Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Nỗi sợ thất bại, sợ bị từ chối, phản đối hay sợ xấu hổ chắc chắn sẽ làm hầu hết mọi người tê liệt và mất hết nhuệ khi ngay ở bước “khởi đầu nan”. Trong một khóa đào tạo, tôi gặp một người không bao giờ dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào, chỉ vì cô sợ đến ghê người khi nghĩ đến cảnh mình thất bại và không đạt được điều mà.
Bốn mươi năm về trước, mẹ tôi cũng làm một điều tương tự như vậy khi bà tham dự kì thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Bà đinh ninh rằng mình sẽ thi rớt môn Toán (môn mà bà rất ghét), thế là bà quyết định chẳng thà không dự thi còn hơn mang điểm xấu về nhà!
Nghe có vẻ rất ngớ ngẩn, nhưng trong thực tế, có nhiều người làm như vậy đấy. Họ một mực tin rằng, tốt hơn hết là đừng đề ra một ngưỡng phấn đấu nào cả, để họ khỏi phải thất vọng về bản thân.
Điều này có nghĩa là những người liên tục đề ra mục tiêu cho mình không sợ thất (bại chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng hết thảy mọi người trên đời ai cũng không thích và sợ bị thất bại, trong đó có cả tôi nữa. Vậy thì điều gì mang lại cho họ sự can đảm dám đưa ra những mục tiêu xa vời và phấn đấu vươn tới cho bằng được. Vấn đề là ở chỗ những người ấy có cách định nghĩa riêng về thất bại. (…)
Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tồi tệ là…chính bạn. (… ).
(Theo Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh, Adam Khoo- Stuart Tan, NXB Phụ Nữ, 2010, tr.393)
a. Xác định vấn đề trọng tâm được bàn luận trong văn bản.
b. Ghi lại 02 câu nghi vấn được sử dụng trong văn bản.
c. Chỉ ra 02 dẫn chứng được tác giả sử dụng trong văn bản và cho biết mục đích của việc sử dụng dẫn chứng đó có ý nghĩa như thế nào đối với văn bản?
d. Em có đồng tình với ý kiến: “Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tồi tệ là…chính bạn.” của tác giả hay không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Từ văn bản Đọc hiểu ở cấu 1, hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 10-12 dòng) thể hiện suy nghĩ của bản thân về tác dụng của việc xác định đúng mục tiêu trong học tập.
Câu 2. Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau; từ đó phát biểu cảm nghĩ của bản về mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr. 56)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định vấn đề trọng tâm được bàn luận trong văn bản |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Vấn đề trọng tâm được bàn luận là: Hầu hết mọi người sợ bị thất bại. Nhưng người duy nhất khẳng định bạn có thất bại hay cảm thấy tồi tệ chính là bản thân.
Câu 2:
Ghi lại 02 câu nghi vấn được sử dụng trong văn bản |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Câu nghi ván bao gồm:
Điều này có nghĩa là những người liên tục đề ra mục tiêu cho mình không sợ thất bại chăng?
Vậy điều gì mang lại cho họ sự can đảm dám đưa ra những mục tiêu xa vời và phấn đấu vươn tới cho bằng được?
Câu 3:
Chỉ ra 02 dẫn chứng được tác giả sử dụng trong văn bản và cho biết mục đích của việc sử dụng dẫn chứng đó có ý nghĩa như thế nào đối với văn bản? |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý, phân tích.
Cách giải:
– Dẫn chứng:
+ Dẫn chứng người mẹ học kém môn Toán, bà quyết định không dự thi còn hơn mang điểm xấu về nhà.
+ Một người tác giả gặp trong khóa đào tạo, cô ấy không dám đặt bất cứ mục tiêu bài vì sợ thất bại.
– Tác dụng:
+ Lựa chọn 2 dẫn chứng tiêu biểu cho lập luận mọi người đều sợ thất bại nên họ lựa chọn cách bỏ cuộc tác giả đã giúp cho lập luận của mình được chặt chẽ, rõ ràng hơn.
+ Đồng thời với hai dẫn chứng đó cũng cho thấy khi con người ta sợ thất bại họ không dám bước lên phía trước, không dám đặt ra mục tiêu để vượt lên chính mình.
Câu 4:
Em có đồng tình với ý kiến: “Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tồi tệ là…chính bạn.” của tác giả hay không? Vì sao? |
Phương pháp: Phân tích, lí giải.
Cách giải:
Học sinh đưa ra ý kiến cá nhân và có lí giải phù hợp.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Từ văn bản Đọc hiểu ở cấu 1, hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 10-12 dòng) thể hiện suy nghĩ của bản thân về tác dụng của việc xác định đúng mục tiêu trong học tập. |
Phương pháp: Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
a. Yêu cầu về hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng từ 10 đến 12 dòng.
b. Yêu cầu về nội dung:
* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tác dụng của việc xác định đúng mục tiêu trong học tập.
– Giải thích: Xác định đúng mục tiêu trong học tập là việc tìm hiểu nhận định rõ ràng mục tiêu của việc học.
– Tác dụng của việc xác định đúng mục tiêu trong học tập:
+ Khi xác định đúng mục tiêu trong học tập chúng ta sẽ có kế hoạch học tập hợp lý, khoa học hơn.
+ Việc xác định đúng mục tiêu trong học tâp sẽ khiến việc học trở nên có ý nghĩa hơn với chúng ta.
+ Xác định đúng mục tiêu trong học tập giúp chúng ta biết cố gắng nỗ lực. Học cách kiên định hơn.
+ Xác định đúng mục tiêu học tập giúp con người chủ động tích lũy kiến thức cần thiết phù hợp với mục đích của mình.
…………………
– Mở rộng liên hệ:
+ Hiện nay vẫn còn những người chưa xác định được tầm quan trọng cũng như mục đích đúng đắn của việc học -> Việc học tập trở nên gượng ép.
+ Mỗi người cần cố gắng trong việc xác định mục tiêu học tập của riêng mình.
Câu 2:
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau; từ đó phát biểu cảm nghĩ của bản về mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước. Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến. Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc. (Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr. 56) |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
– Giới thiệu chung về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
– Giới thiệu 2 khổ thơ cần phân tích: Nguyện ước chân thành, tha thiết của tác giả.
2. Thân bài
– Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.
+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.
+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.
Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.
Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả”
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.
+ Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.
=> Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.
* Mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước: Giữa cá nhân và đất nước có mối quan hệ gắn bó khăn khít với nhau.
– Công sức của mỗi cá nhân sẽ làm nên mùa xuân cho đất nước. Và ngược lại đất nước sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát triển.
– Mỗi cá nhân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc cống hiến để xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Kết bài:
– Nội dung: Bày tỏ lẽ sống đẹp đẽ, cao cả, đó là sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước, quê hương.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ 5 chữ, giàu nhịp điệu.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, trong sáng.
+ Cảm xúc chân thành, tha thiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây