Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Văn 11)

Tác giả

Tác giả Nguyễn Huy Tưởng

1. Tiểu sử

– Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện đông Anh, Hà Nội).

– Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng.

– Năm 1935 ông làm thư ký nhà Đoan (Thuế quan) ở Hải Phòng, sau đó quay về Hà Nội.

– Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng.

– Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng.

– Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.

– Tháng 6 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc.

– Tháng 8 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong.

– Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới.

– Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc.

– Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới.

– Hòa bình 1954, ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

2. Sư nghiệp văn học

a. Quan niệm sáng tác

   Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.”

b. Tác phẩm chính

    Tác phẩm chính: Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)…

c. Phong cách nghệ thuật

– Trong văn của ông luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại.

 – Có thiên hướng khai hác các đề tài lịch sử

 – Đóng góp lớn nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết, kịch

 – Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.

Sơ đồ tư duy Tác giả Nguyễn Huy Tưởng

Tác phẩm

Tác phẩm Vĩnh biệt cửu trùng đài

1. Tóm tắt:

        Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.

2. Tìm hiểu chung

– Vở kịch “Vũ Như Tô” gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517.

– Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942.

–  Đoạn trích: thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch.

3. Tìm hiểu chi tiết

a. Những mâu thuẫn và cách giải quyết trong đoạn trích

– Mâu thuẫn trực tiếp thể hiện ở cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình: Đó là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động.

– Mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần tuý và lợi ích thiết thực của nhân dân thể hiện ở mục đích xây dựng Cửu trùng đài của Vũ Như Tô và của triều đình Lê Tương Dực.

+ Mâu thuẫn này đã dẫn đến cái chết của Vũ như Tô và sự ra đi của Cửu Trùng đài.

+ Vũ Như Tô là một tài năng nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống mà ông đã thất bại.

→ Người chiến sĩ thiên tài có khát vọng, hoài bão muốn mang cái đẹp đến cho đời, làm dân tộc tự hào vì trong một xã hội thối nát, người dân đói khổ triền miên trong lầm than.

    + Hoàn cảnh đất nước không tạo điều kiện cho Vũ Như Tô thực hiện điều đó

    + Vũ Như Tô nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm mượn uy quyền, tiền bạc của hôn quan Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng xây dựng công trình nguy ng

    + Niềm khao khát sáng tạo, cống hiến lại đối nghịch với thực trạng lợi ích và mong muốn của nhân dân.

– Cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô ở lớp I của hồi kịch cho thấy Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chỉ biết vì nghệ thuật.

+ Ông không hiểu và không giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

+ Ông là người tài chứ chưa phải người hiền tài. Mâu thuẫn đối lập ngay trong chính con người Vũ Như Tô.

– Mâu thuẫn giữa nhân dân với bọn hôn quân bạo chúa cùng phe cánh của chúng được giải quyết triệt để theo quan niệm của nhân dân:

     Lê Tương Dực bị giết, Nguyễn Vũ – tự sát, đám cung nữ kẻ nổi loạn nhục mạ, bắt bớ.

– Mâu thuẫn thứ hai quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy với lợi ích của nhân dân chưa được tác giả giải quyết triệt để:

    + Vũ Như Tô tới lúc chết cũng không nhận ra lỗi lầm của mình

    + Vũ Như Tô không đứng về phía hôn quân, nhưng lại muốn lợi dụng quyền uy, tiền bạc của hắn để thực hiện ước mơ của mình.

– Những câu hỏi không có đáp án: Vũ Như Tô có công hay tội, ông đúng hay người giết ông đúng.

– Tác giả thể hiện tâm tư qua lời đề từ, cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm, điều này là cách lí giải hợp lí.

b. Tính cách, diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm

* Nhân vật Vũ Như Tô

– Tính cách:

+ Là người nghệ sĩ tài ba, kiến trúc sư thiên tài, hiện thân của niềm khát khao và đam mê nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo.

+ Là một người nghệ sĩ có nhân cách lớn, có hoài bão, có lí tưởng nghệ thuật cao cả “ngàn năm chưa dễ có một”, “chỉ vẩy bút chim hoa hiện lên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công, sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân”

+ Có những suy nghĩ lầm lạc trong hành động: Muốn xây một công trình cho muôn đời trong cảnh người dân đói khổ triền miên

– Diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô:

+ Tin rằng mình không có tội; bướng bỉnh, ảo vọng đeo đuổi mục tiêu.

+ Đau đớn, bàng hoàng thất vọng khi Cửu Trùng Đài bị phá hủy.

– Nhận xét: Vũ Như Tô đứng trên lập trường người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của nhân dân.

* Nhân vật Đan Thiềm:

– Tính cách:

+ Là người đam mê cái tài, tôn thớ cái tài (thuyết phục Vũ Như Tô, sẵn sàng quên mình để bảo vệ Vũ Như Tô)

+ Tỉnh táo, thức thời hơn Vũ Như Tô: Biết chắc chắn việc xây Cửu Trùng Đài không thành nên Đan Thiềm nhiều lần giục Vũ Như Tô chạy trốn

– Diễn biến tâm trạng của Đan Thiềm:

+ Đau đớn nhận ra sự thất bại trong giấc mộng lớn Cửu Trùng Đài.

+ Nhiều lần khuyên Vũ Như Tô chạy trốn; đau đớn khi không cứu được Vũ Như Tô, vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong máu và nước mắt.

– Nhận xét: Đan Thiềm xứng đáng là tri kỉ của Vũ Như Tô. Tuy rằng hiều đời, hiểu người hơn Vũ Như Tô song vẫn lâm vào bi kịch tinh thần đau đớn.

c. Lời đề tựa của tác phẩm

   Trong lời tựa đề vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng có viết:

   “Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chắng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.

– Đây là phần cuối của lời đề tựa vở kịch Vũ Như Tô do chính Nguyễn Huy Tưởng viết ngày 6 tháng 2 năm 1942, sau khoảng một năm viết xong tác phẩm.

– Tựa là phần nằm ngoài văn bản của một tác phẩm, được viết ở đầu sách hoặc sau tiêu để của mỗi chương trong cuốn sách nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giá hoặc tư tưởng của tác phẩm.

– Qua lời để tựa trên, Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ chân thành những băn khoăn của mình:

+ “Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô?”

+ Ông thú nhận “Ta chẳng biết”, tức là không thể đưa ra một lời giải đáp thoả đáng.

+ Qua vở kịch, có thế thấy chân lí không hoàn toàn thuộc về phía nào: Việc mất Cửu Trùng Đài vừa nên mừng, vừa nên tiếc.

+ Đồng thời, nhà văn khẳng định: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”, tức là vì cảm phục “tài trời”, vì nhạy cảm với bi kịch của những tài năng siêu Việt.

d. Giá trị nội dung

    Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân.

e. Giá trị nghệ thuật

– Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.

– Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.

– Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.

– Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web