Đề bài
Câu 1. (2.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
(Ngữ văn 9, tập một, NXB giáo dục, tr94)
a. Xác định 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
b. Đoạn thơ trên được rút ra từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
c. Đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả dành cho nhân vật trữ tình?
Câu 2. (3.0 điểm)
Stephen R. Covey chia sẻ: Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng, bạn nghe bằng mắt và cả con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác.
(Stephen R. Covey, 7 thói quen để thành đạt, Vũ Tiến Phúc dịch,
NXB tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr.353)
Từ ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc lắng nghe và thấu hiểu đối với mỗi người trong cuộc sống.
Câu 3. (5.0 điểm)
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập một, NXB giáo dục, tr.140)
Trình bày cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên và lao động của con người trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám.
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Xác định 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên. |
Phương pháp: căn cứ các biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
– Điệp ngữ: Buồn trông
– Ẩn dụ: Hoa trôi là hình ảnh ẩn dụ cho số phận, tình cảnh của Thúy Kiều.
b. Đoạn thơ trên được rút ra từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? |
Phương pháp: căn cứ bài Truyện Kiều
Cách giải:
Đoạn thơ trên được rút ra từ đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trích Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du.
c. Đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả dành cho nhân vật trữ tình? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
– Đoạn trích là niềm thương cảm, nỗi xót xa của tác giả Nguyễn Du trước tình cảnh của Thúy Kiều. Đồng thời tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy những con người tài hoa như Thúy Kiều vào hoàn cảnh đầy khổ đau
Câu 2
Stephen R. Covey chia sẻ: Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng, bạn nghe bằng mắt và cả con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác. (Stephen R. Covey, 7 thói quen để thành đạt, Vũ Tiến Phúc dịch, NXB tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr.353) Từ ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc lắng nghe và thấu hiểu đối với mỗi người trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe và thấu hiểu là những yếu tố quan trọng giúp nối kết người với người trong cuộc sống. Trích dẫn ý kiến của Stephen và khẳng định đây là quan điểm đúng đắn.
2. Giải thích vấn đề
– “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim, là ngõ vào của “nghe”. Còn “nghe” mang ý nghĩa thấu hiểu, sẻ chia. Như vậy lắng nghe là thái độ im lặng khi người khác nói, là mở lòng để đón nhận âm thanh của cuộc sống vang động vào lòng. Và điều này vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
=> Lắng nghe và thấu hiểu chính là yếu tố quan trong để đưa con người tới thành công trong cuộc sống.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
– Biểu hiện của lắng nghe và thấu hiểu: Lắng nghe khi giao tiếp thể hiện thái độ tôn trọng mình và tôn trọng người, gây được thiện cảm với mọi người. Khi khiêm tốn lắng nghe, ta sẽ học hỏi được nhiều ở mọi người. Còn khi lắng nghe chính bản thân mình thì đó là cách để hoàn thiện nhân cách.
– Ý nghĩa lắng nghe và thấu hiểu:
+ Thường con người sẽ thích nói hơn là lắng nghe, bởi vậy nếu ta thay đổi một chút, lắng nghe người khác nhiều hơn ta sẽ hiểu người hơn từ đó tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp… (Chọn và phân tích dẫn chứng)
+ Biết lắng nghe để hiểu đời, hiểu người nhiều hơn cũng là để nhìn lại chính mình và hoàn thiện nhân cách.
+ Thấu hiếu cho những khổ đau, bất hạnh của người khác cho thấy bạn là người sống có tình nghĩa, …
+…
=> Lắng nghe chính là một phẩm chất góp phần hoàn thiện bản thân và kéo con người lại gần nhau hơn.
– Phê phán những người thích thể hiện bản thân, cố chấp, không biết lắng nghe và thấu hiểu những người xung quanh.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Mỗi người cần nhận thức đúng vai trò của sự lắng nghe, hãy lắng nghe mọi lúc mọi nơi, hãy mở lòng, hãy sống chậm lại.
+ Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, chúng ta cần tranh luận phản bác khi nghe những điều không tốt, không đúng.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 3
Trình bày cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên và lao động của con người trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
– Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Sau cách mạng thơ Huy Cận tràn đầy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống mới.
– Một trong những bài thơ được nhiều người yêu thích nhất là bài “Đoàn thuyền đánh cá” được viết năm 1958 tại vùng biển Quảng Ninh. Với bút pháp lãng mạn kết hợp hiện thực và nhiều hình ảnh kì vĩ, tráng lệ, bài thơ đã ca ngợi thiên nhiên vũ trụ và con người lao động trong cuộc sống mới ở miền Bắc thời kỳ xây dụng chủ nghĩa xã hội.
– Khổ thơ 3 và 4 của bài là những khổ thơ tiêu biểu nói về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên khi đang đánh cá trên biển.
2. Phân tích, cảm nhận
Phân tích khổ 3 và 4 để thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và con người
a. Người dân ra khơi với tư thế tầm vóc lớn lao
– Nghệ thuật phóng đại “Lướt giữa mây cao với biển bằng” – con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé giờ đây qua cái nhìn của tác giả đã sánh ngang tầm vũ trụ.
– Nghệ thuật ẩn dụ “lái gió buồm trăng”: thiên nhiên hòa hợp, cùng con người lao động.
=> Các biện pháp nghệ thuật trên làm nổi bật tầm vóc của con người và đoàn thuyền.
– Không khí lao động đang trở nên hứng khởi “Ra đậu dặm xa dò bụng biển” – mặc đêm tối, mặc gió khơi người dân chài vẫn ra khơi dò lồng cá trong lòng biển.
– “Dàn đan thế trận” – cuộc sống đánh cá của người dân chài như một trận chiến đấu ác liệt.
=> Sự kết hợp giữa hiện thực (đoàn thuyền) với chất lãng mạn (thuyền lái gió, trăng treo trên cánh buồm) tạo nên những vần thơ đẹp và sâu sắc.
b. Cảnh biển đẹp trong đêm
– Nhà thơ đã liệt kê những loài cá quý của biển: cá nhụ, cá chim, cá đé cho thấy sự phong phú và quý giá của biển.
– Nhân hóa “Cái đuôi e quẫy” kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc: làm cho lời thơ thêm sinh động.
– Phép so sánh “đuôi cá” với “ngọn đuốc”: hình ảnh so sánh thú vị giàu liên tưởng.
– Nhà thơ gọi cá bằng một cách gọi rất dịu dàng – “em” ẩn chứa sự yêu mến với cá và biển cả quê hương.
– “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”: Màn đêm trước biển như một sinh mệnh.
=> Thiên nhiên trên biển đêm thực sự rực rỡ sắc màu như một bức tranh sơn mài.
c. Đánh giá chung về nghệ thuật của đoạn thơ
– Sử dụng thành công những biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, nói quá làm cho lời thơ sinh động và hấp dẫn hơn.
– Ngôn ngữ bình dị, giọng điệu mang âm hưởng khỏe khoắn, vui tươi thể hiện hào khí của người lao động.
– Hình ảnh, gần gũi, mang nhiều giá trị tạo hình.
3. Tổng kết vấn đề
Tổng kết giá trị khổ thơ:
– Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người lao động. Thiên nhiên cho con người nhiều của cải, con người cũng cần biết ơn thiên nhiên, con người và thiên nhiên là bạn đồng hành; thể hiện niềm tin, niềm vui trước cuộc sống mới, cuộc sống tự do lao động.
– Tác giả sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây