Đề bài
Câu 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cậu bé Bắc Ninh qua sông Cầu lần đầu tiên sang đất Bắc Giang. Rồi ở lại suốt 13 năm để mảnh đất ấy nuôi dạy trưởng thành.
[…]
Cái gì ngày ấy tôi cũng thấy đẹp. Cả chiếc xe ca, cả con đường 13 bụi đỏ, đưa tôi về đất trung du sông Lục núi Huyền. Quê tôi vốn ở vùng đồng nước, ao bèo, chân tre ngõ gạch quanh co. Đến đây thấy trung du lồng lộng, đồi cỏ xanh biếc nghiêng cả chân trời, cảm giác thấy mình như con chim cất cánh bay vút giữa không gian. Rồi tôi có chút tình đầu mơ hồ với một cô gái đẹp ở đây, nhận nơi này là quê…
[…]
Bắc Giang in dấu trong tôi ảnh hình một dẫy Nham Biền trập trùng soi bóng trên cánh đồng nước ngập mênh mang. In dấu ảnh hình những con đường đồi đỏ au dưới tán rừng xanh Yên Thế huyền bí thâm u, cùng lịch sử như là huyền oại của người thủ lĩnh áo vải. Những con đường của xứ Lục Ngạn – An Châu – Biển Động hoang sơ lối ngõ sim mua. Ở đây ngày ấy người ta đã bắn rơi Thần Sấm Con Ma bằng súng trường, và cho phi công Mỹ ngồi xe trâu làm thành biểu tượng một thời chống Mỹ.
Làm sao tôi quên được cái không khí những buổi chiều nắng đông vừa tắt, sương tím mờ dày đặc, tiếng các lò ép mật cót két, mùi mật đun thơm ngào ngạt, ánh lửa bập bùng đầu ngõ xua đi cái lạnh giá núi rừng.
Làm sao quên nước dòng Thương dòng Lục lúc nào cũng xanh trong, những cô gái đội nón ra tắm ban trưa, đôi vai trần lóa lên dưới nắng.
Làm sao quên những buổi áp phiên chợ huyện, trên bến dưới thuyền người như trẩy hội, áo nâu áo chàm, sản vật cao hổ mật ong, và những đôi trai gái Tày Nùng hát soong hao suốt đêm tình tự….
Yêu lắm, nhưng rồi cũng có một ngày tôi phải rời đất Bắc Giang. Mười ba năm hoa niên của đời tôi đã ở đây. Mọi thứ hình thành trong tôi là từ mảnh đất này.
(Trích Mảnh đất hoa niên, Nguyễn Phan Hách, Văn Bắc Giang thế kỷ XX, NXB Hội Nhà văn, 2002, tr.511-514)
a. Chỉ ra từ láy, từ ghép trong các từ sau: lồng lộng, cất cánh, đường đồi, bập bùng
b. Xác định kiểu câu xét theo mục đích nói của câu văn sau: Cái gì ngày ấy tôi cũng thấy đẹp.
c. Những câu văn nào trong đoạn trích gọi nhắc phẩm chất anh hùng của người dân Bắc Giang?
d. Việc lặp lại cụm từ “Làm sao quên” trong đoạn trích có tác dụng gì?
e. Qua đoạn trích, nhân vật “tôi” đã thể hiện tình cảm, thái độ như thế nào đối với mảnh đất Bắc Giang?
f. Theo em, thế hệ trẻ Bắc Giang ngày nay cần làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình đối với quê hương? (Nêu ít nhất 02 việc làm phù hợp.)
Câu 2. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của em về ý nghĩa của những kỉ niệm đẹp trong cuộc sống.
Câu 3. Phân tích đoạn thơ sau:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!
(Trích Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 128)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
a.
Phương pháp:
Căn cứ bài từ láy.
Cách giải:
– Từ láy: lồng lộng, bập bùng.
– Từ ghép: cất cánh, đường đồi.
b.
Phương pháp:
Căn cứ phân loại câu theo mục đích nói.
Cách giải:
Xét theo mục đích nói, câu văn: “Cái gì ngày ấy tôi cùng thấy đẹp” là câu trần thuật.
c.
Phương pháp:
Căn cứ đoạn trích, tìm ý.
Cách giải:
Những câu văn trong đoạn trích gợi nhắc đến phẩm chất anh hùng là:
+ In dấu ảnh hình những con đường đồi đỏ au dưới tán rừng xanh Yên Thế huyền bí thâm u, cùng lịch sử như là huyền thoại của người thủ lĩnh áo vải.
+ Những con đường…….Ở đây người ta đã bắng rơi Thần Sấm Con Ma bằng súng trường, va cho phi công Mỹ ngồi xe trâu làm thành biểu tượng một thời chống Mỹ.
d.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Việc lặp lại cụm từ “Làm sao quên” có tác dụng nhấn mạnh nỗi nhớ, sự lưu luyến của tác giả đối với mảnh đất Bắc Giang.
e.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Gợi ý:
Qua đoạn trích, nhân vật tôi đã thể hiện:
– Tình yêu thương sự gắn bó với mảnh đất Bắc Giang.
– Niềm tự hào với mảnh đất này.
– Sự nhớ nhung, lưu luyến khi phải rời xa mảnh đất thân yêu.
f.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Học sinh tự trình bày trách nhiệm của bản thân mình đối với quê hương.
Gợi ý:
– Nỗ lực học tập để đóng góp phát triển quê hương.
– Giới thiệu hình ảnh đẹp của quê hương đến với bạn bè trên cả nước để quảng bá hình ảnh quê nhà.
….
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của những kỉ niệm đẹp trong cuộc sống.
* Bàn luận vấn đề:
– Kỉ niệm đẹp: Là những sự việc đã xảy ra trong cuộc đời mỗi người để lại trong lòng người những cảm xúc và dấu ấn tích cực.
– Ý nghĩa kỉ niệm đẹp trong cuộc sống:
+ Kỉ niệm giúp đời sống con người trở nên phong phú, cho thấy con người là thực thể có kí ức, giúp con người có sự cảm nhận sâu sắc và là động lực để con người cố gắng, phát triển.
+ Kỉ niệm sẽ là nguồn động viên, nâng đỡ ta, khích lệ tinh thần ta vượt qua những thách thức, khó khăn, để biết trân trọng những điều đang có.
+ Kỉ niệm đẹp khiến con người có cái nhìn tích cực hơn vào cuộc sống. Từ đó tạo nên đời sống lạc quan, tích cực.
– Bàn luận mở rộng:
+ Trân trọng, lưu giữ những kỉ niệm đẹp.
+ Không chỉ những kỉ niệm đẹp mới có vai trò trên hành trình cuộc sống. Ngay cả những kỉ niệm không vui cũng góp phần giúp chúng ta hoàn thiện hơn.
– Liên hệ bản thân.
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
I. Giới thiệu chung
– Chính Hữu là nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Phần lớn thơ ông hướng về đề tài người lính với lời thơ đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu hình ảnh.
– Khổ thơ gồm 7 câu thơ đầu của bài thơ “Đồng chí” đã nêu lên những cơ sở cao đẹp của tình đồng chí.
II. Phân tích
1. Cơ sở của tình đồng chí
Tình đồng chí được xây dựng trên cơ sở những điểm chung giữa những con người từ xa lạ trở nên thân quen và thành tri kỉ. Đó là điểm chung như sau:
– Chung nhau về hoàn cảnh xuất thân
+ Thủ pháp đối: “quê hương anh” – “làng tôi” cho thấy sự tương đồng trong lai lịch, cảnh ngộ của những người lính thời chống Pháp. Họ đều ra đi từ những miền quê nghèo khó.
– Chung nhau về lí tưởng, lòng yêu nước:
+ Từ những miền quê xa lạ, họ nhập ngũ và quen nhau trong quân ngũ.
+ Họ cùng chung một chiến tuyến chống kẻ thù chung.
– Cùng chung nhiệm vụ:
+ “Súng bên súng” -> nhiệm vụ trong cuộc chiến.
+ “Đầu sát bên đầu”, “chung chăn” -> cùng trải qua cuộc sống gian khổ, chia sẻ cho nhau những tình cảm nồng ấm.
=> Từ đó hình thành tình đồng chí. Đây là cả một quá trình, từ:
+ “Anh” – “tôi” thành “anh với tôi” rồi “đôi tri kỉ” và “đồng chí”.
+ “Bên”, “sát” thành “chung”
-> Từ người xa lạ nhưng cuộc đời người lính với rất nhiều điểm tương đồng đã khiến tình cảm đượm dần lên để trở thành tình đồng chí. Hình ảnh “đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” gợi cho tình đồng chí sự sẻ chia vui buồn, xóa đi mọi khoảng cách, thân thương, gắn bó như tình bạn bè chân thật.
– Khép lại đoạn thơ chỉ vẻn vẹn 2 từ “Đồng chí!” đứng tách riêng thể hiện cảm xúc dồn nén, chân thành và gợi sự thiêng liêng, sâu nặng của tình đồng chí. Câu thơ kết thúc bằng dấu “!” như một nốt nhấn, một lời khẳng đinh sự kết tinh tình cảm của người lính, tạo bản lề cho đoạn sau.
=> Đoạn thơ vừa lí giải cơ sở của tình đồng chí lại vừa cho thấy sự biến đổi kì diệu: từ những người nông dân xa lạ họ trở thành những đồng chí, đồng đội sống chết có nhau.
=> Tình đồng chí là tình cảm của giai cấp cần lao, từ những người chung mục đích, lí tưởng, gắn bó tự nguyện thành bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ. Từ những điểm chung này, tình đồng chí sẽ được thể hiện bằng những biểu hiện cụ thể và kết tinh cao đẹp bằng hình tượng ở những đoạn thơ tiếp theo.
2. Nghệ thuật
– Đoạn thơ được viết bằng thể thơ tự do, bút pháp tả thực.
– L ời thơ giản dị, mộc mạc, cô đọng;
– Hình ảnh thơ gợi cảm, giàu ý nghĩa…
III. Tổng kết
– Đoạn thơ đã khắc họa chân thực mà sinh động tình đồng chí gắn bó keo sơn của những lính vệ quốc trong những ngày đầu kháng chiến, đồng thời thể hiện tài năng nghệ thuật của tác giả.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây