Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi.
“Thánh chửi”, “thánh chém” … không còn là hiện tượng mới lạ trên mạng xã hội. Không chỉ đăng status trên trang cá nhân, mà nhiều người đã ứng dụng công nghệ livestream “truyền hình trực tiếp” để “chém gió phần phật” trước quý vị khán giả. Càng nhiều người thả tim, like, theo dõi, “các thánh” càng phấn khích và không ít người đã có những lời lẽ gây sốc, lệch chuẩn, xúc phạm cá nhân, tổ chức, … bất chấp mọi quy tắc xã hội, pháp luật. Là một quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng internet, tài khoản mạng xã hội cao, chúng ta càng không thể để tồn tại kiểu phát ngôn “văng mạng” trên mạng xã hội.
Mỗi ngày, có rất, rất nhiều những lời nói đẹp, những câu chuyện hay, kết nối những thông điệp nhân văn được các cá nhân dùng mạng xã hội chia sẻ, truyền tải. Nó khiến giữa người với người nhanh hơn, gần gũi hơn. Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, lại có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình.
[..] Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị cấm, trong đó nêu rõ: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” …
Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Thế nhưng, việc thể hiện quyền này như thế nào cho đúng trên mạng xã hội đòi hỏi mỗi người dùng phải biết và có trách nhiệm tuân thủ. Không ai có quyền xúc phạm người khác trên mạng xã hội và càng không được phép phát ngôn “bạt mạng” trên mạng xã hội.
(Theo Cao Hồng – Không để tồn tại kiểu phát ngôn “văng mạng” trên mạng xã hội – Báo CAND, ngày 15/6/2021)
Câu 1 (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2 (0.5 điểm) Xác định 02 phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn trích sau: “Mỗi ngày, có rất, rất nhiều những lời nói đẹp, những câu chuyện hay, những thông điệp nhân văn được các cá nhân dùng mạng xã hội chia sẻ, truyền tải. Nó khiến kết nối giữa người với người nhanh hơn, gần gũi hơn. Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, lại có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình”.
Câu 3 (1.0 điểm) Hãy chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình.
Câu 4 (1.0 điểm) “Không ai có quyền xúc phạm người khác trên mạng xã hội và càng không được phép phát ngôn “bạt mạng” trên mạng xã hội.”. Em có đồng tình với quan điểm này không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để đề xuất một số biện pháp khắc phục hiện tượng nghiện thế giới ảo của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Câu 2. Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thành Long. Từ đó, em hãy trình bày suy nghĩ về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên hiện nay trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. |
Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận.
Câu 2:
Xác định 02 phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn trích sau: “Mỗi ngày, có rất, rất nhiều những lời nói đẹp, những câu chuyện hay, những thông điệp nhân văn được các cá nhân dùng mạng xã hội chia sẻ, truyền tải. Nó khiến kết nối giữa người với người nhanh hơn, gần gũi hơn. Thế nhưng, cũng trên mạng xã hội, lại có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình”. |
Phương pháp: Căn cứ bài liên kết câu.
Cách giải:
Phép liên kết:
– Phép nối: Thế nhưng.
– Phép thế: Nó.
– Phép lặp: mạng xã hội.
Câu 3:
Hãy chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời lẽ khiến dư luận bất bình. |
Phương pháp: Phân tích, giải thích
Cách giải:
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “có những người dùng trang cá nhân của mình để viết ra những lời khiến dư luận bất bình” là:
– Thích gây sự chú ý trên mạng, muốn nhiều người quan tâm.
– Có suy nghĩ lệch chuẩn, dẫn đến hành động, lời nói khiến mọi người bất bình.
– …
Câu 4:
“Không ai có quyền xúc phạm người khác trên mạng xã hội và càng không được phép phát ngôn “bạt mạng” trên mạng xã hội.”. Em có đồng tình với quan điểm này không? Vì sao? |
Phương pháp: Phân tích, lí giải.
Cách giải:
HS đưa ra quan điểm cá nhân và có lí giải phù hợp.
Gợi ý.
– Em đồng tình với quan điểm trên.
– Vì:
+ Mỗi cá nhân được pháp luật bảo hộ về tính mạng, danh dự và nhân phẩm. Bởi vậy, không có bất cứ một cá nhân nào có quyền xúc phạm những người khác.
+ Mỗi phát ngôn “bạt mạng” trên mạng xã hội chi khiến bạn thỏa mãn cái sở thích ích kỉ hẹp hòi của mình, nhưng đôi khi nó sẽ dẫn đến những hệ quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy, cần phải cần trọng với tất cả những phát ngôn của mình trên không gian mạng.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để đề xuất một số biện pháp khắc phục hiện tượng nghiện thế giới ảo của một bộ phận giới trẻ hiện nay. |
Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: biện pháp khắc phục hiện tượng nghiện thế giới ảo của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
2. Bàn luận.
– Sống ảo trở thành một xu thế, trào lưu trong giới trẻ. Nó để lại rất nhiều hệ lụy, cần có những biện pháp khắc phục tích cực.
– Biện pháp:
+ Sử dụng mạng xã hội một cách chừng mực, nên xem đó là một nơi để giải trí sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, không nên phụ thuộc.
+ Không nên việc gì cũng đưa lên facebook.
+ Dành thời gian cho những việc có ích, sống hoà đồng, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh.
+ Tích cực học tập và rèn luyện
– Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Vậy nên mỗi người cần có lối sống lành mạnh không bị quá thu hút bởi mạng xã hội.
3. Tổng kết
Câu 2:
Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thành Long. Từ đó, em hãy trình bày suy nghĩ về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên hiện nay trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. |
Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu nhân vật anh thanh niên.
2. Phân tích vẻ đẹp của con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước qua nhân vật anh thanh niên.
a. Hoàn cảnh sống và làm việc
– Quê quán, nghề nghiệp: Đó là một chàng trai 27 tuổi, quê ở Lào Cai, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất và dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và chiến đấu.
– Hoàn cảnh sống: Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.
=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt; công việc đòi hỏi sự nghị lực, tinh thần kỷ luật và tính chính xác cao.
b. Vẻ đẹp của con người làm việc và suy nghĩ cho đất nước
– Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:
+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn m so với mặt biển -> dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.
+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”
+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, từng giúp không quân bắn rơi máy bay.
– Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.
+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.
-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.
– Không chỉ là con người yêu công việc, anh còn biết sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, luôn trau dồi tri thức cho bản thân bằng cách đọc sách báo và đó cũng chính là cách anh làm cho tâm hồn mình phong phú hơn. Ngoài ra, anh còn là một người thân thiện, luôn biết quan tâm giúp đỡ người khác.
– Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:
+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)
+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét -> tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.
+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.
=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.
=> Là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.
c. Trách nhiệm thế hệ trẻ
– Có lối sống lành mạnh, tích cực.
– Sống có mục tiêu, lí tưởng cao đẹp phục vụ, cống hiến cho đất nước.
– Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập tốt để xây dựng đất nước.
-….
3. Tổng kết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây