Câu trần thuật
1. Khái niệm
Câu trần thuật là dạng câu được sử dụng với mục đích kể, miêu tả, thông báo, nhận định về những sự vật, hiện tượng trạng thái hay tính chất của sự vật, hiện tượng hoặc đối tượng nào đó.
2. Chức năng
Câu trần thuật thường được dùng khi muốn kể, tả, nhận định một sự việc, câu chuyện gì đó đã xảy ra hoặc giới thiệu một sự vật, sự việc nào đó, từ đó giúp người đọc, người nghe hình dung được sự vật, sự việc được nói đến. Bên cạnh đó, câu trần thuật còn được dùng để yêu cầu, ra lệnh, đồng thời bày tỏ thái độ, tình cảm nhưng rất ít.
3. Ví dụ
- Câu kể: Sáng nay Nam đi học trễ.
- Câu tả: Hôm nay trời nhiều mây.
- Câu nhận định: Đây là ngôi biệt thự của Ông Bình. Nó được xây dựng theo phong cách kiến trúc kiểu Ý, mang vẻ đẹp cổ điển và sang trọng.
4. Đặc điểm
- Câu trần thuật là dạng câu cơ bản nhất, được sử dụng phổ biến, thông dụng trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
- Câu trần thuật thường mở đầu bằng chữ cái in hoa và kết thúc bằng dấu chấm. Trong một số trường hợp người viết kết thúc câu bằng dấu chấm than để nhấn mạnh sắc thái biểu cảm hoặc dấu chấm lửng để nhấn mạnh sự suy ngẫm.
- Chức năng chính của câu trần thuật là để kể, thông báo, nhận định, miêu tả. Ngoài ra có thể dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm nhưng cần tránh nhầm lẫn với các kiểu câu khác vì đây không phải chức năng chính của câu trần thuật.
5. Phân loại
a) Câu trần thuật đơn
Câu trần thuật đơn là câu trần thuật có một mệnh đề độc lập do một cụm chủ ngữ và vị ngữ tạo thành. Dựa vào mặt cấu trúc, câu trần thuật đơn được chia thành câu trần thuật đơn có từ “là” và câu trần thuật đơn không có từ “là”.
Câu trần thuật đơn có từ “là” là loại câu do một cụm chủ vị tạo thành, dùng để giới thiệu, tả hoặc kể một sự việc sự vật hay để nêu một ý kiến. Câu trần thuật đơn không có từ “là” có vị ngữ thường do động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ tạo thành.
b) Câu trần thuật ghép
Câu trần thuật ghép là câu có từ hai mệnh đề độc lập trở nên. Các mệnh đề thường được kết nối bằng một từ kết hợp và thường yêu cầu dấu phẩy. Chúng ta cũng có thể kết nối các mệnh đề độc lập bằng dấu chấm phẩy.
6. Hướng dẫn đặt câu trần thuật
Câu trần thuật rất phổ biến và xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày bởi nó có chức năng và sắc thái đa dạng. Bạn có thể tập đặt câu trần thuật từ những mục đích sau đây:
- Xin lỗi: Mình rất xin lỗi cậu.
- Cảm ơn: Em cảm ơn chị vì đã chỉ bài cho em.
- Miêu tả: Bạn có mái tóc đen rất mượt và bỏng bẩy.
- Chúc mừng: Chúc mừng sinh nhật anh.
Xem thêm các bài viết liên quan hay, đầy đủ khác:
Trắc nghiệm Câu trần thuật
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.