Soạn bài Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ (ngắn nhất) kết nối tri thức

Yêu cầu

– Xác định rõ vấn đề xã hội cần thuyết trình.

– Nêu được lý do lựa chọn vấn đề thuyết trình (từ phía cá nhân người nói và nhu cầu thực sự của người nghe)

– Làm sáng tỏ các phương diện (khía cạnh) chủ yếu của các vấn đề xã hội được thuyết trình với lý lẽ và bằng chứng đầy đủ, thể hiện quan điểm riêng của người nói.

– Chọn được ngôn ngữ và giọng điệu phù hợp thích hợp (sinh động, giàu sắc thái biểu cảm, có điểm nhấn,….) Kết hợp hài hòa với việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (điệu bộ, cử chỉ, hình ảnh minh hoạ,….)

1. Chuẩn bị nói và nghe

a. Chuẩn bị nói

* Lựa chọn đề tài

– Với đề tài đã được lớp hoặc nhóm học tập xác định trước thì người nói chỉ cần tìm tư liệu phù hợp để tổ chức bài nói của mình. Cái riêng của bài nói cũng như cách thực hiện bài nói lúc đó thể hiện ở những phát hiện và kiến giải mang tính cá nhân về vấn đề, cùng với khả năng diễn đạt và thu hút sự chú ý của người nghe.

– Với đề tài được tùy ý lựa chọn, người nói có thể tham khảo các đề tài xã hội đã được đề cập trong phần đọc của bài học này. Ngoài ra người nói nên chú ý đến đặc điểm nhận thức, tâm lý, thị hiếu,… của người nghe để từ đó lựa chọn những đề tài xã hội gần gũi hoặc đang được quan tâm, gợi cảm hứng (đối với người nghe). 

Gợi ý: người nói có thể sử dụng hình thức khảo sát người nghe trước khi lựa chọn đề tài để có thêm căn cứ cho việc lựa chọn của mình.

* Tìm ý và sắp xếp ý

– Nên dựa vào việc giải đáp cụ thể đối với các câu hỏi sau để tìm ý, xây dựng luận điểm: vấn đề xã hội sẽ được trình bày ở đây là gì ?. Vì sao tôi muốn nói về vấn đề này?  Vấn đề xã hội được trình bày ở đây có những khía cạnh nào cần đặc biệt lưu ý? Có điều gì cần điều chỉnh trong nhận thức của chúng ta về vấn đề xã hội đang được nói tới?  Chúng ta nên có thái độ và hành động như thế nào trước vấn đề xã hội đó? 

– Bài thuyết trình cần trình bày được vấn đề xã hội đã lựa chọn, đồng thời nêu lên quan điểm của người thuyết trình, quan điểm sẽ được cụ thể hóa bằng các luận điểm. Hai nội dung cơ bản trên có thể được trình bày lần lượt hoặc xen kẽ nhau tùy theo lựa chọn của người thuyết trình.

Gợi ý

– Vấn đề xã hội: Lẽ sống cống hiến ở người trẻ

– Lí do chọn đề tài:

+ Sống cống hiến là một lẽ sống đẹp, cần có trong con người dù ở bất kì thời đại nào

+ Đặt trong bối cảnh toàn thế giới đang trải qua đại dịch căng thẳng, lẽ sống cống hiến càng trở nên cao đẹp

+ Cuộc sống hiện đại hoá khiến con người dần thu về với lối sống cá nhân, tách biệt với cộng đồng

– Những khía cạnh cần lưu ý về vấn đề xã hội

+ Thực trạng lối sống của người trẻ hiện nay

+ Biểu hiện của lẽ sống cống hiến trong xã hội hiện nay

+ Ý nghĩa của lẽ sống cống hiến

+ Bài học nhận thức và hành động

– Chúng ta nên có thái độ như thế nào trước vấn đề xã hội đó:

+ Ý thức trách nhiệm của bản thân

+ Lan toả lối sống đẹp, có ích, tránh xa những lối sống tiêu cực

+ Hoà nhập với tập thể, có tinh thần đóng góp chung

2. Thực hành nói và nghe

Người nói

Người nghe

Trình bày bài nói theo hướng sau:

– Mở đầu: nêu vấn đề xã hội và lí do lựa chọn

– Triển khai: trình bày các luận điểm trong bài thuyết trình theo trình tự đã chuẩn bị, kết hợp hài hòa với việc trình chiếu PowerPoint (nếu có) và các phương tiện phi ngôn ngữ khác.

Kết luận: khái quát lại những luận điểm chính, gợi ra hướng suy nghĩ tiếp về vấn đề; bày tỏ mong muốn nhận được sự trao đổi từ người nghe.

Chú ý:

– Người nói cần chú ý đến sự kết hợp giữa các phương tiện phi ngôn ngữ đã chuẩn bị với các phần nội dung cụ thể của bài nói (nhất là các phần cần nhấn mạnh hãy thể hiện quan điểm riêng)

– Sử dụng ngữ điệu (lên giọng, ngừng, nghỉ….) và ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ….) một cách linh hoạt để gia tăng sức biểu đạt của bài nói, tạo ra sự tương tác tốt nhất với người nghe.

– Theo dõi phần trình bày mà người nói thể hiện bằng ngôn ngữ và bằng các phương tiện phi ngôn ngữ.

– Nghe trên tinh thần cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận quan điểm của người nói và chuẩn bị thể hiện quan điểm của mình ở hoạt động trao đổi. 

 * Bài nói tham khảo

Tuổi trẻ và lẽ sống cống hiến

          Chào các bạn, hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn về một vấn đề trong cuộc sống. Trước khi bắt đầu phần chia sẻ của mình, tôi muốn các bạn hãy cùng tôi quan sát những bức ảnh sau và nêu cảm nhận nhé!

Những bức tranh trên gợi ra 2 thái độ sống trái ngược trong xã hội, theo các bạn, đó là gì? (người nghe trả lời)

Đúng vậy! Đó chính lẽ sống cống hiến, hi sinh cao đẹp và lối sống ích kỉ, vô cảm. Có lẽ tất cả chúng ta đều thấy rằng cuộc sống càng hiện đại phát triển, khoa học kĩ thuật càng cao thì con người lại càng xa lánh nhau. Con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, chúng ta đang thu nhỏ lại với bản tính cá nhân, sống vì bản thân mình mà đánh mất mối liên kết với xã hội. Đứng trước vấn đề nhức nhối trên, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay đó là: Tuổi trẻ và lẽ sống cống hiến.

Chúng ta đều biết rằng, tuổi trẻ là độ tuổi năng nổ nhất, nhiệt huyết nhất, có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất. Thế nhưng tuổi trẻ cũng là giai đoạn con người hưởng thụ, xa hoa và sống vì bản thân nhất. Một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là người trẻ Việt Nam đang trở nên mất phương hướng trước những lựa chọn của bản thân. Họ sẽ lựa chọn một con đường êm ái, phẳng lặng, đi theo lối mòn của biết bao người thay vì một con đường gồ ghề đầy thách thức vắng dấu chân người. Họ sẽ lựa chọn một con đường đã được định sẵn theo ý muốn của người khác thay vì mục tiêu đã đề ra cho chính mình. Người trẻ quen với lối sống hưởng thụ, cho rằng giá trị bản thân nằm ở những thứ vật chất giàu có được phơi bày ra bên ngoài. Do đó, họ chạy theo xu hướng mà đánh mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Điều này đã làm nảy sinh trong một lớp người lối sống vô cảm và ích kỉ cá nhân. Họ lãnh đạm trước nỗi đau của người khác, thậm chí lợi dụng sự bất hạnh của người khác để chuộc lợi cho bản thân. Họ sống trong tập thể nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Họ đề cao lối sống tự do bằng cách sống buông thả bản thân, làm những gì mình muốn mà không quan tâm đến cái nhìn của người khác. Biết bao nam thanh nữ tú sa vào con đường tệ nạn xã hội, nghiện hút ma tuý để thoả mãn lối sống hưởng thụ của mình. Biết bao thanh thiếu niên trẻ tuổi hằng đêm tổ chức đua xe trái phép trên phố gây ra cái chết thương tâm cho người vô tội mà không hay biết lỗi. Và biết bao cô gái xinh đẹp bỏ nhà, bỏ quê, xa xứ với ước muốn được đổi đời mà không hay biết đó là chốn địa ngục trần gian. Vậy đấy! Một lớp người trẻ chúng ta đang sống buông thả và vô trách nhiệm như vậy đấy! 

Tưởng rằng xã hội chúng ta đang sống sẽ thật tồi tệ, tối tăm, mù mịt. Nhưng không, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy, chúng ta vẫn còn biết bao tấm gương sáng, bao con người với lẽ sống thật cao đẹp, đáng trân trọng ngợi ca. Đó là những tấm gương cống hiến âm thầm lặng lẽ. Tuổi trẻ với tinh thần nhiệt huyết, năng nổ của bản thân chính là lực lượng có những đóng góp tích cực, nổi bật nhất trong xã hội. Họ có khả năng lao động, học tập và hơn cả là sức sáng tạo vượt bậc. Họ khẳng định giá trị bản thân không nằm ở những món đồ hàng hiệu đắt tiền mà nằm trong những cống hiến có ích mà họ đóng góp trong xã hội. Họ lan toả tình yêu thương trong cuộc sống, họ đấu tranh loại trừ cái xấu, tôn vinh cái đẹp. Chỉ khi đặt vào hoàn cảnh khó khăn, con người mới bộc lộ những bản chất thật trong con người mình. Như các bạn đã biết, đã hơn một năm nay, cả thế giới đã phải trải qua một đại hoạ – đó là dịch bệnh Covid-19. Đã có biết bao người hi sinh, biết bao bệnh nhân ra đi vì một thứ virus vô hình nhưng có sức tàn phá đáng kinh ngạc. Và giữa cái u ám của đại dịch, ta thấy ngời sáng vẻ đẹp của tình người. Những y bác sĩ ngày đêm làm việc, cứu chữa những bệnh nhân nhiễm virus. Những tình nguyện viên ngày ngày túc trực, hỗ trợ bệnh nhân và các cán bộ làm việc. Những chiến sĩ bộ đội ta từ các doanh trại đồng lòng hướng về tâm dịch: họ phụ bếp, nấu cơm, họ dọn dẹp, sắp xếp và thậm chí họ nhường cả nơi nằm nghỉ ngơi của mình cho các bệnh nhân điều trị. Những sinh viên trường Y xung phong vào tuyến đầu chống dịch, góp công góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Biết bao người trẻ từ mọi vùng miền Tổ quốc không ngại khó, ngại khổ cùng nhau kêu gọi quyên góp từ thiện, ủng hộ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Đã có rất nhiều mô hình ứng phó dịch bệnh được áp dụng như: Siêu thị 0 đồng, Đi chợ hộ,… với tinh thần “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Họ chính là những người anh hùng đời thường là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng ta noi theo. Và như vậy, với sự quyết tâm cao độ, Việt Nam chúng ta đã đồng hành cùng những y bác sĩ, những thiện nguyện viên, những cán bộ chiến sĩ,…tiến từng bước trên con đường chiến thắng đại dịch toàn cầu. 

Các bạn thấy đấy, tất cả mọi người đều đang cống hiến, chung tay đóng góp một phần nhỏ bé của bản thân cho xã hội. Sống cống hiến giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và những người xung quanh. Lẽ sống cống hiến giúp gắn chặt tình người, tình đoàn kết giữa cá nhân với tập thể. Nếu biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Cái nhận lại ấy có thể không giá trị nhưng nó là vô giá. Bởi “hạnh phúc là cho đi”. Và hơn hết, nó khiến cộng đồng, xã hội, đất nước trở nên tươi đẹp hơn, phát triển hơn. Các bạn thử nghĩ mà xem: Liệu xã hội sẽ ra sao, nhân loại sẽ như thế nào nếu một ngày cá nhân tách biệt với tập thể, con người xa lánh lẫn nhau? Có lẽ xã hội ấy thật đáng sợ mà tôi không thể tưởng tượng được hết. 

Như vậy, tất cả chúng ta đều hiểu rằng: lẽ sống cống hiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người trong cuộc sống. Vậy chúng ta cần làm gì để lan toả lối sống đẹp đẽ ấy? Hãy biết yêu thương, hãy sẻ chia, hãy gieo mầm hạnh phúc ở mọi nẻo đường bạn đi qua. Hạnh phúc không phải điểm đến mà chính là hành trình mà bạn đã nỗ lực vượt qua. Mọi hi sinh đều nhận được sự đền đáp xứng đáng. Vì vậy, hãy cho đi mà không mong cầu được nhận lại, hãy san sẻ bằng tất cả tình yêu và sự chân thành. Hãy biết sống vì cộng đồng, hãy đóng góp những điều có ích cho xã hội. Và cụ thể bằng cách nào? Chúng ta có thể tham gia những hoạt động từ các tổ chức thiện nguyện uy tín, cũng có thể tự mình tạo ra những hoạt động ý nghĩa cho xã hội. Nhưng trước khi đóng góp cho xã hội, bạn hãy biết tự yêu thương và trân trọng chính bản thân mình và những người thân trong gia đình mình. Bởi chỉ khi có trách nhiệm với bản thân, bạn mới có thể hoàn thành nghĩa vụ với xã hội. Tuy nhiên, sống cống hiến không có nghĩa là luôn luôn phải cho đi, luôn luôn phải hi sinh bất chấp mọi ngăn cản. Bạn hãy nhớ rằng: lòng tốt cần có giới hạn và nguyên tắc. Chúng ta không thể cứ nhu nhược cho đi để rồi khiến lòng tốt bị đem ra trở thành một món hàng bị lợi dụng lúc nào không hay. Chúng ta cũng không thể lúc nào cũng phải nghĩ cho người khác mà đánh mất bản thân mình. Vì vậy, hãy cứ sống là mình, sống sao để bản thân cảm thấy thoải mái và để cuộc sống trở nên ý nghĩa, giá trị hơn bao giờ hết. Hãy sử dụng lòng tốt của bản thân đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và đúng mục đích. Lòng tốt của chúng ta chỉ thực sự có nghĩa khi nó đem lại lợi ích cho cộng đồng mà không phải một món hàng lợi dụng. 

Với tôi, dù còn là học sinh nhưng tôi nhận thức hơn ai hết, người trẻ chúng ta gánh vác trên vai trọng trách vô cùng cao cả đối với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, bên cạnh học tập, tôi cần nỗ lực phấn đấu theo đuổi ước mơ hoài bão, sống có mục tiêu, biết cống hiến và hi sinh vì những điều có ích cho cộng đồng. Còn bạn, bạn sẽ làm gì để cống hiến cho xã hội? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!

3. Trao đổi

– Người nghe phát huy vai trò chủ động bằng cách nêu vấn đề trao đổi, tranh luận,….

– Người nói cần tự tin thể hiện quan điểm của mình, có thái độ tiếp nhận và phản hồi thích hợp trước những nhận xét, trao đổi của người nghe để phát triển hoàn chỉnh ý tưởng, quan điểm của mình.

Giaibaitap.me

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web