Đề bài
I. ĐỌC HIỀU
Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Khóa 1935 – 1936, có một giáo sư, khoảng 40 tuổi, đâu như từ trường Thành Chung, Lạng Sơn đổi về dạy lớp tôi dạy môn văn. Lần đầu gặp, tôi thấy ở người thầy giáo mới này một vẻ gì đó rất nho nhã, rất đáng yêu và dĩ nhiên đáng kính. Đó là thầy Hoàng Ngọc Phách”,
Đến khi tôi lập gia đình, một điều không ngờ hóa ra ông trời run rủi thế nào mà vợ tôi lại là chị con bác của thầy Hoàng Ngọc Phách.
Một ngày Tết, ở thị xã Bắc Ninh, tôi và vợ đến chúc tết họ hàng nội ngoại thì người thầy rất kính yêu của mình lại chạy ngay ra cửa đón chào, gọi tôi bằng bác, một điều “thưa bác”, hai điều “thưa bác” khiến lúc đầu tôi rất lúng túng, ngượng nghịu chưa biết như thế nào. Còn vợ tôi thì cứ thản nhiên gọi thầy giáo của tôi bằng “cậu” và tự xưng là “chị”, mặc dù vợ tôi kém “cậu em” đến trên 20 tuổi. Thế mới biết, cách xưng hô ở ngôn
ngữ của ta thật là khó vì nỗi quá chi li khe khắt, quá phức tạp trong quan hệ họ hàng, xã hội.
Tôi tự trấn tĩnh và nói với thầy:
– Năm mới, con đến chúc thầy và gia đình có nhiều sức khỏe và thành đạt trong mọi việc của đời sống ạ!
Khi trở về nhà, vợ tôi phàn nàn:
– Sao mình lại xưng “con” với cậu ấy? Cậu ấy là em mình chứ.
Tôi cười, đáp:
– Anh phải tôn trọng cái điều có trước. Trước khi làm chồng em, anh đã là học trò của ông Phách từ lâu rồi. Người thầy giáo ấy đã có công lớn đào tạo được ra anh hôm nay đấy em ạ!
(Theo hồi tưởng của nhà thơ Hoàng Cầm, trích Thầy tôi, NXB Trẻ, 2004)
Câu 1. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định từ loại (danh từ, động từ, tính từ) trong các từ sau: thầy giáo, chạy, khó, học trò. (0,5 điểm)
Câu 3. Với vai họ hàng, người thầy Hoàng Ngọc Phách gọi nhân vật “tôi” (học trò của mình) bằng gì? (0,5 điểm)
Câu 4. Nội dung chính của văn bản? (0,5 điểm)
Câu 5. Tìm các từ thuộc một trường từ vựng và đặt tên cho trường từ vựng đó. (1.0 điểm)
Câu 6. Em suy nghĩ như thế nào về lời đáp của nhân vật “tôi” với vợ: “Anh phải tôn trọng cải điều có trước. Trước khi làm chồng em, anh đã là học trò của ông Phách từ lâu rồi. Người thầy giáo ấy đã có công lớn đào tạo được ra anh hôm nay đấy em ạ! (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN
Cảm nhận về tâm trạng nhân vật ông Hai (trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân), từ lúc ông nghe tin làng mình theo giặc và khi tin ấy được cải chính.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 2:
Phương pháp:
Căn cứ bài từ loại.
Cách giải:
Danh từ: thầy giáo, học trò.
Động từ: chạy.
Tính từ: khó.
Câu 3:
Phương pháp:
Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Trong vai họ hàng thầy đã gọi nhân vật tôi là: bác.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Nội dung chính của văn bản: Sự phức tạp trong lối xưng hô và truyền thống tôn sư trọng đạo.
Câu 5:
Phương pháp:
Căn cứ bài trường từ vựng.
Cách giải:
Trường từ vựng xưng hô trong gia đình: vợ, bác, cậu, mình, chị, con.
Câu 6:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Câu nói của người chồng cho thấy anh là người tôn sư trọng đạo, trân trọng và tôn quý những gì thầy đã giảng dạy cho mình. Qua đó còn thấy được nhân vật tôi là người sống “biết trước biết sau”, trân trọng, biết ơn công lao người đã dìu dắt mình.
I. LÀM VĂN
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Làng: Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân đã ca ngợi về tinh thần cách mạng và lòng yêu nước đó của người dân Việt Nam, cụ thể là nói về một người nông dân có tình cảm gắn bó với làng, với quê hương và đất nước sâu sắc.
– Giới thiệu nội dung cần phân tích.
2. Thân bài:
a. Khái quát về nhân vật ông Hai:
– Truyện kể về ông Hai, một người yêu làng và gắn bó với làng, lúc nào ông cũng khoe về làng của mình
– Ông cứ kể say sưa trong niềm nhớ thương về làng mà không cần biết người nghe có chú ý hay không.
b. Tình cảm của ông Hai đối với làng chợ Dầu:
– Ông tự hào về làng mình từ cơ sở vật chất cho tới cái sinh phần của tổng đốc làng ông, vinh dự vì làng có bề dày lịch sử. Sau cách mạng ông khoe về tinh thần cách mạng của làng ông, ngay cả cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập, ông khoe những hố, ụ và hào.
c. Diễn biến tâm lý của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo Tây:
– Khi ông nghe tin làng mình theo Tây, “cổ họng ông nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân”, ông lặng đi tưởng như không thở được
– Ông hỏi đi hỏi lại nhiều lần rồi lẳng lặng bỏ đi trong nỗi đau đớn và nhục nhã khi biết làng mình theo giặc
– Khi về nhà, ông nằm vật ra giường, đêm đó trằn trọc không ngủ được.
+ Ông nhìn đám trẻ ngây thơ mà bị mang tiếng Việt gian rồi khóc.
+ Ông điểm lại mọi người trong làng nhưng thấy ai cũng có tinh thần cả nên ông vẫn không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.
+ Tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt và mặc cảm với thân phận là người của làng Việt gian bán nước.
+ Bên tai ông đầy rẫy tiếng chửi bọn Việt gian, ông chẳng làm được gì, chưa thể đối mặt với điều đó, ông chỉ biết cúi gằm mặt mà đi
+ Khi mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi bởi ông là người làng Chợ Dầu, ông thoáng nghĩ về lại làng nhưng ông đã gạt phăng đi, ông dứt khoát “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”
d. Niềm sung sướng và vui mừng khi biết làng không phải Việt gian:
– Ông đi từ đầu làng tới cuối làng để khoe tin làng mình không theo giặc, ông tìm gặp ông Thứ để thanh minh về làng mình, khoe cả việc nhà ông bị đốt cháy một cách sung sướng, hả hê, bởi đó là minh chứng rõ nhất cho việc làng ông không phải Việt gian bán nước.
3. Kết bài:
– Khẳng định giá trị nghệ thuật và nội dung của truyện ngắn: tác giả đã cho người đọc hình dung được một thời kì chống Pháp sôi nổi của nhân dân, tinh thần trung kiên với Cách mạng và một lòng theo Bác, kháng chiến đến cùng
– Qua diễn biến tâm trạng của ông Hai ta thấy được tình yêu làng sâu sắc và tình yêu nước thiết tha gắn với tinh thần kháng chiến của ông.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây