Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lý Thái Tổ

Giải chi tiết Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Lý Thái Tổ

Mục lục

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

     Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu

    Có một lần tụ tập ăn uống cùng bạn bè, cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước, hốt hoảng kêu lên: “Chết rồi, làm thế nào bây giờ?”, cậu bạn ngồi cạnh bật cười: “Nước đổ mất rồi, còn làm thế nào được nữa, lau đi thôi!”. Câu chuyện trên chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng lại mang đến một triết lý ít người hiểu thấu: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không nhiều người có thể nắm bắt được triết lý này, khi ly nước bị đổ, nếu không tự oán trách thì họ sẽ chuyển sang tìm nguyên nhân, tự làm loạn suy nghĩ của mình, lãng phí thời gian và sức lực của bản thân, mà quên không làm một động tác đơn giản đó là lau sạch nó.

     Chấp nhận hiện thực là một phần rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện trong cuộc sống. Dù bạn có thừa nhận hay không, cuộc sống vẫn biến mất không ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ mất đi răng sữa, lên trung học sẽ mất đi tuổi thơ, lớn thêm chút nữa thì mất đi mối tình đầu, mất đi tuổi thanh xuân, mất người thân, mất đi sức khỏe… Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Mỗi lần đối diện với sự mất mát, nếu như chúng ta chỉ khư khư ôm lấy những ký ức từng có trong quá khứ, không muốn đối diện với thực tại, thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Sự đổi thay này là một môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của đời người. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi diễn ra trước mắt, chúng ta mới có được cuộc sống mới mẻ hơn.

     Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

(Trích Sống chậm lại rồi mọi chuyễn sẽ ổn thôi, Alphabook biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: “Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao”.

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về triết lý được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước?

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với câu nói: “Không mất đi thì sẽ không có tương lai”. Nêu rõ lý do tại sao.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Phân tích tâm trạng và hành động của Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) trong hai phát hiện trên bờ biển để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

Lời giải chi tiết

Phần I. Đọc hiểu

1.

  • Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
  • Cách giải:
  • Phương thức biểu đạt: nghị luận

2.

  • Phương pháp: phân tích, tổng hợp
  • Cách giải
  • Biệp pháp tu từ cú pháp: lặp cấu trúc: “Nếu như mãi… Nếu như bạn…”
  • Tác dụng: cách lặp cấu trúc câu làm cho cách diễn đạt có tác dụng nhấn mạnh về một lời khuyên chân thành dành cho những người đang nuối tiếc quá khứ mà bỏ quên tương lai tươi đẹp trước mắt.

3.

  • Phương pháp: phân tích, tổng hợp
  • Cách giải:

Hiểu về triết lý được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước:

  • Triết lý đó là: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó.
  • Cách hiểu: con người cần chấp nhận sự thay đổi, vạn biến của cuộc đời qua từng giờ, từng ngày. Từ những biến chuyển đó mà ta tiếp tục tiến về phía trước với niềm tin và hy vọng để có cuộc sống tốt đẹp hơn

4.

  • Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
  • Cách giải:

Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình hoặc đồng tình một phần với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai.

Cần có lý giải lý do hợp lý, hợp tình, hợp chuẩn mực pháp luật và đạo đức.

  • Nếu đồng tình với câu nói: Quy luật cuộc sống là sự vận động không ngừng theo chiều hướng đi lên, tích cực. Những gì cũ kĩ, lạc hậu sẽ mất đi để thay vào đó là cái mới, cái tiến bộ…
  • Nếu không đồng tình: Tuy chúng ta chấp nhận sự mất đi của sự vật, hiện tượng để hướng về tương lai nhưng thực tế cuộc sống vẫn có những điều không thể mất đi. Những giá trị tinh thần mang tính vĩnh hằng như niềm tin, đạo lý, chân lý, lòng tốt… luôn tồn tại bền vững trước thời gian nghiệt ngã.
  • Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.

Phần II. Làm văn

  • Phương pháp:
  • Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
  • Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
  • Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

  • Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
  • Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

  1. Giới thiệu chung về nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: tâm trạng và hành động, vẻ đẹp tâm hồn của Phùng và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi đến người đọc
  2. Phân tích
  • Tóm lược cốt truyện và giới thiệu bối cảnh tạo nên hai phát hiện của Phùng.
  • Phát hiện thứ nhất: Khi chứng kiến bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, một cảnh đắt trời cho, Phùng đã bối rối (bất ngờ, hồi hộp), hạnh phúc, cảm thấy tâm hồn được gột rửa. Và Phùng đã nhanh tay bấm máy, thu kiệt tác nghệ thuật này vào trong máy ảnh.

→ Tâm trạng và hành động của Phùng đã chứng tỏ sức mạnh của nghệ thuật, của cái Đẹp; Phùng là nghệ sĩ có tài, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

  • Phát hiện thứ hai: Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, Phùng bất ngờ, ngạc nhiên vì anh không ngờ rằng chiếc thuyền từ ngoài xa là một khung cảnh toàn thiện, toàn mỹ nhưng khi đến gần là một cảnh tượng phi thẩm mỹ, phi nhân tính. Sau đó anh đã vứt máy ảnh để chạy nhào về phía người đàn ông và người đàn bà.

→ Hành động quả cảm của Phùng đã thể hiện anh là một nghệ sĩ biết căm phẫn, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; biết xử lý đúng đắn mỗi quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

  • Đánh giá chung:
  • Nghệ thuật: Tình huống truyện độc đáo; cách kể chuyện sinh động hấp dẫn làm “nổi hình, nổi sắc nhân vật”, ngôn ngữ đời thường mà đậm chất tự sự – triết lý…
  • Nội dung: 
  • Phùng là kiểu nhân vật tư tưởng gửi gắm quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cái nhìn cuộc đời: Cuộc đời chứa đựng nhiều nghịch lý, không thể đơn giản khi nhìn nhận mà cần có một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ đẹp bề ngoài.
  • Trăn trở của nhà văn trước hiện thực cuộc sống.
  • Khái quát chung: Vẻ đẹp tâm hồn của Phùng qua hai phát hiện:
  • Phùng là một người nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm; giàu lòng trắc ẩn và đặc biệt là dám lên tiếng, đấu tranh để chống lại cái xấu, ác.
  • Từ Phùng, nhà văn ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người nghệ sĩ.
  1. Kết luận

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây.

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web