Soạn bài Tôi yêu em (Pu-skin)

Pu-skin đã yêu một thiếu nữ đẹp tên là A. A. Ô-lê-nhi-a, và mùa hè năm 1828, nhà thơ ngỏ lời cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Bài thơ ra đời như là lời từ giã cho một mối tình không thành của nhà thơ.

Câu 1:

Điệp khúc “tôi yêu em” làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

Nó duy trì giọng điệu chủ đạo của tòan bài, là chìa khóa mở ra những cung bậc tình cảm và chiều sâu bí ẩn của tâm trạng nhân vật trữ tình. Cách xưng hô này biểu hiện mối quan hệ tình cảm vừa gần vừa xa, vừa đằm thắm vừa dang dở đồng thời cũng thể hiện một mối đơn phương.

Pu-skin đã yêu một thiếu nữ đẹp tên là A. A. Ô-lê-nhi-a, và mùa hè năm 1828, nhà thơ ngỏ lời cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Bài thơ ra đời như là lời từ giã cho một mối tình không thành của nhà thơ.

Trong bốn câu thơ đầu, chàng trai đã khẳng định tình yêu có lẽ chưa hoàn toàn lụi tắt trong lòng mình nhưng không muốn làm vướng bận người mình yêu vì bất cứ lí do gì. Tác giả không chỉ bộc lộ lời từ giã một mối tình, mà còn bày tỏ và khẳng định lòng vị tha, đức hi sinh, sự tôn trọng quyền tự do lựa chọn tình cảm của người mà mình yêu mến. Điệp ngữ “Tôi yêu em” không chỉ nối liền mạch cảm xúc, tâm trạng giữa hai khổ thơ mà còn tiếp tục khẳng định tình yêu đơn phương của chủ thể trữ tình chuyển sang những biểu hiện khác. Chàng trai bộc lộ những sắc thái của tình yêu, đồng thời bày tỏ tấm lòng nhân ái, cao thượng của mình. Ở đây, lí trí đã nhường chỗ cho cảm xúc. Vẫn thể hiện rõ một tình yêu đơn phương, không hi vọng, đồng thời cũng thể hiện được sự mãnh liệt và những cung bậc tất yếu của tình yêu: sự rụt rè, ghen tuông và ích kỉ.

=> Bài thơ dường như là lời từ giã của một tình yêu không thành, nhưng nét đặc biệt ở chỗ: lời từ giã cuối cùng lại trở thành lời giãi bày, bộc bạch một tình yêu chẳng thể nào nguôi ngoai, vẫn sôi nổi, nồng nàn…

Câu 2:

Với tình cảm và tâm trạng như vậy thì giọng điệu cũng thay đổi theo từng cặp câu trong bài thơ.

– Ở hai câu 1- 2, giọng thơ có sự dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ: “có thể”, “chưa hoàn toàn”. Trong đáy sâu tâm hồn nhân vật trữ tình, tình yêu vẫn chưa hoàn toàn lụi tắt, vẫn dai dẳng cháy và vẫn còn được ấp ủ. Và đó vẫn là một sự khẳng định trong tình cảm của nhà thơ. Từ “nhưng” ở câu thứ ba đã làm mạch thơ đột ngột chuyển hướng: tạo mâu thuẫn trong tâm trạng, cảm xúc nhân vật trữ tình. Vừa mới phân vân, dùng dằng, day dứt về tình yêu chưa tắt hẳn thì lập tức đã phủ định quyết liệt rằng tình yêu vẫn còn, vẫn mạnh mẽ và say đắm. Đó là sự kìm nén, dằn lòng, tự vượt mình và đấu tranh với mình. Hai câu thơ 3-4 như nhấn mạnh quyết định dứt khoát đầy tính lí trí của nhân vật trữ tình: tự buộc mình phải chối bỏ tình yêu của mình, dập tắt nốt chút lửa tàn đó. Như vậy, mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm trong tâm trạng nhân vật trữ tình đã được bộc lộ. Bằng cách đó, nhà thơ đã thể hiện khát vọng tình yêu mãnh liệt.

– Sang câu thứ năm lại mở đầu bằng ba tiếng: “Tôi yêu em”. Nó không chỉ có tác dụng nối liền mạch cảm xúc, tâm trạng với bốn câu đầu mà còn tiếp tục khẳng định và giãi bày tâm trạng, tình yêu đơn phương của chủ thể trữ tình sang những biểu hiện khác. Nhịp thơ của hai câu 5-6 nhanh, nhiều ngắt cách với những trạng từ chỉ thời gian “khi”, “lúc”, kết hợp với những rạng thái chỉ tình cảm biễn đổi liên tục “âm thầm”, “không hi vọng”, “rụt rè”, “hậm hực lòng ghen” diễn tả thành công bi kịch tuyệt vọng giữa lí trí và tình cảm: giữa cái có (tình yêu của mình) với cái không có (tình yêu của em dành cho tôi), giữa cái mơ ước (được em yêu) với cái không thể biến thành sự thật (em không hề yêu tôi). Lúc này mạch cảm xúc lại tuôn trào, không bị dồn nén như ở khổ đầu. Với cặp câu 7 – 8, mạch cảm xúc thay đổi đột ngột, nó như được giải tỏa, dâng cao bởi sự xuất hiện của những từ: “chân thành, đằm thắm”. Nhà thơ muốn giữ lại tất cả những gì là sầu đau, day dứt, tuyệt vọng để dâng lên người thiếu nữ mà anh tôn thờ, say đắm tất cả những gì chân thành nhất, thủy chung, say đắm nhất, đẹp nhất.tác giả đã cho thấy sự tột cùng của đau khổ, tột cùng của sự cao thượng trong tình yêu. Điệp khúc “Tôi yêu em” được láy lại lần thứ 3 để tiếp tục khẳng định bản chất của tình yêu tôi dành cho em: “chân thành, đằm thắm”. Chàng trai vượt qua nỗi ghen tuông ích kỉ, nỗi buồn u ám để khẳng định tình yêu. Dòng cuối cùng là sự thăng hoa của tình yêu “chân thành, đằm thắm” ấy bằng lời chúc phúc cho em “được một người khác yêu”. Chàng trai đã coi hạnh phúc của em như hạnh phúc của mình.

Câu 3:

Hai câu kết là bất ngờ và hàm chứa nhiều ý vị bởi nó đã thể hiện sự cao thượng chân thành của chàng trai trong tình yêu, là sự thăng hoa của một tình yêu chân thành, đằm thắm. Vượt lên nỗi buồn u ám và lòng ghen tuông ích kỉ, nhân vật trữ tình cầu chúc:

“Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Đây không đơn thuần chỉ là lời cầu chúc tế nhị thay cho lời vĩnh biệt một tình yêu không thành, mà nó còn chứa đựng biết bao tình ý:

+ Trong lời cầu chúc này xuất hiện sự so sánh. So sánh ở đây nhằm tăng thêm ý nghĩa khẳng định tình yêu đích thực của mình: luôn chân thành, không bao giờ lụi tắt, luôn dạt dào, sáng tươi,… Trong sự so sánh này như còn hàm ẩn lời nhắn nhủ, mang tính thông điệp của một trái tim cao cả.

+ Dù tôi không được em yêu, nhưng từ đáy lòng, tôi vẫn luôn cầu mong cho em được một người khác yêu em cũng chân thành, thủy chung và đằm thắm như tôi đã yêu em. Như vậy, nhà thơ đã vượt lên trên sự ích kỉ thường gặp trong tình yêu, đó là không yêu được thì đạp đổ, thù hận,…

+ Câu thơ như ẩn chút tiếc nuối, xót xa đồng thời tự tin, kiêu hãnh và ngấm ngầm thách thức: chẳng có ai khác yêu em được như anh đã yêu em ; và sao em lại có thể, chúng ta lại có thể để mất đi một mối tình quý giá chẳng bao giờ có thể tìm thấy ở đâu và ở ai nữa, ngoài anh !

Câu 4:

“Tôi yêu em” được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Đến nỗi, chỉ với bài thơ này, cũng khiến cho tên tuổỉ của nhà thơ trở nên bất tử. Puskin dường như đã thể hiện những đợt sóng tình cảm của một con người tha thiết yêu thương mà không được cảm thông, có nỗi khổ đau của sự tuyệt vọng, sự e ngại, rụt rè, sự ghen tuông giày vò. Quan niệm tình yêu của Pu-skin rất đẹp. Sự chân thành, cao thượng trong tình yêu đã tôn vinh con người. Bài thơ thể hiện ở Pu-skin một “thái độ thuần khiết đạo đức” đối với phụ nữ” một tình yêu chân thành, đằm thắm đơn phương nhưng trong sáng và cao thượng của tác giả. Đó là một tình yêu chân chính, giàu lòng vị tha và đức hi sinh luôn mong muốn cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất. Đó cũng chính là biểu hiện rực rỡ của tinh thần nhân văn cao cả.

Giaibaitap.pro.vn

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web