Đề bài
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Xác định và nêu tác dụng các biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu.
2. Đoạn thơ trên gợi cho anh/chị tình cảm và trách nhiệm gì đối với biển đảo quê hương (trình bày khoảng 5-7 dòng)
Câu 2: (3.0 điểm)
Ngày xưa có vị vua trị vì vương quốc nọ. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền đất xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân của ông rất đau đớn vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày trên con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ra lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của.
Một hầu cận thông minh đã dũng cảm tâu với nhà vua: “Sao bệ hạ lại dùng tiền tốn kém một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình?”. Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của người hầu cận để làm một “đôi giày” cho riêng mình.
(Theo Chicken Soup for the Soul – Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống)
Hãy viết bài văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống được rút ra từ câu chuyện trên.
Câu 3: (5.0 điểm)
Nguyễn Du thuộc về những nhà thơ thi trung hữu họa. Ông có một phong cách tạo hình độc đáo. Qua thơ ông, người họa sĩ thấy nổi lên hình, sắc, ánh sáng, bố cục và thấy cả không gian, thời gian. Sự di chuyển bút pháp của mỗi câu thơ, mỗi đoạn thơ rất uyển chuyển, thoải mái. Tâm tình và sự vật thống nhất, hài hòa. Qua sáng tạo của ông, cảnh vật vô tri như có một tâm hồn ẩn náu bên trong, nhưng chính cảnh vật vô tri bộc lộ hộ tâm tình. Điều đó còn có nghĩa là ông dùng vẻ đẹp để đi vào tâm hồn nhân vật.
(Tính chất tạo hình của thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều – Nguyễn Tiến Chung)
Bằng trải nghiệm về các đoạn trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (Ngữ văn 9), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Lời giải chi tiết
Câu 1
1. Xác định và nêu tác dụng các biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu. |
Phương pháp: căn cứ các biện pháp nghệ thuật đã học; phân tích, tổng hợp
Cách giải:
– Hình ảnh so sánh độc đáo trong câu 1: Quang cảnh hùng vĩ của bầu trời lúc chiều tà -> vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ của cảnh hoàng hôn trên biển.
– Biện pháp tu từ nhân hóa:
+ Được sáng tạo từ chi tiết thực: những con sóng cài ngang như chiếc then cửa của vũ trụ. Bóng đêm “sập cửa” gợi khoảnh khắc ánh ngày vụt tắt và màn đêm bất ngờ buông xuống bao trùm tất cả.
+ Gợi không gian vũ trụ rộng lớn, mênh mông, kì vĩ mà vẫn gần gũi, ấm áp như ngôi nhà của con người.
2. Đoạn thơ trên gợi cho anh/chị tình cảm và trách nhiệm gì đối với biển đảo quê hương (trình bày khoảng 5-7 dòng) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Trách nhiệm của thanh niên với biển đảo quê hương:
– Ra sức học tập, trau dồi tri thức.
– Rèn luyện phẩm chất đạo đức.
– Tỉnh táo trước các luồng thông tin, luôn tiếp nhận và phân tích, để không bị kẻ địch dắt mũi.
– Tuyên truyền để mọi người khai thác biển đảo một cách bền vững.
– Tuyên truyền bảo vệ môi trường, các loài sinh vật trên biển.
-…
Câu 2
Ngày xưa có vị vua trị vì vương quốc nọ. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền đất xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân của ông rất đau đớn vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày trên con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ra lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của. Một hầu cận thông minh đã dũng cảm tâu với nhà vua: “Sao bệ hạ lại dùng tiền tốn kém một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình?”. Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của người hầu cận để làm một “đôi giày” cho riêng mình. (Theo Chicken Soup for the Soul – Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống) Hãy viết bài văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống được rút ra từ câu chuyện trên. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Học sinh tự rút ra bài học cho mình. Ban chuyên môn gợi ý: “Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới”
1. Giới thiệu vấn đề: Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới
2. Bàn luận vấn đề
– Trong câu chuyện trên, ông vua chỉ vì cái chân đau của mình mà đã đưa đến một quyết định vô cùng hệ trọng thậm chí là điên rồ. Ông ta chỉ muốn thế giới thay đổi để phục tùng mình mà chưa bao giờ có ý định thay đổi bản thân để làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
=> Câu chuyện cho ta bài học có ý nghĩa, giá trị.
– Con người không muốn thay đổi bản thân vì không muốn thừa nhận những thiếu sót, những điểm yếu, phủ định giá trị của bản thân.
– Dù không muốn nhưng con người nhất thiết phải tự soi chiếu, tự nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế để hoàn thiện chính mình.
– Điều quan trọng nhất trong quá trình thay đổi bản thân chính là thay đổi thế giới quan. Nếu chọn cho mình một thế giới quan rộng mở, tiến bộ, biện chứng, con người có thể đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi, “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”
– Nhiều người không phê phán, thay đổi bản thân từ đó kéo lùi sự phát triển của lịch sử, xã hội.
– Cần phải luôn có ý thức phản tính để có thể hoàn thiện chính bản thân mình.
– Mỗi người tự nhận thức và hoàn thiện chính mình, tự thực hiện những cuộc cách mạng cá nhân thì cả thế giới cũng sẽ cải biến
Câu 3
Nguyễn Du thuộc về những nhà thơ thi trung hữu họa. Ông có một phong cách tạo hình độc đáo. Qua thơ ông, người họa sĩ thấy nổi lên hình, sắc, ánh sáng, bố cục và thấy cả không gian, thời gian. Sự di chuyển bút pháp của mỗi câu thơ, mỗi đoạn thơ rất uyển chuyển, thoải mái. Tâm tình và sự vật thống nhất, hài hòa. Qua sáng tạo của ông, cảnh vật vô tri như có một tâm hồn ẩn náu bên trong, nhưng chính cảnh vật vô tri bộc lộ hộ tâm tình. Điều đó còn có nghĩa là ông dùng vẻ đẹp để đi vào tâm hồn nhân vật. (Tính chất tạo hình của thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều – Nguyễn Tiến Chung) Bằng trải nghiệm về các đoạn trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (Ngữ văn 9), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề
– Giới thiệu tác giả
– Giới thiệu nhận định: Nguyễn Du thuộc về những nhà thơ thi trung hữu họa. Ông có một phong cách tạo hình độc đáo. Qua thơ ông, người họa sĩ thấy nổi lên hình, sắc, ánh sáng, bố cục và thấy cả không gian, thời gian. Sự di chuyển bút pháp của mỗi câu thơ, mỗi đoạn thơ rất uyển chuyển, thoải mái. Tâm tình và sự vật thống nhất, hài hòa. Qua sáng tạo của ông, cảnh vật vô tri như có một tâm hồn ẩn náu bên trong, nhưng chính cảnh vật vô tri bộc lộ hộ tâm tình. Điều đó còn có nghĩa là ông dùng vẻ đẹp để đi vào tâm hồn nhân vật.
2. Giải quyết vấn đề
2.1 Giải thích nhận định
– Thi trung hữu họa: trong thơ có tranh, có cảnh.
– Không chỉ có tranh, có cảnh mà tranh cảnh trong thơ Nguyễn Du còn có hồn, bộc lộ tâm tình của con người. Đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
– Thơ – nhạc – hoạ đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Nếu hoạ dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng giai điệu, âm thanh thì thơ cũng như các tác phẩm văn chương lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn từ có đặc điểm riêng: đó là chất liệu phi vật thể, vì vậy, tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, hình khối.
– Thi trung hữu họa bởi vì: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.
2.2 Chứng minh qua các đoạn trích
a. Đoạn trích Cảnh ngày xuân
* Khung cảnh mùa xuân dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du hiện lên vô cùng đẹp đẽ, tinh khôi.
Hai dòng thơ đầu là khung cảnh ngày xuân tuyệt đẹp.
– Hình ảnh “con én đưa thoi”:
+Tả: cảnh những cánh én bay liệng đầy trời rộn ràng như thoi đưa -> hình ảnh đẹp quen thuộc của mùa xuân.
+Gợi:Thời gian trôi nhanh
Không gian cao rộng của bầu trời
Không khí ấm áp của mùa xuân
– Câu thơ “thiều quang…”:
+ Tả: ánh sáng đẹp của ngày xuân
+ Gợi: Một không gian tràn đầy nắng ấm
Thời điểm tháng 3 mùa xuân là thời điểm thiên nhiên đạt tốc độ rực rỡ nhất, viên mãn nhất.
Sự nuối tiếc của chị em Thúy Kiều vì mùa xuân tươi đẹp đang trôi qua nhanh.
=> Hai câu thơ không chỉ có giá trị thông báo về thời gian mà còn tô đậm ấn tượng về một mùa xuân đang độ chín rất đỗi ngọt ngào. Đối diện với mùa xuân ấy lòng người không khỏi bồi hồi, xao xuyến, tiếc nuối.
Hai câu thơ tiếp đã phác họa một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống:
– Hình ảnh “cỏ non…”:
+ Tái hiện một không gian tràn đầy sắc xanh non của cỏ mùa xuân.
+ Gợi: sự tươi non và sức sống dạt dào của mùa xuân.
– Hình ảnh “cành lê”:
+ Đảo ngữ “trắng điểm” -> tô đậm sắc trắng của đóa hoa lê.
+“điểm”: gợi ấn tượng về sự thanh thoát của hoa.
– Màu sắc:
+ Sắc xanh của cỏ.
+ Màu trắng của hoa
-> Hài hòa, gợi một không gian trong trẻo, tinh khôi, tràn trề nhựa sống.
=> Với bút pháp chấm phá tài tình, tác giả đã rất thành công khi phác họa mộtt bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tươi đẹp => Thế giới tâm hồn tràn đầy niềm tươi vui, phấn chấn và có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.
* Không chỉ dừng lại ở đó khung cảnh lễ hội dưới bàn tay hoa của Nguyễn Du cũng hiện rõ hình nét:
– Kết hợp giữa các từ ghép hai âm tiết: “gần xa”, “yến anh”, “chị em”…cùng các từ láy “sắm sửa”, “nô nức”, “dập dìu”… -> tâm trạng náo nức, tươi vui, sự rộn ràng trong lòng người chơi xuân.
– Biện pháp ẩn dụ: “nô nức yến anh” :
Một mặt gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân.
Mặt khác: gợi những xôn xao trong cuộc chuyện trò, gặp gỡ; những háo hức, tình tứ của những đôi lứa uyên ương.
– Biện pháp so sánh: “ngựa xe…”: tái hiện sự đông đúc, từng đoàn người chen vai thích cánh đi chơi xuân chật như nêm -> nhằm tái hiện niềm vui ngày hội đang lan tỏa lên khắp nhân gian.
* Cuối cùng là khung cảnh lễ hội tàn, buổi chiều ngày xuân vừa rõ hình, vừa rõ tình:
– Tả: thời gian ngày tàn lặng lẽ, vầng mặt trời ngả dần về phái Tây và những ánh ngày sắp tắt.
=> Một không gian buồn vắng khi ngày hội đã tan.
Tâm trạng tiếc nuối, bang khuâng, xao xuyến của chị em Thúy Kiều.
– Hình ảnh “tiểu khê”, “dịp cầu nho nhỏ” -> không gian lắng vào chiều sâu, một khung cảnh nhỏ bé, thân thuộc.
– Từ láy “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ”-> mang đến cho bức tranh thiên nhiên vẻ đẹp xinh xắn, tao nhã và cũng phảng phất buồn.
– Thấm đẫm tâm trạng, cảnh vật như có hồn và đồng cảm với con người
=> Người ra về lưu luyến, tiếc nuối một ngày hội đã tàn, cả một mùa xuân sắp đi qua.
=> Dòng suối, mặt nước, cây cầu nhuộm vẻ trầm lắng, suy tư của con người.
=> Nhân hóa “nao nao…” -> phản chiếu những bồi hồi xao xuyến trong tâm hồn nhân vật.
=> Vừa là sự đọng lại của những cảm xúc trong ngày hội. Vừa là những dấu hiệu của một cuộc gặp gỡ tình cờ mà như có sự sắp xếp của số phận.
=> Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để khám phá những rung động tinh tế trong tâm hồn nhân vật, đầy ắp yêu thương, sự đồng cảm tuyệt vời của Nguyễn Du.
b. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
* Quang cảnh quanh lầu Ngưng Bích:
– Rộng lớn, mênh mông, bát ngát
Hình ảnh: “non xa”, “trăng gần” -> không gian mở ra chiều cao, chiều xa -> hình ảnh lầu Ngưng Bích chơi vơi, chênh vênh, đơn độc giữa không gian.
Từ láy “bát ngát” -> tô đậm hơn một không gian rợn ngợp cả 4 bề.
– Trống trải, hoang vắng, không có dấu hiệu của sự sống:
Liệt kê: “cát vàng”, “bụi hồng”, “cồn nọ”, “dặm kia” -> phủ định sự sống, gợi sự ngổn ngang của cảnh vật.
Tiểu đối: “mây sớm” – “đèn khuya”: càng gợi sự quạnh vắng, hắt hiu của cảnh.
=> Quang cảnh rộng trống, cô liêu, nhạt phai sự sống đã trở thành phương tiện để mở ra bao nỗi niềm của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
– Tâm trạng của nàng Kiều:
+ Sự cô đơn, lẻ loi cùng cực: không một bóng người bầu bạn, chỉ có thể làm bạn với “trăng gần”, “mây sớm”, “đèn khuya” với những vật vô tri; mọi phương tiện giao cảm giữa con người với con người bị cắt đứt.
+ Ngổn ngang trăm mối âu lo, day dứt, đau khổ:
“Xa trông”: không đơn giản chỉ là nhìn mà còn là sự ngóng đợi, sự khắc khoải kiếm tìm một dấu hiệu chỉ là nhỏ nhoi nhất của sự sống, của cái ấm áp giữa nơi mà cô đơn hoàn toàn ngự trị.
Cách phác họa cảnh vật ngổn ngang -> gợi sự ngổn ngang trong lòng nàng.
+ Nỗi niềm chua xót, bẽ bàng cho cảnh ngộ, thân phận:
Lúc nào cũng chỉ có một mình, không thể chia sẻ cùng ai.
Chồng chất nỗi đau của cốt nhục chia lìa, tình yêu tan vỡ, bơ vơ nơi góc bể chân trời, trở thành một món hàng trong tay mụ Tú Bà.
Bị đày đọa giữa không gian xa xôi, hoang vắng, trong thời gian dằng dặc triền miên, trong tình cảnh cô đơn cùng cực.
=> Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình, với một hệ thống hình ảnh vừa chân thực, vừa sáng tạo, Nguyễn Du đã không chỉ phác họa được quanh cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích mà ông còn giúp bạn đọc hiểu được cảnh ngộ và tâm trạng cô đơn, lẻ loi, đầy bi kịch của Thúy Kiều.
* Bức tranh thiên nhiên, tâm trạng của Kiều
– Tạo dựng sự tương phản: Không gian cửa biển lúc triều dâng >< Cánh buồm thấp thoáng, nhạt nhòa; cánh hoa tàn lụi man mác trôi trên dòng nước.
-> Tô đậm cái nhỏ bé, bơ vơ của cánh buồm, bông hoa.
+ Hình ảnh ẩn dụ: “thuyền ai”, “hoa” -> ẩn dụ cho thân phận của Thúy Kiều đang trôi dạt giữa dòng đời.
+ Câu hỏi “về đâu” -> sự lạc lõng, mất phương hướng, không biết sẽ đi đâu về đâu của nàng.
+ Thời gian “chiều hôm” lại càng làm cho nỗi buồn thân phận thêm sâu sắc.
– Là cảm giác cô đơn, lẻ loi khi đối diện với không gian mặt đất quanh lầu Ngưng Bích.
+ Hình ảnh: “nội cỏ”, “chân mây”, “mặt đất” -> cái vô cùng, vô tận của đất trời.
+ Từ láy “rầu rầu”: nhân hóa nội cỏ, vẽ lên một vùng cỏ cây vẻ ủ rũ, héo tàn -> gợi sự tàn úa, u buồn của lòng người.
+ Từ láy “xanh xanh”: gợi sắc xanh nhạt nhòa của nội cỏ, mặt đất chân mây; sắc xanh như che phủ, chia cắt tất cả.
=> Từ ngữ, hình ảnh cho thấy dẫu có kiếm tìm nhưng dường như trong vũ trụ bao la này Thúy Kiều không thể tìm được một dấu hiệu thân quen nào, một hơi ấm nào.
=> Đối diện với một không gian như vậy Thúy Kiều càng thấm thía hơn bao giờ hết sự nhỏ nhoi, đơn độc của mình.
– Nỗi trơ trọi, hãi hùng:
+ Thiên nhiên dữ dội và đầy biến động: gió giận dữ cuốn mặt duềnh, sóng ầm ầm vỗ ào ạt khi thủy triều lên.
+ Thậm chí, Kiều cảm giác những đợt sóng dữ dội kia đang bủa vây, kêu réo ngay bên mình.
+ Thiên nhiên là ẩn dụ cho dự cảm về những biến cố kinh hoàng sắp sửa ập xuống cuộc đời nàng. Những con sóng của số phận đang bủa vây, đe dọa người con gái lẻ loi, đơn độc nơi đất khách này.
-> Linh cảm trước tương lai khiến Thúy Kiều càng lo sợ, hãi hùng.
= > 8 câu cuối cảnh được miêu tả theo trình tự: xa -> gần, màu sắc: nhạt -> đậm, âm thanh: tĩnh -> động.
ð Gợi:
– Nỗi buồn đau, lo âu, kinh sợ chồng chất trong lòng Thúy Kiều.
– Sự mong manh, lẻ loi, trôi dạt, bế tắc trong thân phận nàng.
– Sự tuyệt vọng, yếu đuối nhất.
3. Tổng kết vấn đề
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây