Nội dung chính
“Tấm lòng người mẹ” là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử đầy thiêng liêng giữa mẹ Phăng-tin và đứa con tên là Cô – dét. Phăng-tin đã hy sinh tất cả để cho con được no đủ, hạnh phúc. Mặc dù cuộc sống đầy khó khăn, nhưng người mẹ vẫn luôn dành cho con mình tình yêu và sự quan tâm nhất, và không ngại bán thân để có tiền nuôi con. Tấm lòng người mẹ đã truyền cảm hứng cho độc giả về tình yêu thương, sự hy sinh và tình mẫu tử trong cuộc sống. |
Chuẩn bị
Câu hỏi (trang 84, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Đọc trước đoạn trích Tấm lòng người mẹ và tìm hiểu thêm thông tin về Vích-to Huy-gô, Những người khốn khổ; lựa chọn và ghi chép một số thông tin giúp em đọc hiểu văn bản này.
Phương pháp giải:
Chú ý lựa chọn thông tin phù hợp, phục vụ cho việc đọc hiểu.
Lời giải chi tiết:
– Victor-Marie Hugo (26 tháng 2, 1802 – 22 tháng 5, 1885 tại Paris) là một nhà văn, thi sĩ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời là một chính trị gia, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX.
– Vích-to Huy-gô chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
+ Với tư cách là nhà thơ trữ tình, Hugo đã xuất bản tập Odes et Ballades (1826), Les feuilles d’automne (1831) hay Les Contemplations (1856).
+ Nhưng ông cũng thể hiện vai trò của một nhà thơ dấn thân chống Napoléon III bằng tập thơ Les Châtiments (1853) và vai trò một nhà sử thi với tập La Légende des siècles (1859 và 1877). + Thành công vang dội của hai tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng.
+ Về kịch, ông đã trình bày thuyết kịch lãng mạn trong bài tựa của vở kịch Cromwell (1827) và minh họa rõ nét thể loại này ở hai vở kịch nổi tiếng Hernani (1830) và Ruy Blas (1838).
– Những người khốn khổ (Tiếng Pháp: Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
+ Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19.
– Tác giả Vích-to Huy-gô:
+ Mặc dù trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả, giằng xé trong tình cảm do cha và mẹ có mâu thuẫn, nhưng V. Huy-gô đã tận dụng được kho sách quý báu cùng sự giáo dục của mẹ và những trãi nghiệm khi theo cha chuyển quân để vươn lên trở thành một tên tuổi được cả thế giới ngưỡng mộ.
+ Ông chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu như: Nhà thờ Đức bà Pa-ri (1831), Những người khốn khổ (1862), Tia sáng và bóng tối (1840), Lá thu (1831),…
+ Phong cách nghệ thuật: Mỹ học lãng mạn kết hợp với cảm quan hiện thực tạo nên sức lôi cuốn và thuyết phục của lí tưởng thẩm mỹ V. Huy-gô đối với cuộc đời. Đó là cái đẹp của tình thương yêu hòa đồng, của hạnh phúc bình đẳng và của sự tiến bộ vô tận của con người, và đó chính là giá trị bất hủ của ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm của ông.
– Tác phẩm Những người khốn khổ: được xuất bản năm1862, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỉ XIX. Truyện mang một niềm tin sâu sắc vào một thế giới có những phẩm chất tốt đẹp của những người lao động khổ sai. Cuộc đời của GiăngVan-giăng dường như là một chuỗi những khốn khổ triền miên nhưng ông vẫn nỗ lực vượt qua và dũng cảm đối mặt với chúng.
Trong khi đọc 1
Câu 1 (trang 85, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Truyện sử dụng ngôi kể nào?
Phương pháp giải:
Chú ý cách xưng hô trong đoạn trích để xác định được ngôi kể.
Lời giải chi tiết:
Ngôi thứ 3: Người kể chuyện đứng ngoài, không xuất hiện.
Truyện sử dụng ngôi kể thứ ba.
Trong khi đọc 2
Câu 2 (trang 85, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Câu đầu và câu cuối phần 1 nói lên điều gì về Phăng – tin?
Phương pháp giải:
Đọc phần 1 chú ý câu đầu cuối, để ý các chi tiết nói về Phăng – tin.
Lời giải chi tiết:
Câu đầu và câu cuối phần 1 nói lên Phăng – tin là một cô gái nghèo và đang sống trong cảnh nợ nần.
Câu đầu và câu cuối phần (1) đã cho thấy tình cảnh lâm vào khó khăn, khổ sở của Phăng-tin.
Trong khi đọc 3
Câu 3 (trang 85, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phần 2 kể về sự việc gì?
Phương pháp giải:
Đọc phần 2, tóm tắt sự việc chính.
Lời giải chi tiết:
Phần 2 kể về việc Phăng – tin cắt đi mái tóc của mình để mua chiếc áo leo ấm áp cho con mình nhưng vợ chồng Tê – nác – đi – ê lại không đưa cho Cô – dét mặc mà cho Ê – pô – nin.
Phần (2) kể về việc vợ chồng Tê-nác-đi-ê âm mưu lừa rằng Cô-dét trần truồng, rách rưới giữa tiết trời buốt giá nhằm lấy mười phơ-răng từ nàng Phăng-tin. Sau khi biết tin, vì thương xót con, nàng đã bán đi mái tóc vàng óng ả của mình để kiếm tiền mua váy len cho con.
Trong khi đọc 4
Câu 4 (trang 86, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Sự việc nào được kể trong phần 3?
Phương pháp giải:
Đọc phần 3, tóm tắt sự việc chính.
Lời giải chi tiết:
Phần 3 kể lại sự việc Phăng – tin bị vợ chồng Tê – nác – đi – ê lừa phải dùng răng của mình đổi lấy 2 đồng vàng chữa bệnh cho con.
Phần (3) nói về việc một lần nữa nàng Phăng-tin lại nhận được bức thư lừa tiền của vợ chồng Tê-nác-đi-ê nói rằng Cô-dét lâm bệnh sốt ban, họ cần bốn mươi phơ-răng để mua thuốc chữa trị. Đúng lúc này, anh chàng nhổ răng dạo muốn mua hai chiếc răng của nàng với giá hai đồng vàng (bốn mươi phơ-răng). Lúc đầu, nàng nghĩ thật ngớ ngẩn, nhưng sau cuộc nói chuyện với bà Mác-gơ-rít, nàng đã thay đổi ý định và đã bán đi hai chiếc răng với hi vọng có thể cứu sống được con gái mình.
Trong khi đọc 5
Câu 5 (trang 88, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chi tiết hai đồng vàng có ý nghĩa gì với Phăng-tin?
Phương pháp giải:
Đọc phần 4, tóm tắt sự việc chính, chú ý tập trung vào cuộc sống của nhân vật Phăng – tin.
Lời giải chi tiết:
Ý nghĩa: chị bán răng đi có thể được hai đồng vàng và hai đồng ấy có thể cứu giúp, chữa bệnh cho con gái của mình.
Hai đồng ấy có thể cứu giúp, chữa bệnh cho con gái của chị
Trong khi đọc 6
Câu 6 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Việc Phăng-tin đọc lại bức thư một lần nữa nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc phần 4, tóm tắt sự việc chính, chú ý tập trung vào nhân vật Phăng – tin khi đọc bức thư lần nữa.
Lời giải chi tiết:
Việc Phăng-tin đọc lại bức thư một lần nữa cho thấy sự đau khổ, tuyệt vọng của cô khi nghĩ về đứa con gái bé bỏng của mình.
Cho thấy sự đau khổ, tuyệt vọng của cô khi nghĩ về đứa con gái bé bỏng của mình.
Trong khi đọc 7
Câu 7 (trang 90, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phần 4 cho thấy điều gì về cuộc sống của Phăng – tin sau khi bán tóc, bán răng?
Phương pháp giải:
Đọc phần 4, tóm tắt sự việc chính, chú ý tập trung vào cuộc sống của nhân vật Phăng – tin.
Lời giải chi tiết:
Phần 4 cho thấy cuộc sống của Phăng – tin sau khi bán tóc, bán răng càng lúc càng khó khăn. Chị không cần biết xấu hổ là gì nữa, cũng không thiết làm dáng nữa. Cuộc sống tủi khổ, cùng nỗi lo cho con khiến chị phải đi làm gái điếm.
Phần (4) cho thấy cuộc sống của Phăng-tin càng lúc càng lầm vào hoàn cảnh khốn khổ, bế tắc tột cùng sau khi bán tóc, bán răng khiến chị túng quẫn, quyết định đi làm gái bán dâm.
Trong khi đọc 8
Câu 8 (trang 90, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hình dung tâm trạng của Phăng-tin sau khi đọc thư nhà Tê-nác-đi-ê.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ và chú ý những từ ngữ, hình ảnh miêu tả tâm trạng của Phăng-tin
Lời giải chi tiết:
Tâm trạng đau khổ, giày vò bản thân mình, bất lực không thể làm gì được, nhưng cũng không thể làm ngơ trước tình hình của đứa con.
Tâm trạng đau khổ, giày vò bản thân mình, bất lực không thể làm gì được
Sau khi đọc 1
Câu 1 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Nội dung chính của đoạn trích Tấm lòng người mẹ là gì?
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, xác định nội dung của các phần để suy ra được nội dung chính.
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính của đoạn trích Tấm lòng người mẹ là kể về tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ Phăng – tin, cô bất chấp tất cả để mong cho con mình được no đủ, hạnh phúc.
Nội dung chính của đoạn trích Tấm lòng người mẹ: nói về những việc làm của người mẹ đầy xót thương, phải bán tất cả để nuôi đứa con.
Sau khi đọc 2
Câu 2 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Xác định và phân tích tình huống truyện, các chi tiết nói về không gian, thời gian trong văn bản. Tình huống và những chi tiết đó có ý nghĩa như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, xác định tình huống truyện sau đó phân tích cụ thể về không gian thời gian. Rút ra ý nghĩa.
Lời giải chi tiết:
– Tình huống truyện: Truyện kể về Phăng – tin một người phụ nữ nghèo khổ giữa trời đông giá rét bị đuổi ra khỏi xưởng, gánh trên vai số nợ lớn đang cố gắng nỗ lực sống, làm việc kiếm tiền để gửi về quê cho gia đình chủ trọ đang chăm sóc con của mình. Hết lần này đến lần khác chị bị dồn ép và phải trả giá bằng nhiều thứ chỉ để có tiền gửi về nuôi và chữa bệnh cho con. Thế nhưng chị không biết đứa con của mình phải sống khổ cực ra sao và số tiền mình liều mạng có được đều vào túi hai vợ chồng tham lam.
– Ý nghĩa: Những chi tiết như chị cắt đi mái tóc để có tiền mua áo cho con, hay nhổ răng để có tiền cho con chữa bệnh, hay trở về làm gái bán hoa để kiếm tiền đưa cho vợ chồng Tê – nác – đi – ê đều làm nổi bật lên tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Một người mẹ có thể hy sinh rất nhiều thứ để đứa con mình được sống hạnh phúc hơn.
– Tình huống truyện: Phăng-tin, một cô gái đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng, chủ nợ đòi tiền hối thúc liên tục và bị vợ chồng Tê-nác-đi-ê giày vỏ khi luôn viết thư thôi thúc, đòi tiền để nuôi con gái nàng, Cô-dét. Truyện được đẩy đến cao trào dần dần bắt đầu từ việc nàng bán tóc, sau đó bán răng và túng quẫn quá nàng đã quyết định đi bán dâm để gửi tiền về nuôi đứa con gái tội nghiệp.
– Chi tiết về không gian: trong một căn gác xép sát mái nhà, chỉ cài bằng một cái then con, một cái xó mà gác mái chếch lên mặt sàn, ra vào đụng độ, “kẻ nghèo khổ chui vào buồng mình ở cũng như đi sâu vào số mệnh, càng vào càng phải cúi rạp lưng xuống”
– Chi tiết về thời gian: buổi chiều, ban tối, trời chưa sáng.
– Ý nghĩa của tình huống truyện và những chi tiết đó: giúp lột tả được tâm trạng đau khổ, bị dồn đến mức đường cùng của người mẹ, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh đứa con “thơ ngây yêu dấu”, chị có thể hi sinh tất cả.
Sau khi đọc 3
Câu 3 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Trong đoạn trích, Phăng – tin rơi vào hoàn cảnh nào? Nàng đã làm những gì? Những việc làm đó nói lên điều gì ở con người nàng?
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, xác định tình huống mà nhân vật gặp phải và hành động của nhân vật. Từ đó rút ra nhận xét.
Lời giải chi tiết:
– Hoàn cảnh: Phăng – tin là một người phụ nữ nghèo khổ gánh trên vai số nợ lớn đang cố gắng nỗ lực sống, làm việc kiếm tiền để gửi về quê cho gia đình chủ trọ đang chăm sóc con của mình. Hết lần này đến lần khác chị bị dồn ép và phải trả giá bằng nhiều thứ chỉ để có tiền gửi về nuôi và chữa bệnh cho con. Thế nhưng chị không biết đứa con của mình phải sống khổ cực ra sao và số tiền mình liều mạng có được đều vào túi hai vợ chồng tham lam.
– Hành động: Chị đã cắt đi mái tóc để có tiền mua áo cho con, nhổ răng để có tiền cho con chữa bệnh, làm gái bán hoa để kiếm tiền đưa cho vợ chồng Tê – nác – đi – ê.
→ Thể hiện chị là một người mẹ vĩ đại, một người mẹ hết mực yêu thương con của mình, dù có phải đánh đổi bao nhiêu thứ vẫn chỉ mong con mình được sống tốt và khỏe mạnh hơn.
– Trong đoạn trích, Phăng-tin rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, khốn khổ. Chỉ vì muốn có tiền mua váy len, tiền mua thuốc để chữa chạy bệnh sốt ban và không muốn đứa con tội nghiệp bị tống ra khỏi đường giữa tiết trời lạnh buốt giá, nàng đã gạt bỏ đi hết nỗi lo lắng, sợ hãi, để đi đến quyết định là bán tóc, bán răng và bán dâm.
– “Cái răng, cái tóc là góc con người” ý chỉ vẻ đẹp quyết định ngoại hình của người đó. Nhưng đối với nàng, những điều đó giờ đây không còn quan trọng nữa dẫu biết đầu trơ trụi, nụ cười “rớm máu”, và để lại một lỗ hổng đen. Và khi một lần nữa cuộc đời xô đẩy nàng đến bước đường cùng, nàng đã quyết định “bán nốt vậy”, nàng bán dâm. Mặc dù bế tắc, cùng quẫn là thế nhưng nàng vẫn chỉ luôn nghĩ về đứa con của mình, có thể đánh đổi mọi thứ để con được sống, không khổ sở, đói rét, ốm đau bệnh tật. Qua đây, ta thấy được ở con người nàng, toát lên tình mẫu tử đầy thiêng liêng, cao đẹp và thật đáng trân trọng.
Sau khi đọc 4
Câu 4 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Đoạn trích thể hiện quan điểm, tư tưởng nào của tác giả? Hãy lí giải cụ thể.
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, xác định quan điểm tư tưởng của tác giả. Dựa vào tình huống truyện và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích Tấm lòng người mẹ thể hiện quan điểm nhức nhối, bất bình trước khung cảnh xã hội phong kiến Pháp xưa đầy rẫy những oan trái, bất công, đầy đọa những con người vô tội. Qua đó, tác giả gửi gắm khát vọng về cuộc sống hòa bình, công bằng, văn minh trong xã hội.
Đoạn trích thể hiện tư tưởng nhân đạo đặc sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương của tác giả đối với những người khốn khổ, bất hạnh. Đoạn trích chất chứa bao nỗi niềm thống khổ của một số phận có cuộc sống éo le, thể hiện khát vọng về cuộc sống với bao tình yêu thương giữa người với người.
Sau khi đọc 5
Câu 5 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
So sánh nhân vật Chí Phèo (trong Chí Phèo) của Nam Cao và nhân vật Phăng-tin (trong Những người khốn khổ) của Huy-gô để thấy sự giống nhau và khác nhau trong việc viết về những con người khốn khổ, tủi nhục của hai tác giả này.
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, gợi nhớ lại nhân vật Chí Phèo đã tìm hiểu ở các bài trước. So sánh để chỉ ra điểm giống và khác nhau.
Lời giải chi tiết:
– Giống nhau: Hai con người này đều vì gánh chịu những định kiến không có nhân tính từ miệng đời mà mặc kệ dòng đời đưa đẩy. Nhưng sâu thẳm trong trái tim chúng ta đâu chỉ toàn sỏi đá, trái tim vẫn le lói ngọn lửa của yêu thương, tình người. Nếu Chí Phèo có bát cháo hành của Thị Nở để bùng cháy lên ngọn lửa khao khát thành người lương thiện, thì Phăng – tin cũng vậy. Hình ảnh đứa con ngây thơ, trong sáng luôn là ngọn lửa sáng chói trong tâm hồn cô, cho cô niềm tin khát vọng cuộc sống.
– Khác nhau:
+ Phăng – tin: Cuộc sống ngày một khó khăn hơn để rồi đỉnh điểm khiến cô chính thức sa ngã, không lối thoát, cô lựa chọn con đường làm “gái điếm”.
+ Chí Phèo: Chí Phèo lựa chọn cái chết để giải thoát cho bản thân.
– Sự giống nhau của Chí Phèo và Phăng-tin: đều thuộc tầng lớp đáy của xã hội, mang trong mình nỗi thống khổ, số phận đầy bất hạnh. Cuộc sống trong xã hội ấy đã đẩy những người họ đến mức đường cùng, gặp nhiều oan trái, dẫn đến tha hóa con người. Người thì rạch mặt ăn vạ, chửi bới, người thì chọn đi bán dâm. Nhưng hơn cả, sau những hành động và việc làm ấy, cả hai đều khát khao, mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng.
– Sự khác nhau giữa Chí Phèo và Phăng-tin:
+ Chí Phèo: một người đã bán linh hồn cho quỷ dữ, bán rẻ nhân phẩm để lấy tiền uống rượu, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, lại nhờ tình yêu của thị Nở mà mong muốn hoàn lương, trở thành người tốt.
+ Phăng-tin: một người người phụ nữ xinh đẹp, có tình yêu thương con sâu sắc, vì hoàn cảnh xô đẩy mà bất chấp làm mọi công việc, bán tất cả mọi thứ – bán tóc, bán răng và thậm chí cô bán đi cả danh dự và nhân phẩm của mình để đi làm gái điếm.
Sau khi đọc 6
Câu 6 (trang 89, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Nội dung đoạn trích cho em hiểu được những gì về bối cảnh xã hội – văn hóa Pháp thời bấy giờ?
Phương pháp giải:
Đọc lại toàn bài, xem lại hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
Nội dung đoạn trích cho em hiểu được bối cảnh xã hội – văn hóa Pháp thời bấy giờ đầy những vấn đề nhức nhối, đầy rẫy những oan trái, bất công, đầy đọa những con người vô tội. Thông qua tác phẩm, tác giả muốn phê phán, lên án mạnh mẽ những bất công, oan trái, những đau khổ mà con người đang phải chịu đựng.
– Nội dung đoạn trích đã tái hiện lại bối cảnh xã hội – văn hóa Pháp thời bấy giờ một cách chân thực về góc khuất của con người cùng khổ đói khát, bế tắc dưới quyền cai trị của nhà vua Na-pô-lê-ông I. Thông qua nhân vật Phăng-tin đã dám hy sinh tất cả, sẵn sàng nuôi đứa con bị bỏ rơi, nhà văn đã thành công nổi bật vẻ đẹp của một người mẹ và cái bóng của lý tưởng đẹp trong một xã hội vô cảm.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !