Tác giả Ngô Thì Nhậm – Cuộc đời và sự nghiệp

Bài viết Tác giả Ngô Thì Nhậm - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu đến bạn đọc những nét tiêu biểu về cuộc đời cũng như những thành tựu trong suốt quá trình sự nghiệp của nhà văn Ngô Thì Nhậm.

Tác giả Ngô Thì Nhậm – Cuộc đời và sự nghiệp

Tác giả Ngô Thì Nhậm - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

1. Tiểu sử nhà văn Ngô Thì Nhậm

– Còn gọi là Ngô Thời Nhiệm -吳時任- do kỵ huý với tên của vua Tự Đức là “Nguyễn Phúc Hồng Nhậm”

– Tự là Hy Doãn (希尹), hiệu là Đạt Hiên (達軒), về sau xuất gia lấy pháp hiệu Hải Lượng Thiền sư

Ngày sinh: sinh ngày 25 tháng 10 năm 1746 – Mất năm 1803

Quê quán: người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội

Gia đình: Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc tại Bắc Hà, là con của Ngô Thì Sĩ

Cuộc đời:

Nhờ truyền thống gia đình văn học và nhờ tư chất thông minh, Ngô Thì Nhậm thành công rất sớm. Mười sáu tuổi đã viết cuốn “Nhị thập tứ sử toát yếu”. Mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương. Hai mươi tuổi viết “Tứ gia thuyết phả”.

Năm 1768, 23 tuổi, ông thi đỗ giải Nguyên, được bổ Hiến sát phó sứ Hải Dương.

Năm 1771, 26 tuổi, ông dự khảo thí ở Quốc tử giám, đỗ ưu hạng đồng thời hoàn thành “Hải đông chí lược”, một tập địa phương chí của Hải Dương.

Năm 1775, ông thi đỗ thứ năm hàng Tiến sĩ tam giáp, cùng khoa với Phan Huy Ích. Đạt được học vị cao nhất của thang giá trị học vấn thời đó. Được chúa Trịnh Sâm rất quý mến và nhận xét là “Tài học không ở dưới người”. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ dưới triều Lê – Trịnh.

Năm 1776, ông được bổ làm Giám sát Ngự sử đài đạo Sơn Nam, sau đó thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc.

Năm 1778, ông vẫn giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc nhưng kiêm thêm chức Đốc đồng Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.

Sau Vụ án năm Canh Tý (1780), Ngô Thì Nhậm được thăng làm Công bộ Hữu thị lang. Vụ này khiến cho giới sĩ phu Bắc Hà nghi ngờ Ngô Thì Nhậm là người tố giác Trịnh Khải, nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính, Nam Định (nay là Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định) lánh nạn.

Cha ông mất cùng năm sau vụ án Canh Tý (Trịnh Sâm dẹp tan âm mưu đảo chính của phe cánh Trịnh Tông muốn diệt trừ phe cánh Đặng Thị Huệ và Quận Huy), do bạo bệnh sau một chuyến đi Nam quan cho việc quan. Do đó Nhậm mới bị cái tiếng “sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn cha để được chức Thị lang. Bốn cha ý chỉ Ngô Thì Sĩ và ba người bạn vong niên của ông Sĩ là Nguyễn Khản – anh trai Nguyễn Du, Nguyễn Phương Đĩnh và Nguyễn Khắc Tuân).

Với tư tưởng lấy trung làm đầu, khi Nguyễn Huệ mang quân ra đất Bắc lần thứ nhất, Ngô Thì Nhậm đã từng gọi Nguyễn Huệ là giặc, từ bỏ đất kinh kì đi “lánh nạn”, hưởng thú vui “nhắm rượu với cua béo”.

Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, xuống lệnh “cầu hiền” tìm kiếm quan lại của triều cũ. Danh sĩ Bắc Hà đã đầu quân cho nhà Tây Sơn từ trước đó mới chỉ có Trần Văn Kỉ, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông.

Tuy vậy, tới thời điểm này thì cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều đã đổ. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch; các tiến sĩ Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan; Đoàn Nguyễn Tuấn (anh rể Nguyễn Du); Vũ Huy Tấn; Nguyễn Huy Lượng (tác giả “Tụng Tây Hồ phú”)… lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên trong đám nhân sĩ Bắc Hà tới trình diện ở bộ Lễ. Sau đó, ông nhận được lòng tín nhiệm tuyệt đối của Nguyễn Huệ.

Cuối năm Mậu Thân (1788), do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê.

Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn. Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Sau một thời gian chiến tranh liên miên, đồng ruộng hoang hóa, xóm làng điêu tàn đổ nát, dân cư xiêu tán, kinh tế kiệt quệ, Quang Trung phải đối phó với những khó khăn chồng chất của thời bình. Trong các kế hoạch bình định, chắc chắn Ngô Thì Nhậm soạn thảo cho Quang Trung kế hoạch tái phối trí dân số và phát triển nông nghiệp, vì văn bản chính thức của kế hoạch này, “Tờ Chiếu Khuyến nông”, được dòng họ Ngô Thì lưu giữ và ghi vào tập “Hàn các anh hoa” của Ngô Thì Nhậm.

Năm 1792, sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học. Ông lập thiền viện, soạn công án, trở thành Hải Lượng thiền sư. Từ một nhà nho nhiệt tín, một nhà chính trị nhiệt tín, ông trở thành đệ tứ tổ của Thiền tông Việt Nam. Ông đã hoàn thành một tác phẩm rất có giá trị là Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh (1796).

Năm 1802, sau khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Nhưng vì có mâu thuẫn trước đó với Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường đã cho người tẩm thuốc vào roi để đánh ông. Sau trận đánh đòn, về nhà, Ngô Thì Nhậm chết.

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Ngô Thì Nhậm

– Các tác phẩm chính:

+ về văn: Kim mã hành dư (Lúc làm việc công nhàn rỗi), Hàn các anh hoa (Tinh hoa nơi gác văn), Bang giao hảo thoại (Lời hay trong các bang giao)

+ về thơ: Yên Đài thu vịnh (Vịnh cảnh thu nơi Yên Đài), Cúc hoa bách vịnh (Trăm vần thơ vịnh hoa cúc)

+ ông còn là tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí

– Đặc điểm sáng tác: ông là cây đại bút về văn chính luận

3. Về các tác phẩm tiêu biểu

3.1. Chiếu cầu hiền

Tác giả Ngô Thì Nhậm - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Chiếu cầu hiền

– Bài chiếu được viết vào khoảng những năm 1788- 1789 nhằm thuyết phục các sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ (Lê- Trịnh) ra cộng tác với triều đại Tây Sơn

b. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu đến ý trời sinh ra người hiền vậy) :mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử

– Phần 2 (tiếp đến buổi ban đầu trẫm hay sao?): cách ứng xử của hiền tài khi Tây Sơn ra bắc diệt Trịnh

– Phần 3 (còn lại): đường lối cầu hiền của vua Quang Trung

c. Tóm tắt tác phẩm Chiếu cầu hiền

Năm 1788, sau khi nhà Lê – Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu là Quang Trung. Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao cho viết “Chiếu cầu hiền” để kêu gọi sĩ phu Bắc Hà ra giúp nước cứu đời. Hiền tài cũng giống như ngôi sao sáng trên trời cao. Người hiền sẽ là sứ giả của thiên tử. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, có người thì mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng “trốn tránh việc đời”. Có người ra làm quan thì sợ hãi, im lặng như bù nhìn “không dám lên tiếng”, hoặc làm việc cầm chừng “đánh mõ, giữ cửa”. Có kẻ “ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời”. Từ đó, vua Quang Trung đưa ra đường lối cầu hiền đúng đắn, kêu gọi người tài ra giúp nước cứu đời.

d. Phương thức biểu đạt tác phẩm Chiếu cầu hiền

– Tự sự, biểu cảm

e. Thể loại tác phẩm Chiếu cầu hiền

– Tác phẩm Chiếu cầu hiền thuộc thể loại: Chiếu

g. Giá trị nội dung tác phẩm Chiếu cầu hiền

– Bài chiếu là một văn kiện quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước

h. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Chiếu cầu hiền

– Bài chiếu được viết với nghệ thuật thuyết phục, đặc sắc và thể hiện tình cảm của tác giả với sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web