Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lương Văn Can

Giải chi tiết Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lương Văn Can.

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

      Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:

     Điều quan trọng nhất để tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là thay đổi tư duy. Từ việc nghĩ rằng học để biết, học để thi chuyển sang cách nghĩ học để làm.

     Khi ta tư duy học để làm thì ta sẽ biết học trọng tâm vào cái gì. Cái gì xã hội thật sự cần. Ta sẽ biết được cái gì bắt buộc phải học, cái gì cần học, cái gì nên học. Khi đó ta sẽ tìm được điểm giao nhau giữa những cái ta học và những cái xã hội cần. Điều đó cũng giống như đường cung và cầu trong kinh tế học. Khi ta học đúng cái xã hội cần thì ta sẽ thành công. Khi tư duy học để làm, ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc trau dồi kỹ năng. […] Khi ta tư duy học để làm ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm thực tế thay vì lý thuyết đơn thuần. Các bạn sinh viên sẽ đi làm thêm để có được nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, giao tiếp giỏi hơn. Và khi đó tự các bạn đã làm thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái làm được.

      Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đấy, học để biết thì biết rất nhiều, học để thi thì kết quả thi sẽ tốt, học để làm thì sẽ có khả năng làm việc tốt, sẽ thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau này.

Thực hiện các yêu cầu:

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
  2. Theo tác giả, các bạn sinh viên sẽ làm gì để “thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái làm được”?
  3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn sau:

     Khi ta tư duy học để làm thì ta sẽ biết học trọng tâm vào cái gì. Cái gì xã hội thật sự cần. Ta sẽ biết được cái gì bắt buộc phải học, cái gì cần học, cái gì nên học. Khi đó ta sẽ tìm được điểm giao nhau giữa những cái ta học và những cái xã hội cần. Điều đó cũng giống như đường cung và cầu trong kinh tế học.

  1. Trong ba thông điệp: “học để biết”, “học để thi”, “học để làm”, thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

     Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc “học để làm”.

Câu 2 (5 điểm):

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vàn cách trở

(Sóng – Xuân Quỳnh)

     Phân tích đoạn thơ trên để thấy “tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người” của Xuân Quỳnh.

…………………………….HẾT…………………………..

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

  • Phương pháp: căn cứ vào các phương thức biểu đạt
  • Cách giải:
  • Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2:

  • Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
  • Cách giải:
  • Theo tác giả, để “thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái làm được”, các bạn sinh viên “sẽ đi làm thêm để có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, giao tiếp giỏi hơn”.

Câu 3:

  • Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
  • Cách giải:

Các biện pháp nghệ thuật:

  • Liệt kê: “Ta sẽ biết được cái gì bắt buộc phải học, cái gì cần học, cái gì nên học”, “những cái ta học và những cái xã hội cần”.
  • So sánh: “Điều đó cũng giống như đường cung và cầu trong kinh tế học”
  • Điệp từ “khi”, điệp cấu trúc “Khi… ta sẽ”
  • Tác dụng: Làm tăng tính thuyết phục, tính chặt chẽ cho lập luận, làm cho văn bản thêm cụ thể, sinh động. Nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng. giá trị của tư duy học để làm và chúng ta cần học tập như thế nào nhằm phục vụ cho nhu cầu xã hội.

Câu 4:

  • Phương pháp: Phân tích, lý giải
  • Cách giải:
  • Học sinh lựa chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân.
  • Học sinh có cách lý giải phù hợp, thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận

Cách giải:

  • Yêu cầu về kĩ năng:
  • Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ.
  • Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
  • Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
  • Giáo dục – Đào tạo chính là chìa khóa, động lực quan trọng để xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức của mỗi quốc gia, dân tộc.
  • “Học để làm” là xác định rõ ràng, nhất quán và thống nhất mục đích, mục tiêu của việc học tập: đó là để thực hành, để lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm phục vụ cho xã hội và đáp ứng nhu cầu của bản thân.
  • Khi xác định mục đích của học tập “học để làm gì?”, “học để phụng sự ai” sẽ giúp chúng ta:
  • Lựa chọn con đường đi đúng đắn cho bản thân, tránh sai lầm, lãng phí tiền bạc, công sức.
  • Không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên
  • Có thái độ nghiêm túc trong học tập và trong công việc…
  • Học để làm mang tính ứng dụng, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng, nên nó có đóng góp lớn với công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước.
  • Học để làm việc chính là một phương pháp học tập hiệu quả giúp chúng ta từng bước trưởng thành, vững vàng trong hành trình “học để làm người”.
  • Phê phán
  • Liên hệ bản thân

Câu 2:

  • Phương pháp:
  • Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
  • Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
  • Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

  • Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
  • Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng và đoạn trích.
  • “Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người” thể hiện trong đoạn trích.
  • Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy của người phụ nữ được cụ thể hóa bằng nỗi nhớ. Nỗi nhớ mãnh liệt trong tình yêu vượt mọi khoảng cách thời gian, xâm nhập vào tiềm thức, vô hồi vô hạn, thể hiện khát khao hạnh phúc chân thành, tình yêu giản dị, trong sáng, thủy chung (khổ 5)
  • Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy thể hiện trong nỗi nhớ da diết, cháy bỏng vượt khoảng cách không gian. Nỗi nhớ tăng cấp thành “nghĩ”, khẳng định sự gắn bó thủy chung với tình yêu. (khổ 6)
  • Sức mạnh của tình yêu giúp người phụ nữ dám dối mặt và đủ dũng khí vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người (khổ 7)
  • Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người được thể hiện bằng giọng điệu trữ tình, thiết tha sâu lắng; thể thơ ngũ ngôn; phép ẩn dụ, nhân hóa, điệp, đối; hình ảnh giản dị, vận dụng sáng tạo các ngôn từ, hình ảnh.
  • Đánh giá:
  • Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người được Xuân Quỳnh thể hiện chân thực, sinh động, gợi cảm trong đoạn thơ.
  • Tình yêu thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính nhân văn của nhân loại.
  • Quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh mang tính giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về một tình yêu chân thành, nhân văn.
  • Tổng kết.

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web