cần sử dụng mas upgrade. Quá trình sẽ cập nhật từng ứng dụng và thông báo cho bạn sau khi hoàn thành.
Cách cập nhật ứng dụng không cài đặt từ App Store
Ứng dụng được cài đặt ngoài App Store còn tùy mới có bản cập nhật. Tuy nhiên, những ứng dụng phổ biến nhất như Chrome hay những app có trả phí sẽ tự động cập nhật và thông báo cho bạn nếu có bất kì bản update nào.
Bạn sẽ thấy một thông báo có bản cập nhật mới khi mở ứng dụng. Bạn chỉ cần bấm vào Update để đóng app và cập nhật. Bạn cũng có thể lựa chọn hoãn cập nhật. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng thông báo cho bạn về phiên bản cập nhật đang có sẵn.
Với một vài ứng dụng khác, bạn có thể tìm trong menu mục Check for Updates. Thông thường, bạn có thể bấm vào Help > Check for Updates, đôi khi nó có thể ở sẵn trong menu với tên của ứng dụng.
Một vài ứng dụng không kích hoạt trình kiểm tra cập nhật, bạn chẳng có cách nào khác ngoài tự nhớ ra để thực hiện update thủ công.
Thỉnh thoảng, bạn sẽ được thông báo khi có phiên bản mới của ứng dụng nhưng bạn sẽ phải tự tải xuống. Nó cũng sẽ yêu cầu bạn thay thế phiên bản cũ theo cách thủ công. Để có kết quả tốt nhất, hãy nhấp chuột phải vào phiên bản cũ trong thư mục Applications, sau đó chọn Move to Trash.
Sau khi tải xuống phiên bản mới, hãy sao chép file APP vào thư mục Applications, sau đó chạy ứng dụng để đảm bảo nó hoạt động như mong đợi.
Nếu phiên bản mới không hoạt động trong quá trình làm việc, bạn có thể xóa phiên bản mới và khôi phục phiên bản cũ từ thùng rác. Để làm như vậy, chỉ cần bấm chuột phải vào tệp, sau đó chọn Put Back.
Một vài ứng dụng phụ thuộc vào hệ sinh thái khác
Bạn phải cập nhật app thông qua cửa hàng ứng dụng riêng biệt. Ví dụ như bộ công cụ Adobe, sẽ phụ thuộc vào ứng dụng Creative Cloud hoặc những tựa game cài đặt thông qua Via.
Những ứng dụng này không thể cập nhật thủ công, vì vậy bạn phải mở trình cài đặt để xem có cập nhật nào đang chờ không.
Cách cập nhật tiện ích mở rộng của Safari
Nếu đang sử dụng macOS Catalina trở lên, các tiện ích mở rộng của Safari sẽ được cài đặt thông qua App Store của Mac. Chúng sẽ xuất hiện qua trang Updates, cũng giống như mọi ứng dụng của App Store.
Với các phiên bản macOS trước Catalina, bạn cần kiểm tra phiên bản cập nhật thủ công thông qua Safari > Preferences > Extensions. Bấm vào một tiện ích và chọn Check for Updates nếu có.
Nguồn sưu tầm : Quản Trị Mạng
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.