Đề bài
I. ĐỌC HIẾU: Đọc đoạn trích sau:
Đúng vậy, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bị chìm trong một đống công việc khổng lồ đến mức không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi phải bắt đầu với bài tập Đại số hay là bài luận môn Lịch sử bài kiểm tra môn Địa lý thứ Sáu này thì sao nhỉ? Còn phải chuẩn bị để ứng cử vào Nhóm Nhiếp ảnh trong trường nữa chứ? Vậy những công việc nhà mà mình đã hứa với mẹ thì sao đây? Bản danh sách này cứ thể kéo dài mãi…
[….]Bạn đã bao giờ nghe nói về Quy luật Parkinson chưa? Theo Quy luật Parkinson, công việc luôn tự mở rộng ra để lấp đầy khoảng thời gian mà chúng ta ấn định cho nó. Vì thế, nếu ta có một công việc cần phải hoàn thành vào ngày mai thì có khả năng ta sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Ngược lại, nếu thời hạn hoàn thành công việc ấy được kéo dài đến cuối tháng thì rất có khả năng đến cuối tháng này ta mới giải quyết dứt điểm nó. Đôi khi, do được cho quá nhiều thời gian để hoàn thành một công việc nào đó, chúng ta sẽ chần chừ và trì hoãn quá trình thực hiện nó.
(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2023, tr. 47, 49)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: (0,5 điểm) Theo đoạn trích, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của các môn học nhân vật “tôi” còn có những công việc nào?
Câu 2: (1,0 điểm) Hai câu văn sau liên kết với nhau bằng phương thức, phương tiện liên kết nào?
Vì thế, nếu ta có một công việc cần phải hoàn thành vào ngày mai thì có khả năng ta sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Ngược lại, nếu thời hạn hoàn thành công việc ấy được kéo dài đến cuối tháng thì rất có khả năng đến cuối tháng này ta mới giải quyết dứt điểm nó.
Câu 3: (1,0 điểm) Hãy cho biết hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong những câu văn sau: Tôi phải bắt đầu với bài tập Đại số hay là bài luận môn Lịch sử phải nộp vào tuần sau? Còn bài kiểm tra môn Địa lý vào thứ Sáu này thì sao nhỉ? Còn phải chuẩn bị để ứng cử vào Nhóm Nhiếp ảnh trong trưởng nữa chứ? Vậy những công việc nhà mà mình đã hứa với mẹ thì sao đây?
Câu 4: (0,5 điểm) Nếu còn nhiều thời gian để hoàn thành một công việc nào đó, em có trì hoãn quá trình thực hiện nó không? Vì sao?
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sự cần thiết của việc phải biết sắp xếp, phân chia thời gian một cách hợp lí.
Câu 2: Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:
Công việc của cháu gian khổ thế đây, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thể đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy?. Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”.
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
– Quê anh ở đâu thế? – Họa sĩ hỏi.
– Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hoá lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây.
Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mấy khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2006, tr.185)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Ngoài việc học tập ở trường bạn ấy còn có các công việc khác như:
– Ứng cử vào Nhóm Nhiếp ảnh trong trường.
– Công việc nhà đã hứa với mẹ sẽ làm.
Câu 2:
Phương pháp:
Căn cứ các phép liên kết câu.
Cách giải:
– Phép nối: ngược lại.
– Phép lặp: công việc, hoàn thành, khả năng.
– Phép thế.
Câu 3:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
– Phép liệt kê đã nhấn mạnh mỗi chúng ta có rất nhiều công việc cần phải làm, phải thực hiện.
– Từ đó rút ra bài học là chúng ta cần phải biết sắp xếp công việc hợp lí để mọi việc được hoàn thành trôi chảy, đúng hạn.
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích, lí giải.
Cách giải:
HS đưa ra quan điểm cá nhân và có lí giải phù hợp.
Gợi ý:
– Sẽ giải quyết dứt điểm công việc dù hạn dài, vì khi giải quyết dứt điểm sẽ có thời gian làm việc khác và tránh lãng quên.
Hoặc:
– Sẽ để công việc đó giải quyết sau ưu tiên cho những công việc gấp khác giải quyết trước. Đồng thời kéo dài thời gian giải quyết cũng giúp nghiên cứu kĩ vấn đề từ đó đưa ra phương hướng giải quyết tối ưu nhất.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
1. Giới thiệu chung: sự cần thiết của việc phải biết sắp xếp, phân chia thời gian một cách hợp lí.
2. Bàn luận
– Sắp xếp thời gian một cách hợp lí là điều vô cùng quan trọng giúp chúng sống, làm việc trọn vẹn từng phút giây.
– Vì sao chúng ta cần sắp xếp thời gian hợp lí?
+ Thời gian là hữu hạn và một đi không trở lại bởi vậy nếu không sắp xếp thời gian hợp lí ta sẽ để thời gian trôi qua vô ích.
+ Sắp xếp thời gian hợp lí giúp ta cân bằng được cuộc sống, giữa nghỉ ngơi và làm việc, để từ đó tái tạo năng lượng cho các công việc tiếp theo.
+ Người biết sắp xếp thời gian hợp lí là người có tư duy tốt, từ đó họ cũng dễ dàng đạt được thành công hơn.
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
– Phê phán những người còn lãng phí thời gian, chưa biết phân chia thời gian hợp lí.
3. Tổng kết vấn đề
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long.
– Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
– Tác phẩm ca ngợi những con người dũng cảm, tuyệt đẹp đang cống hiến một cách thầm lặng, cao cả mà anh thanh niên là nhân vật chính.
– Giới thiệu đoạn trích cần phân tích.
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát:
Truyện ngắn tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn của Sa Pa qua lời giới thiệu của bác lái xe.
Đoạn văn ngắn đã khái quát được vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của anh thanh niên.
b. Nhân vật anh thanh niên:
* Hoàn cảnh sống và làm việc:
– Một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc đơn điệu đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chính xác, có ý thức tự giác.
– Nhưng cái gian khổ nhất phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.
* Những nét đẹp của nhân vật thể hiện qua đoạn trích:
– Có lý tưởng cống hiến: đi bội không được anh tình nguyện làm việc ở Sa Pa.
– Suy nghĩ đẹp về công việc:
+ Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao nhưng anh vẫn gắn bó với công việc của mình bởi “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh yêu công việc tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2.600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3.000m “như vậy mới gọi là lý tưởng”.
+ Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao: hằng ngày lặp lại tới 4 lần các thao tác “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết” và khó khăn nhất là lúc 1 giờ sáng “nửa đêm thức dậy xách đèn ra vườn, mưa tuyết, giá lạnh…” nhưng anh vẫn coi công việc là niềm vui “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”.
+ Ý thức được giá trị công việc mà mình đang làm: dự vào việc báo trước thời tiết nên “việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”.
=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.
– Suy nghĩ đẹp về cuộc sống:
+ Tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.
+ Suy nghĩ đúng đắn về giá trị của hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta, bắn rơi được máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.
=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.
– Làm phong phú cuộc sống của mình: Anh thường xuyên đọc sách. Vì sách chính là người bạn để anh “trò chuyện”. Nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng quanh năm. Nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành, mở mang kiến thức.
– Anh cảm thấy tự hào, hạnh phúc khi công việc của mình đóng góp được cho sự nghiệp chung của dân tộc: nhờ có anh phát hiện đám mây khô mà ta đã hạ được hiều phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng=> trong giọng nói của anh không khỏi xúc động và hạnh phúc. Và cũng từ hôm đấy anh “sông thật hạnh phúc” => Cái hạnh phúc của một người trẻ tuổi tìm thấy lí tưởng, ý nghĩa của nghề, của cuộc sống => Một nét sống cao đẹp.
=> Những tình cảnh cao đẹp trên đã tạo nên những phẩm chất đáng quý ở anh thanh niên – một con người lao động với XHCN.
– Anh là người khiêm tốn, thành thực: Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của anh, anh từ chối bởi thấy công việc và những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với “ông kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa”, “đồng chí nghiên cứu khoa học” đang nghiên cứu lập bản đồ sét với tất cả niềm say mê, hào hứng… Anh nhiệt thành giới thiệu để ông họa sĩ vẽ chân dung của họ – những con người làm việc hết mình, thầm lặng, những cống hiến đáng trân trọng và khâm phục.
3. Kết bài:
– Truyện Lặng lẽ Sa Pa ngợi ca ngợi những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh.
– Qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi tả những con người đang dành cả thanh xuân để cống hiên, phục vụ kháng chiến với nhiều phẩm chất cao đẹp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây