Như tất cả chúng ta đã biết, thành phần quan trọng và phức tạp nhất trong máy tính là Mainboard, hay còn gọi là Motherboard, bo mạch chủ… Được hình thành từ rất nhiều các linh kiện khác nhau, và với nhiều mẫu mã, series cũng như các hãng sản xuất cung cấp khác nhau, việc chọn mua được 1 sản phẩm thực sự vừa ý với nhu cầu sử dụng là 1 điều khá khó khăn đối với phần lớn người sử dụng.
Nếu bạn đang có ý định tự build máy tính và lựa chọn bo mạch chủ cho máy của mình thì hãy tham khảo những yếu tố chủ chốt dưới đây, trước khi quyết định nên chọn Mainboard loại nào cho phù hợp.
Bo mạch chủ thường có giá bao nhiêu?
Giá bo mạch chủ thay đổi tùy theo model và nhà sản xuất, có thể chỉ từ 50 USD trở xuống hoặc nhiều nhất là 1.500 USD. Tuy nhiên, càng chi nhiều tiền cho bo mạch chủ thì bạn sẽ càng nhận được nhiều tính năng. Dưới đây là tổng quan chung về giá bo mạch chủ cơ bản, trung bình và cao cấp.
Tầm giá | Loại | Những thứ có thể mong đợi |
---|---|---|
>$150 | Cơ bản | Chipset: H510 và H610 (Intel), A520 (AMD) Socket: LGA1200 và LGA1700 (Intel), AM4 (AMD) Form Factor: mATX or Mini ITX |
>$250 | Tầm trung | Chipset: B560 và B660 (Intel), B550 (AMD) Socket: LGA1200 và LGA1700 (Intel), AM4 (AMD) Form Factor: mATX, ATX, Mini ITX |
$250 trở lên | Cao cấp | Chipset: Z590 và Z660 (Intel), X570 (AMD) Socket: LGA1200 và LGA1700 (Intel) Form Factor: ATX, Mini-ITX, E-ATX |
Bo mạch chủ nên có CPU gì?
CPU là một thành phần quan trọng của PC có chức năng diễn giải và thực thi các lệnh phần cứng và phần mềm. Nếu đang thay thế hoặc nâng cấp bo mạch chủ, bạn có thể chọn bo mạch chủ hoạt động với CPU hiện tại của mình. Nhưng nếu đang mua CPU mới hoặc build một PC, bạn cũng sẽ cần bộ xử lý.
Một CPU tầm trung sẽ đủ mạnh để thực hiện đa nhiệm và hoạt động mượt mà nhằm đảm bảo năng suất tối đa cho PC khi sử dụng cho doanh nghiệp. Nếu là một game thủ, bạn sẽ muốn một CPU có tốc độ xung nhịp cao và hỗ trợ RAM lớn hơn. Nếu là người sáng tạo nội dung, bạn sẽ muốn có CPU có đủ RAM để hỗ trợ video 4K.
Hãy kiểm tra thông số kỹ thuật CPU một cách cẩn thận để xác định xem chúng có phù hợp với mục đích sử dụng hay không.
Bo mạch chủ nên có CPU socket nào?
CPU socket là một yếu tố quan trọng khi quyết định mua bo mạch chủ nào. Loại CPU socket của bo mạch chủ xác định loại CPU nào có thể sử dụng với bo mạch chủ.
Nếu có một máy tính và cần thay thế bo mạch chủ do lỗi linh kiện hoặc để nâng cấp, hãy chọn một bo mạch chủ có socket phù hợp với CPU hiện có hoặc mua một CPU mới.
Nếu mua CPU hoặc build một PC mới, hãy xác định xem nó phù hợp với socket nào sau khi quyết định CPU mong muốn. Ví dụ, bộ xử lý Intel i7 Core i7-9700F yêu cầu bo mạch chủ có hỗ trợ socket LGA 1151 và AMD Ryzen 9 5900X cần bo mạch chủ có hỗ trợ socket AM4.
Để biết mình cần socket nào, hãy kiểm tra tài liệu về CPU hoặc tra cứu trên trang web của nhà sản xuất.
Bo mạch chủ nên có form factor và case nào?
Cùng với CPU socket, form factor (kiểu dáng) của bo mạch chủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần lựa chọn.
Nếu đã có máy tính và cần thay thế bo mạch chủ để nâng cấp hoặc do lỗi linh kiện, hãy chọn bo mạch chủ có socket phù hợp với CPU và vừa với case hiện tại.
Nếu đang build một máy tính mới, hãy chọn bo mạch chủ phù hợp với CPU mong muốn và vừa với case đã chọn. Tất nhiên, khi chọn case, tính thẩm mỹ đóng một vai trò quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cần cân nhắc là kích thước case và loại bo mạch chủ mà nó hỗ trợ.
Dưới đây là các loại form factor bo mạch chủ chính sẽ sử dụng khi build một PC tùy chỉnh:
- ATX: Đây là form factor được sử dụng trong hầu hết các máy tính để bàn. Nó dài 12 inch và rộng 9,625 inch, có chỗ cho card mở rộng và thiết bị ngoại vi.
- Micro-ATX: Loại này có cùng chiều rộng với ATX nhưng ngắn hơn 2 inch. Điều đó có nghĩa là nó phù hợp với những chiếc case nhỏ hơn nhưng không có nhiều không gian cho các khe cắm mở rộng.
- Mini-ITX: Những bo mạch chủ này chỉ rộng 6,75 inch và dài 6,75 inch nên phù hợp với những case nhỏ nhưng không có nhiều không gian cho khe cắm mở rộng. Bạn có thể nhận được một khe cắm mở rộng hoặc không gì cả.
Quyết định loại case mong muốn và kiểm tra xem đó là case ATX, Micro-ATX hay Mini-ITX. Bạn có thể tìm kiếm bo mạch chủ phù hợp với socket CPU mà mình muốn sử dụng.
Lưu ý: Form factor của bo mạch chủ không ảnh hưởng đến loại CPU cần sử dụng. Nếu bo mạch chủ có socket chính xác, có thể sử dụng cùng CPU với bo mạch chủ ATX, Micro-ATX hoặc Mini-ITX.
Bo mạch chủ nên có những cổng mở rộng nào?
Sau socket CPU và form factor, yếu tố quan trọng nhất tiếp theo là bo mạch chủ có bao nhiêu cổng mở rộng, thường là cổng PCIe, và bạn nghĩ mình sẽ cần bao nhiêu cổng.
Hai cổng mở rộng phổ biến nhất cần tìm là khe cắm PCIe x16, có thể chứa card đồ họa và khe cắm PCIe x1, được sử dụng cho các card mở rộng khác hay bổ sung thêm cổng USB. Nếu muốn lắp hai card video, hãy đảm bảo bo mạch chủ có hai cổng mở rộng có thể chứa card video.
Hầu hết các bo mạch chủ đều hỗ trợ PCIe 3.0, nhưng một số hỗ trợ PCIe 4.0 và 5.0 mới hơn, cung cấp nhiều băng thông hơn. Nếu có bất kỳ card PCIe nào hoặc muốn đảm bảo có thể sử dụng trong tương lai, hãy tìm bo mạch có hỗ trợ PCIe 5.0.
Bo mạch chủ cần những cổng tích hợp nào?
Cũng cần xem xét các cổng được tích hợp trên bo mạch chủ. Bo mạch chủ sẽ bao gồm sự kết hợp của USB-A, USB-C, cổng âm thanh, HDMI và DisplayPort, thậm chí cả các cổng cũ như cổng VGA, PS/2, cổng song song và cổng nối tiếp. Bo mạch chủ cũng có thể bao gồm cổng Ethernet và các kết nối khác như WiFi và Bluetooth tích hợp.
Hãy xem xét những cổng nào bạn cần nhất và chọn bo mạch chủ phù hợp với yêu cầu để không phải thêm card mở rộng hoặc USB hub trong tương lai gần.
Bo mạch chủ cần bao nhiêu RAM?
Điều quan trọng nữa là phải xem bo mạch chủ có bao nhiêu khe RAM và tổng số RAM nó hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu bộ nhớ của bạn. Yếu tố này không quan trọng nếu máy tính chỉ dùng để stream media, lướt web và chơi các game cơ bản. Tuy nhiên, việc có tùy chọn cài đặt thêm RAM là rất quan trọng nếu cần thực hiện bất kỳ chỉnh sửa video hoặc ảnh nào hay chơi các game sử dụng nhiều tài nguyên.
Nguồn sưu tầm : Quản Trị Mạng
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.