Đề số 55 – Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 55 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Học vấn chỉ là một phần trong quá trình học hỏi mà thôi. Thông qua học hỏi, bạn sẽ đạt được nhiều thứ hơn: hình thành tính cách, mở mang trí tuệ, học cách tôn trọng người khác và khiêm tốn hơn, bởi vì càng học hỏi bạn càng hiểu rằng kho tàng kiến thức là vô tận. Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi gười chung quanh, từ mỗi trải nghiệm, hay những khó khăn, giông tố trong đời.

(Theo Cho đi là mãi mãi, Azim Jamal & Harvey McKinnon, biên dịch: Huế Phượng, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, năm 2017, tr.67 – 68)

Câu 1. Nhận biết

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Nhận biết

Tìm một phép liên kết câu, xác định từ ngữ thực hiện phép liên kết ấy được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Thông hiểu

Trong đoạn trích trên, em hãy chọn một ý kiến và lí giải vì sao em đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến đó.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Vận dụng cao

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi.

Câu 2: (5.0 điểm) Vận dụng cao

NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI

(trích)

Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không 
sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.
Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặt là mặt trời nung nóng.

Chị Thảo thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình.

Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, 
chui vào ruột quả bom…

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.

Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếg nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập hai, trang 117-118)

Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong đoạn trích trên. Từ đó lí giải ngắn gọn vì sao chuyện kể về những cô gái thanh niên xung phong được đặt tên là Những ngôi sao xa xôi.

Lời giải chi tiết

I.

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.

Câu 2:

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Cách giải:

Học sinh có thể tìm được một trong hai phép liên kết sau:

– Phép lặp ở câu (1) và câu (2). Từ ngữ lặp để liên kết là “học hỏi”.

– Phép nối ở câu (2) và câu (3). Từ ngữ nối là liên từ “và”.

Câu 3:

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

Có thể tùy theo quan điểm/sở thích mà mỗi học sinh tự chọn một ý kiến và lí giải.

Ví dụ chọn ý kiến: “Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi người chung quanh, từ mỗi trải nghiệm hay những khó khăn, giông tố trong đời”.

Tán đồng với ý kiến trên, có thể lí giải như sau:

+ Mỗi người có những hoàn cảnh riêng và những trải nghiệm riêng. Nếu có cơ hội được nghe ai đó chia sẻ, có thể ta sẽ rút ra được nhiều bài học cho chính mình.

+ Mỗi trải nghiệm, mối giông tố hay khó khăn trong cuộc đời sẽ cho ta những bài học khác nhau về sự dũng cảm, kiên cường, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống để từ đó ta ngày một khôn lớn, trưởng thành. Kết quả nào cũng sẽ có một hành trình xứng đáng.

II.

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp

Cách giải:

  • Yêu cầu về hình thức

– Bài văn hoặc đoạn văn

– Trình bày rõ ràng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.

  • Yêu cầu về nội dung: Bài làm của học sinh đảm bảo các ý chính sau:

1. Nêu vấn đề:

2. Giải thích vấn đề:

– Học hỏi là gì tìm tòi, hỏi han để học tập.

=> Không ngừng học hỏi là liên tục tìm tòi, hỏi han để học tập, tích lũy tri thức. Đây là quá trình quan trọng, cần thiết đối với mỗi con người trong cuộc đời để khôn lớn, trưởng thành và đạt được thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề:

– Tại sao cần không ngừng học hỏi?

+ Tri thức của nhân loại là vô tận, những gì mà ta biết chỉ là giọt nước trong đại dương bao la. Học hỏi để tích lũy tri thức cho chính mình, rèn luyện kĩ năng và xây dựng kinh nghiệm sống.

+ Sự phát triển của văn hóa – xã hội với nền kinh tế tri thức không ngừng đòi hỏi con người phải nâng cao trình độ hiểu biết của mình.

+ Trong thời kì hiện đại, người công dân phải trở thành người công dân toàn cầu, do vậy mà con người không ngừng hoàn thiện mình về mọi mặt.

– Ý nghĩa của việc học hỏi:

+ Mở rộng hiểu biết bản thân, giúp bạn tự tin về mọi mặt trong cuộc sống.

+ Học hỏi sẽ giúp tâm hồn rộng mở, bắp kịp xu thế của thời đại.

+ Dễ dàng đạt được sự thành công.

– Nếu không học hỏi, nâng cao bản thân, con người sẽ tụt hậu. Mỗi cá nhân tụt hậu sẽ kéo theo sự thoái hóa về nhiều mặt trong xã hội.

– Các nguồn để học hỏi: sách vở, từ những người thân, bạn bè, thầy cô, từ trải nghiệm của cá nhân mình,…

– Phê phán những người lười biếng, tự cao, tự mãn với bản thân.

– Liên hệ bản thân: Em đã không ngừng học hỏi hay chưa? Hãy chia sẻ đôi điều về bản thân mình trong chủ đề trên?

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

– Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

– Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

– Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

– Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

– Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

– Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:

+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

– Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

– Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

– Đoạn trích nói về khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định cùng hai nữ đồng đội ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn. Khung cảnh đó đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động qua đoạn trích trên. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh.

2. Phân tích.

– Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận, nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.

– Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát.
– Lúc đến gần quả bom:

+ Mặc dù đã quen thuộc với công việc này, nhưng lần nào tới gần quả bom cô cũng thấy hồi hộp, căng thẳng “thần kinh căng như chão”. Bởi khung cảnh ẩn chứa sự nguy hiểm “im lặng đến phát sợ”, cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ, không khí ngột ngạt báo hiệu điềm chẳng lành, sự sống trở nên mong manh. Nhưng khi nghĩ đến ánh mắt của những chiến sĩ đang dõi theo từng cử chỉ của mình Phương Định không thấy sợ nữa, cô quyết định đi thẳng thay vì đi khom lưng.

=> Lòng dũng cảm của cô được kích thích bởi sự tự trọng khiến cô bình tĩnh và can đảm.

– Lúc đặt mìn, phá bom:

+ Ở bên cạnh quả bom, kề sát với cái chết im lìm, bất ngờ cảm giác của cô trở nên sắc nhọn để bình tĩnh, quyết đoán thực hiện các thao tác phá bom “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom…thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng sắc nhọn đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình”. Cái rùng mình ấy của Phương Định chính là thử thách đối với mỗi con người.

+ Nhưng ngay sau đó cô đã nhận định “Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Suy nghĩ ấy đã cho ta thấy sự can đảm, bản lĩnh, dũng cảm của Phương Định khi đối mặt với cái chết. Để sau đó cô chạy đua với thời gian thực hiện chính xác từng thao tác phá bom.

– Lúc chờ bom nổ và cảnh bom nổ:

+ Toàn bộ tâm trí hướng vào quả bom, Phương Định hồi hộp đến mức tim đập không rõ.

+ Cảm giác căng thẳng, lo lắng khi nhìn kim đồng hồ chạy “một cách bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung”, khi thấy “lửa đang chui vào cái dây mìn”.

+ Nhưng ngay cả cảm giấc ấy cũng trở nên quá quen thuộc  bởi công việc nguy hiểm đến khủng khiếp này như bóp nghẹt trái tim Phương Định không chỉ một lần trong đời mà là hàng ngày “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần. Ngày nào ít, 3 lần”.

+ Lúc này Phương Định nghĩ về cái chết nhưng nó chỉ là một khái niệm mờ nhạt. Bởi trong tâm trí cô chỉ băn khoăn một câu hỏi duy nhất: “Liệu bom có nổ không? Nếu không thì làm thế nào để châm lần thứ hai”. Phương Định hiện lên là một người có tinh thần trách nhiệm cao.

+ Và giây phút chờ đợi đã qua “Thật may bom đã nổ. Thắng rồi”. Phương Định đã hoàn thành công việc. Đây quả là một cuộc đấu trí gan góc, kiên cường. Từ đó ta thấy tinh thần, ý chí và lòng dũng cảm của người con gái nhỏ bé, bình dị nhưng không bao giờ chịu khuất phục.

– Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính…

3. Lí giải truyện được đặt tên là Những ngôi sao xa xôi.

– Ngôi sao để nhớ đến vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong với tâm hồn mơ mộng, trong sáng, lãng mạn bay bổng và phẩm chất cách mạng sáng ngời. Còn cái “xa xôi” phải chăng chính là cao điểm – nơi các cô đang sống và chiến đấu.

– Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, những cô gái ấy quả thực là những ngôi sao sáng, ẩn hiện giữa núi rừng Trường Sơn. Dẫu ở nơi xa xôi, nhưng vẻ đẹp của họ vẫn tỏa sáng mãnh liệt khiến ta cảm phục, ngưỡng mộ.

4. Tổng kết

Phương Định, một hình tượng đẹp, có ý nghĩa tiêu biểu về người thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cùng với những hình tượng nghệ thuật khác như hình tượng anh thanh niên trong Lặng lẽ SaPa, người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính… thì nhân vật Phương Định đã góp phần phong phú hóa hình tượng cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu.

 

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaihay.com

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây 

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web