Đề bài
Câu 1. (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xep thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy về miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Trích Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.132)
a) Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b) Tìm các từ cùng trường từ vựng chỉ sự vật liên quan đến công việc của những người lính lái xe. Trường từ vựng đó góp phần thể hiện hoàn cảnh sống và chiến đấu như thế nào của họ?
c) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ hoán dụ trong đoạn thơ.
Câu 2 (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (từ 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của việc làm chủ bản thân.
Câu 3 (6,0 điểm)
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long viết:
Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
(Trích Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.186)
Cảm nhận về vẻ đẹp của con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước qua nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn trên.
Lời giải chi tiết
Câu 1
a) Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? |
Phương pháp: căn cứ bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Cách giải:
Đoạn thơ trích trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Tác giả: Phạm Tiến Duật.
b) Tìm các từ cùng trường từ vựng chỉ sự vật liên quan đến công việc của những người lính lái xe. Trường từ vựng đó góp phần thể hiện hoàn cảnh sống và chiến đấu như thế nào của họ? |
Phương pháp: căn cứ bài Trường từ vựng, phân tích
Cách giải:
Trường từ vựng chỉ sự vật liên quan đến công việc của những người lính lái xe: xe, kính, đèn, mui xe, thùng xe.
Tác dụng: Diễn tả và nhấn mạnh hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn của người lính lái xe. Đồng thời qua đó cũng cho thấy sự dũng cảm, kiên cường và tình yêu Tổ quốc của những người lính.
c) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ hoán dụ trong đoạn thơ. |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Biện pháp hoán dụ: trái tim – lấy bộ phận để chỉ toàn thể – hoán dụ chỉ những người lính lái xe.
Tác dụng:
– Khẳng định tình yêu Tổ quốc thiêng của những người lính và sự lạc quan giữa hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, gian khổ.
– Làm cho sự diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn.
Câu 2
Viết một đoạn văn (từ 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của việc làm chủ bản thân. |
Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: vai trò của việc làm chủ bản thân.
2. Giải thích vấn đề:
– Làm chủ bản thân là chủ động suy nghĩ, hành động hay đưa ra các quyết định đối với cuộc sống của mình.
=> Việc làm chủ bản thân là vô cùng quan trọng với mỗi người.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
– Vai trò của việc làm chủ bản thân:
+ Thể hiện sự bản lĩnh của con người trong cuộc sống.
+ Thể hiện việc sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh.
+ Người biết làm chủ bản thân sẽ có kế hoạch trong cuộc sống, có ý chí mạnh mẽ, gặt hái thành công.
+ Làm chủ bản thân cũng giúp bạn phát huy điểm mạnh, hạn chế và khắc phục điểm yếu để bản thân ngày càng tiến bộ hơn.
…
– Biểu hiện của người biết làm chủ bản thân:
+ Luôn chủ động trong mọi tình huống.
+ Trước những khó khăn luôn giữ vững ý chí để giải quyết vấn đề.
+ Luôn chuẩn bị kế hoạch rõ ràng cho những việc làm.
…
– Phê phán những người ỷ lại, dựa dẫm, thụ động
4. Liên hệ bản thân và Tổng kết
Câu 3
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long viết: Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. (Trích Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.186) Cảm nhận về vẻ đẹp của con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước qua nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn trên. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu nhận định: Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước.
– Giới thiệu nhân vật anh thanh niên.
2. Phân tích vẻ đẹp của con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước qua nhân vật anh thanh niên.
a. Hoàn cảnh sống và làm việc
– Quê quán, nghề nghiệp: Đó là một chàng trai 27 tuổi, quê ở Lào Cai, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất và dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và chiến đấu.
– Hoàn cảnh sống: Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.
=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt; công việc đòi hỏi sự nghị lực, tinh thần kỷ luật và tính chính xác cao.
b. Vẻ đẹp của con người làm việc và suy nghĩ cho đất nước
– Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:
+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn m so với mặt biển -> dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.
+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”
+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, từng giúp không quân bắn rơi máy bay.
– Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.
+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.
-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.
– Không chỉ là con người yêu công việc, anh còn biết sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, luôn trau dồi tri thức cho bản thân bằng cách đọc sách báo và đó cũng chính là cách anh làm cho tâm hồn mình phong phú hơn. Ngoài ra, anh còn là một người thân thiện, luôn biết quan tâm giúp đỡ người khác.
– Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:
+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)
+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét -> tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.
+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.
=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.
=> Là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.
3. Tổng kết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây