Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích:
Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1 nghìn đồng. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đấy là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.
[…] 1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1 nghìn mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xỉn. Đứng giữa lằn ranh lý – tình, 1 nghìn quả nhỏ để phân định đúng – sai, nhưng lại quả lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người.
(Trích Lý lẽ của 1 nghìn đồng, Hik, https://phunuvietnam.vn/, 22/05/2023)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra hai từ mượn của ngôn ngữ châu Âu được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi giữa anh shipper và cô gái nhận hàng là gì?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu sau: 1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía.
Câu 4. Theo em, trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, sự phân định rạch ròi đúng – sai có cần thiết không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,00 điểm)
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự bao dung.
Câu 2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr.72)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
Câu 1
Phương pháp:
Căn cứ bài từ mượn.
Cách giải:
Từ mượn ngôn ngữ châu Âu: shipper, app.
Câu 2
Phương pháp:
Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Theo đoạn trích, nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi giữa anh shipper và cô gái nhận hàng là vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách, khách hàng đã cho rằng đó là hành động không thành thật.
Câu 3
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
– Biện pháp tu từ so sánh: “1 nghìn” được so sánh với “một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía”
– Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh giá trị như một chất xúc tác của 1 nghìn. 1 nghìn ở đây không lớn về mặt vật chất, nhưng nó lại khiến cho cuộc tranh cãi không đáng có nổ ra.
Câu 4
Phương pháp:
Phân tích, lí giải.
Cách giải:
HS trình bày quan điểm cá nhân: đồng tình, không đồng tình, đồng tình một phần và có lí giải phù hợp.
Gợi ý:
– Đồng tình vì sự phân định rạch ròi sẽ là cần thiết vì đó là cơ sở để ta xác nhận người đó là người tốt hay kẻ xấu….
– Không đồng tình vì cuộc sống có vô vàn những mặt khác nhau mà đôi khi chúng ta không thể phân biệt rạch ròi giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu.
– Đồng tình một phần vì: trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, việc phân định rạch ròi đúng – sai là cần thiết nhưng đôi khi sự phân định ấy lại không quan trọng bằng những tình cảm đáng có hơn. Ví dụ như trong đoạn trích trên, vì 1 nghìn mà anh shipper bị khóa tài khoản và mất việc, hay cũng chỉ vì 1 câu nói lúc nóng giận mà làm mất tình hàng xóm xây dựng mấy chục năm,… Trong những trường hợp đó, chỉ cần chúng ta bình tĩnh lại, nói chuyện một cách chân thành thì mọi chuyện sẽ không đi đến chiều hướng gây tổn hại nhiều đến như vậy. Khi đó, chuyện rạch ròi đúng – sai ở đây hoàn toàn không cần thiết.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm):
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
a. Mở đoạn:
– Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của sự bao dung.
b. Thân đoạn:
– Giải thích: Bao dung là sự chấp nhận và tôn trọng con người, đồng thời là lối sống yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.
– Biểu hiện của sự bao dung:
+ Cử xử một cách chân thành, không vụ lợi, dùng sự vị tha, rộng lượng để đối đáp với mọi người.
+ Có thái độ khoan hồng độ lượng với những người sai lầm, giúp họ nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi của họ.
– Ý nghĩa của sự bao dung:
+ Là một trong những đức tính tốt, là biểu hiện của lối sống đẹp, vị tha.
+ Bao dung giúp con người ta xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Sự bao dung khiến các mối quan hệ giữa con người trở nên gắn kết, gần gũi hơn. Góp phần xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp, văn minh…
– Bao dung là cách để an ủi động viên người khác và bản thân sau mỗi lần vấp ngã.
+ Nhờ có lòng bao dung, ta mới có thể sống thanh thản, thư giãn.
….
– Điều cần làm để có sự bao dung: Luôn học cách tha thứ và mỉm cười trước khó khăn. Suy nghĩ theo hướng tích cực, lạc quan. Luôn lắng nghe, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác…
– Phản đề: Một số người sống trong sự thù ghét khiến chính họ trở nên ích kỷ, nhỏ nhen => cần mở lòng để tinh thần, cuộc sống thoải mái hơn. Lại có những người quá bao dung khiến bản thân dễ bị kẻ xấu lợi dụng => cần tỉnh táo để bao dung một cách đúng đắn
c. Kết đoạn:
– Liên hệ bản thân: Bao dung là một đức tính tốt, em cần nhận thức rõ ý nghĩa của sự bao dung mà cố gắng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của chính mình.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
I. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm:
+ Y Phương là một nhà thơ đặc trưng cho người dân tộc, thơ ông là tiếng nói được phát từ sâu thẳm trái tim, vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
+ “Nói với con” là một bài thơ hay của Y Phương nói lên tình cảm thiêng liêng giữa cha và con. Bài thơ giống như lời chia sẻ, trò chuyện của một người đi trước với người đi sau, của một người cha dành cho đứa con máu mủ của mình, những kỷ niệm khó quên.
– Khái quát nội dung khổ 1: Người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương.
II. Thân bài
a. Luận điểm 1: Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là sâu sắc và vô hạn
– Ngay từ những câu đầu tiên lời thơ đã giống như một lời tự sự:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
– Một đứa trẻ khi ngày từ khi được hình thành lên từ trong bụng mẹ đã mang rất nhiều tâm sự, yêu thương, bao bọc của những người thân yêu, của cha mẹ.
– Mở rộng lời bài hát “Nhật ký của mẹ” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác có những câu sau: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời…” → Đó chính là nỗi lòng yêu thương của bậc làm cha, làm mẹ dành cho hài nhi bé bỏng của mình.
– Hình ảnh một em bé chập chững biết đi những bước chân đầu tiên trên đường đời luôn được sự cổ vũ động viên từ những người thương yêu chính là cha mẹ.
→ Không khí gia đình tuy nhỏ bé nhưng thật ấm áp, êm đềm, hạnh phúc.
b. Luận điểm 2: Con lớn lên trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương.
– Tác giả lại gieo vào lòng người đọc những tình cảm thân thuộc, tình cảm đồng bào, tình làng nghĩa xóm đầy quý mến, trân trọng.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
– Tác giả kể về những kỷ niệm, những cánh rừng đầy hoa, những con đường thân thuộc gần gũi, giản dị, nhưng sâu sắc chứa đựng biết bao tình nghĩa.
“Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”
– Động từ “ken, cài” ngoài nghĩa miêu tả còn nói lên tình cảm gắn bó quấn quýt trong lao động, làm ăn của đồng bào quê hương.
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”
– Rừng núi quê hương đẹp, thơ mộng, trữ tình đã che chở nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.
→ Tác giả muốn qua những câu thơ này để gợi nhớ cho con phải biết yêu thương xóm làng, yêu thương những con người gắn bó với mình, những người tuy không cùng chung dòng máu nhưng lại thân thiết hơn cả ruột thịt.
→ Đoạn thơ khẳng định con lớn lên trong sự nuôi dưỡng của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương bản làng.
c. Đặc sắc nghệ thuật
– Từ ngữ giàu hình ảnh, sức gợi cảm.
– Cách nói phù hợp với người miền núi.
– Thể thơ tự do phóng khoáng, cụ thể, giàu sức khái quát, vừa mộc mạc nhưng giàu chất thơ.
– Các phép tu từ so sánh, điệp ngữ.
III. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung khổ 1 bài Nói với con
– Nêu cảm nhận của em.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây