Phân tích Đất nước Nguyễn Đình Thi

Bài viết Phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi lớp 12 dưới đây gồm dàn ý hướng dẫn phân tích chi tiết và 10 bài phân tích chọn lọc hay nhất tác phẩm Đất nước năm 2023. Dành cho học sinh tham khảo.

Bài phân tích ĐẤT NƯỚC NGUYỄN ĐÌNH THI SỐ 4:

Nhắc tới Nguyễn Đình Thi chúng ta nhớ ngay đến một nghệ sĩ đa tài, có đóng góp lớn cho văn học nghệ thuật nước nhà trên nhiều lĩnh vực. Nhìn lại sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông có thể khái quát rằng, ngợi ca đất nước đẹp giàu, bất khuất, nhân dân cần cù, anh dũng chính là cảm hứng nồng đậm nhất. Hiện lên từ những trang văn, bài thơ, bài hát của Nguyễn Đình Thi là hình tượng một đất nước từ trong gông xiềng áp bức vùng dậy tự giải phóng và rực rỡ trong ánh sáng thời đại mới. Đất nước là một trường hợp tiêu biểu như thế, một trong những đỉnh cao của thơ trữ tình cách mạng Việt Nam.

Đất nước có ý nghĩa khá đặc biệt. Nó là sản phẩm của một quá trình nung nấu, một sáng tác mang tính chất tổng hợp. Hãy để ý đến thời gian tác giả sáng tác bài thơ: 1948 – 1955. Đây là một dấu hiệu lạ chứng tỏ điểm độc đáo của Đất nước và là căn cứ quan trọng để hiểu đúng bài thơ. Thông thường, một bài thơ trữ tình với dung lượng ấy được sáng tác chỉ trong một ngày, một buổi, thậm chí chỉ trong dăm ba tiếng đồng hồ (Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng). Vậy tại sao Đất nước được hình thành, được khởi bút từ thời kì đầu dân tộc bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp mà đến tận ngày kháng chiến trường kì thắng lợi, hoà bình lập lại mới hoàn thành? Điều đó phản ánh ý đồ của Nguyễn Đình Thi như ông đã có dịp tâm sự. Viết Đất nước, nhà thơ muốn tạo dựng một tượng đài Tổ quốc Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám, trong chín năm kháng chiến anh hùng phần nào tương xứng với tầm vóc cao đẹp của đất nước ta trong lịch sử. Với mong muốn này, dễ hiểu vì sao nhà thơ phải đầu tư thời gian, cần tập trung tâm trí và đưa vào đây (tất nhiên có sửa chữa) một số đoạn vốn ở các bài thơ khác. Lẽ thường, khi vượt qua một chặng đường lịch sử, nhìn lại để tổng kết, để tự hào, mới có thể hoàn thiện bức tượng đài. Đất nước trở thành một sáng tác mang tính chất tổng hợp, hài hoà giữa cảm hứng sử thi hùng tráng với rung cảm trữ tình thiết tha khi ca ngợi một đất nước từ trong gông xiềng áp bức, từ trong lam lũ đói nghèo vùng dậy tự giải phóng, anh dũng chiến đấu bảo vệ quyền độc lập tự do thiêng liêng và rực rỡ trong ánh sáng thời đại mới.

Thời gian sáng tác, ý đồ nghệ thuật nêu trên chính là cơ sở để chúng ta phân tích vẻ đẹp của hình tượng đất nước trong bài thơ này. Đất nước trở thành hình tượng trung tâm trong bài thơ. Nếu cần chọn một từ, chỉ một từ thôi, nói trúng vẻ đẹp cơ bản nhất của hình tượng này, hẳn đó là từ vận động. Một đất nước trường chinh trên dặm dài lịch sử, một đất nước có truyền thống bất khuất, bền bỉ đang ngời lên trong hiện tại đau thương, khói lửa và đang vững bước đi tới tương lai tươi sáng – đó là cảm nhận rõ rệt nhất khi đọc bài thơ này. Cả bài thơ toát lên sự vận động. Từng khổ thơ cũng thể hiện sự vận động trên trục thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai. Đây là đất nước có lịch sử dài lâu, đất nước của những người chưa bao giờ khuất:

Nước chúng ta 

Nước những người chưa bao giờ khuất 

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 

Những buổi ngày xưa vọng nói về. 

Đất nước của bao thế hệ chưa bao giờ khuất ấy đang vươn mình lớn dậy trong hiện tại gian khổ, đau thương:

Từ những năm đau thương chiến đấu 

Đã ngời lên nét mặt quê hương 

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu 

Đã bật lên những tiếng căm hờn. 

Chính từ trong hiện tại chiến đấu anh dũng, lao động cần cù ấy gương mặt đất nước ngày một ngời sáng. Dường như càng về cuối bài thơ, cảm hứng tương lai càng nồng đậm:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội 

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh 

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới 

Lòng ta bát ngát ánh bình minh. 

Trong cuộc trường chinh vạn dặm, đất nước mình ngày càng vững bước tới tương lai, trong “vất vả đau thương” đất nước mình càng “tươi thắm vô ngần” – đó là cảm nhận sâu sắc của Nguyễn Đinh Thi về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Một đặc điểm nữa là hình tượng đất nước trong bài thơ này mang vẻ đẹp bình dị mà cao cả trong ánh sáng thời đại mới. Hãy chú ý hệ thống hình ảnh về đất nước trong bài thơ. Xây dựng tượng đài phải có chất liệu. Để làm việc đó, có tác giả lấy chất liệu chủ yếu từ lịch sử, có tác giả tìm chất liệu chủ yếu từ văn hoá dân gian… Hình tượng đất nước được Nguyễn Đình Thi xây dựng bằng những vẻ đẹp của thiên nhiên xanh tươi, dạt dào sức sống, bằng những hành động chiến đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân. Nhà thơ đã ngắm nhìn, cảm nhận đất nước từ chỗ đứng, bằng tấm lòng của “chúng ta” – những con người vừa được cách mạng giải phóng khỏi thân phận nô lệ khổ nhục đang đứng lên làm chủ non sông đất nước mình. Bởi thế, đất nước này rất đỗi bình dị, thân thương mà cao cả, kì vĩ trong ánh sáng thời đại mới. Đất nước, đó là mùa thu hương cốm mới, núi đồi, rừng tre phấp phới. Đất nước, đó là những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa, gốc lúa bờ tre hồn hậu. Đất nước, đó là “Trời đầy chim và đất đầy hoa”, “Khói nhà máy cuộn trong sương núi – Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng”… Bình dị, thân thương là thế nhưng đất nước ấy mang tầm vóc mới bởi đang do những con người lão động làm chủ – đất nước của thời đại dân chủ nhân dân: 

Ôm đất nước những người áo vải 

Đã đứng lên thành những anh hùng. 

Cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi gắn liền với niềm tự hào mang tính dân chủ của thời đại mới. “Trời xanh đây là của chúng ta – Núi rừng đây là của chúng ta” – chỉ đến thơ ca sau Cách mạng tháng Tám mới xuất hiện đại từ “chúng ta” với tư thế ấy, tầm vóc ấy.

Có thể tìm thấy nhiều đoạn, nhiều khổ thơ đặc sắc trong Đất nước để chứng minh cho các đặc điểm trên của hình tượng trung tâm trong bài thơ.

Lịch sử dài lâu của đất nước, sức sống bền bỉ của bao thế hệ ông cha được Nguyễn Đình Thi cảm nhận sâu sắc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất 

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, đoạn thơ này chứng tỏ cảm xúc thiết tha, lắng đọng của Nguyễn Đình Thi. Dù ngắn nhưng đoạn thơ bố cục có tầng lớp theo lối diễn dịch sau khi xướng lên đối tượng để nhìn ngắm, chiêm nghiệm. “Nước chúng ta” là nước như thế nào ? Đây là “Nước những người chưa bao giờ khuất”. Điều đó thể hiện ở đâu ? Hai dòng tiếp sau lại là sự diễn giải, chứng minh cụ thể.

Đất nước là bài thơ được viết theo thể tự do, câu dài, câu ngắn xen kẽ. Rõ ràng, “Nước chúng ta” là dòng thơ ngắn nhất trong bài. Nó cất lên lời xưng danh dõng dạc, đàng hoàng. Đã xưng danh thì phải ngắn, phải cất cao đĩnh đạc. Nó toát lên niềm tự hào về đất nước, về quyền làm chủ đất nước ấy.

Nguyễn Đình Thi không phải là người đầu tiên, người duy nhất khẳng định sức sống bền bỉ của truyền thống dân tộc nhưng ông đã có cảm nhận, cách thể hiện của riêng mình. Nhiều người thường nói truyền thống đất nước, sức sống cha ông qua những tấm gương, câu chuyện lịch sử, qua những danh lam thắng cảnh, sự tích núi sông, nghĩa là qua những hình ảnh mang tính thị giác. Ở đây, Nguyễn Đình Thi lại nói qua hình tượng âm thanh. Một âm thanh gần gũi mà thiêng liêng đặc biệt. Cứ đêm đêm vọng lên từ lòng đất tiếng nói của những người chưa bao giờ khuất. Hình bóng và tâm linh của bao thế hệ ông cha vẫn còn thức động giữa hôm nay. Chữ rì rầm gợi lên thứ âm thanh không lớn nhưng không bao giờ dứt. Đã là tiếng trong lòng đất thì phải rì rầm. Hãy chú ý những từ ngữ của đoạn thơ: khuất, rì rầm, ngày xưa, vọng – chúng tạo nên một không khí cổ kính, trầm lắng đặc biệt. “Đêm đêm” là hiện tại, “những buổi ngày xưa” là quá khứ xa xưa. Hai chiều thời gian tưởng chừng rất xa nhau được kéo nhập làm một qua tiếng rì rầm ấy, trong không khí ấy. “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất” – tại sao viết tiếng đất chứ không phải lòng đất ? Hình như ở đây có hai thứ tiếng. “Rì rầm” là tiếng của con người, của nhân sinh. “Tiếng đất” là tiếng của núi non, của vũ trụ. Tiếng của ông cha, của lịch sử đã hoà trong tiếng của đất đai, của vũ trụ mà vọng mãi muôn đời.

Nhằm ca ngợi tinh thần bất khuất của nhân dân ta, sự vùng dậy quật cường của đất nước, nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù, Nguyễn Đình Thi đã dựng tả gương mặt quê hương, đất nước đau thương trong lửa khói chiến tranh. Nhiều người cho rằng khổ thơ dưới đây thuộc loại hay nhất của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu 

Dây thép gai đâm nát trời chiều 

Những đêm dài hành quân nung nấu 

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Nhận xét ấy có căn cứ bởi đây là những câu thơ vừa giàu tính tạo hình vừa giàu cảm xúc. Nguyễn Đình Thi từng tâm sự rằng đây là những câu thơ được viết từ kỉ niệm trong cuộc đời kháng chiến, từ những buổi chiều cùng bộ đội hành quân qua các vùng quê hoang vu. Một hoạ sĩ dựa vào hai câu thơ này hoàn toàn có thể vẽ nên một bức tranh có hình khối, đường nét, sắc màu, có không khí và linh hồn. Những cánh đồng quê trống vắng, xác xơ vì bị lũ giặc tàn phá. Bầu trời chiều trên những cánh đồng ấy càng mờ xám, ảm đạm. Nối giữa mặt đất cánh đồng với bầu trời chỉ là những hàng dây thép gai của đồn giặc như tua tủa xỉa cắt. Nhìn về phía tây, ánh hoàng hôn đỏ lựng đang hắt ngược một khoảng lên nền trời. Bức tranh này không có cây cối, cửa nhà mà toát lên vẻ lạnh lẽo, tang thương. Hình ảnh thơ lạnh, vắng mà thấm đẫm cảm xúc thương đau, uất hận. Chính từ màu đỏ của hoàng hôn, từ máu của bao con người đã đổ trên quê hương mà Nguyễn Đình Thi liên tưởng đến cánh đồng đang chảy máu. Cũng bởi lòng xót xa đau đớn mà nhà thơ tưởng như dây thép gai đâm nát cả bầu trời đất nước. Trong các từ chảy máu, đâm nát có cả cõi lòng tan nát của nhà thơ. Thương đau, uất hận không nén nổi khiến lời thơ cất lên thành giọng điệu cảm thán.

Như thế, từ một hình ảnh, một ấn tượng thực, với hai câu thơ này Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên một bức tranh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc cho đất nước đau thương trong chiến tranh, bị kẻ thù giày xéo. “Nói về tội ác kẻ thù có thể có nhiều cách nói khác nhau, tôi không miêu tả cụ thể mà từ chất liệu cụ thể khái quát lên một điều gì sâu xa hơn”.

Chính từ trong đau thương chiến đấu, gương mặt đất nước ngày càng ngời sáng. Các động từ ngời lên, bật lên đã diễn tả sự vùng dậy quật cường của dân tộc:

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương 

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu 

Đã bật lên những tiếng căm hờn.

Càng về cuối bài Đất nước, cảm hứng lạc quan càng nồng đượm. Đứng ở hiện tại chiến thắng vinh quang nhìn lại con đường lịch sử vừa qua của dân tộc, Nguyễn Đình Thi tỉnh táo và tự hào khẳng định:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội 

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh 

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Bởi ý đồ tổng kết lịch sử, hệ thống hình ảnh trong khổ thơ trên kết hợp hài hoà mặt cụ thể, gợi cảm với tính khái quát, biểu tượng (ngày nắng đốt, đêm mưa giội, trán, lòng, trời đất mới, ánh bình minh). Con đường vừa qua của đất nước đâu bằng phẳng thênh thang. Trên con đường ấy, chúng ta vừa trải qua bao khó khăn, thử thách này lại tiếp ngay thử thách khác, mỗi bước đường phải trả giá bằng bao xương máu. Sức mạnh nào đã đưa dân tộc vượt qua con đường gian khổ, vinh quang ấy và bước tiếp tới tương lai tươi sáng ? Đó chính là lí trí tỉnh táo, tư tưởng cách mạng đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, là tình cảm lạc quan phơi phới. Khi một cá nhân, một cộng đồng kết hợp được hai mặt này thì sẽ mang sức mạnh vô địch. Khổ thơ chứng tỏ sự tổng kết lịch sử sâu sắc của Nguyễn Đình Thi theo cách một nhà thơ trữ tình.

Mọi vẻ đẹp của hình tượng đất nước, những cảm hứng chính của Nguyễn Đình Thi được kết tinh khá trọn vẹn ở khổ cuối bài thơ. Đây là đỉnh điểm của cảm hứng sử thi khi ngợi ca tầm vóc đất nước, khi dựng tả bức tượng đài:

Súng nổ rung trời giận dữ 

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa 

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Khổ thơ xây dựng hình ảnh theo tầng lớp. Từ hình ảnh những lớp người cụ thể, Nguyễn Đình Thi liên tưởng, khái quát thành hình ảnh đất nước trong thời đại mới, nghĩa là khổ thơ kết hợp hài hoà tính tả thực, gợi cảm với tính biểu tượng. Trong một bài viết kể về việc sáng tác Đất nước, Nguyễn Đình Thi có giải thích rằng khổ thơ kết này được hình thành từ một hình ảnh thực chính mắt nhà thơ được chứng kiến. Đó là từ trong chiến hào đầy bùn đất, các chiến sĩ ta dũng mãnh xông lên tấn công vào đồn giặc Pháp. Quân phục các anh lấm lem nhưng lưỡi lê tuốt trần, bóng người lấp lánh trong lửa đạn. Chính từ đây, nhà thơ xây dựng một cảnh tượng thật giàu chất điện ảnh. Dưới bầu trời ầm vang tiếng súng, dọc ngang chớp đạn, những lớp người ồ ạt xông lên với khí thế không gì ngăn cản nổi. Lớp này ngã, những lớp sau tiến bước, cứ ào ào như sóng cuộn. Sự đè nén, áp bức tàn bạo của kẻ thù khiến lòng hờn căm, giận dữ của dân ta càng nóng bỏng để vùng lên mạnh mẽ. Hình ảnh này gợi ta liên tưởng đến câu tục ngữ “Tức nước vỡ bờ”.

Từ hình ảnh cụ thể trên, Nguyễn Đình Thi đã khái quát, đúc kết nên hình tượng đất nước. Đó là một đất nước từ trong máu lửa đau thương của chiến tranh, từ trong bùn lầy của lam lũ, đói nghèo mà vươn mình đứng dậy. Hình tượng đất nước này khiến ta nhớ lại cái vươn vai kì diệu của chú bé làng Gióng thuở nào. Tầm vóc đất nước vụt trở nên kì vĩ lạ thường. Đúng là trong vất vả đau thương đất nước càng “tươi thắm vô ngần” như Nguyễn Đình Thi từng viết:

Anh yêu em như yêu đất nước 

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.

Kiểu liên tưởng khái quát này ta sẽ còn bắt gặp khá nhiều trong thơ ca Việt Nam về sau. Chẳng hạn, từ tư thế hi sinh hiên ngang của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất (ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968) nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân liên tưởng đến “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”. Từ dáng đứng này, Lê Anh Xuân cảm nhận “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Dáng đứng Việt Nam). Hay ở Việt Nam, máu và hoa, trong không khí hào hùng của thời đại dân tộc đánh đế quốc Mĩ và chiến thắng, Tố Hữu ca ngợi: “Ôi Việt Nam ! Từ trong biển máu – Người vươn lên, như một thiên thần !”.

Khổ thơ của Nguyễn Đình Thi còn hay ở thể sáu chữ, ở nhịp điệu vừa nhịp nhàng vừa ngày một đẩy tới, dâng cao (nhất là ở dòng thứ hai và dòng cuối). Nhịp điệu ấy cũng tương ứng với sự vươn lên mạnh mẽ, với tầm vóc kì vĩ của hình tượng đất nước. Đỉnh điểm của nhịp thơ chính ở chữ “sáng loà” cuối cùng. Từ đây, hiện lên hình tượng đất nước Việt Nam rực rỡ, chói ngời trong ánh hào quang chiến thắng.

Bài phân tích ĐẤT NƯỚC NGUYỄN ĐÌNH THI SỐ 5:

Đất Nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận rất riêng về Đất Nước, bởi thế Đất Nước, Tổ quốc hiện lên muôn màu muôn vẻ. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Ở bài thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn điểm nhìn gần gũi để miêu tả một đất nước tự nhiên, bình dị mà không kém phần thiêng liêng, tươi đẹp. Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ đầu hiện lên muôn màu muôn vẻ, sinh động lạ thường, lắng đọng trong tâm tưởng ta qua những nét đẹp về phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống mang đậm dấu ấn con người Việt.

Câu thơ mở đầu được viết theo thể câu khẳng định “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Với cách vào đầu rất tự nhiên ấy, nhà thơ khẳng định: Đất Nước đã có từ rất lâu, có trước khi ta sinh ra vì thế khi ta lớn lên thì ta đã thấy Đất Nước. Bốn chữ cuối của câu thơ vang lên đầy tự hào “Đất Nước đã có rồi”. Đó là lời khẳng định chắc nịch về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.Hai câu thơ tiếp theo nhà thơ diễn tả cụ thể về sự ra đời của đất nước.

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Câu thơ thứ nhất, tác giả cho rằng Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa”. Nghĩa là Đất Nước có từ rất lâu đời, có tự ngày xưa. Đất Nước có từ trước khi những câu truyện cổ ra đời rồi khi những câu truyện cổ có mặt trong đời sống tinh thần của ta, ta lại thấy Đất Nước hiện diện trong truyện cổ.

Đó là Đất Nước của một nền văn học dân gian đặc sắc với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Chính những câu chuyện cổ và những bài hát ru thuở ta còn nằm nôi là nguồn sữa ngọt lành chăm bẵm cho ta cái chân thiện mĩ và lớn lên ta biết yêu đất nước con người. Về ý nghĩa của truyện cổ với đời sống tinh thần con người, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xúc động mà viết nên:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần”

(Truyện cổ nước mình)

Câu thơ thứ hai, nhà thơ diễn tả Đất Nước có trong “miếng trầu bây giờ bà ăn”. Gợi nhắc phong tục ăn trầu của người Việt. Câu thơ gợi nhớ về câu truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” được xem là xưa nhất trong những câu truyện cổ. Tục ăn trầu cũng từ câu chuyện này mà nên.

Như vậy là thẩm thấu vào trong miếng trầu dung dị ấy là 4000 năm phong tục, 4000 năm dân ta gìn giữ phong tục ăn trầu. Miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, vật chứng cho lứa đôi cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt. Từ phong tục ăn trầu, tục nhuộm răng đen cũng ra đời:

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa
nắng”

(Hoàng Cầm)

Câu thơ thứ tư, nhà thơ diễn tả sự trưởng thành của Đất Nước. Đó là sự trưởng thành từ truyền thống đánh giặc giữ nước qua hình tượng Thánh Gióng và cây tre: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng, chàng trai Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre làng Ngà đánh giặc, gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất:

Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc n
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Chí căm thù ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi”

(Tố Hữu)

Truyền thống vẻ vang ấy đã theo suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc mãi đến hôm nay trong thời đại chống Mỹ bao tấm gương tuổi trẻ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ giống nòi. Phải chăng, đó chính là vẻ đẹp của các chị, các anh đã tạc vào lịch sử Việt Nam dáng đứng kiêu hùng bất khuất: Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi… Vẻ đẹp ấy song hành với hình ảnh cây tre Việt Nam. Cây tre hiền hậu trên mỗi làng quê.

Nó như là sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, đôn hậu thuỷ chung, yêu chuộng hoà bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong tranh đấu. Tre đứng thẳng hiên ngang bất khuất cùng chia lửa với dân tộc “Một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ “, bởi:

“Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”.

Bốn câu thơ tiếp theo nhà thơ mang đến cho người đọc vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của con người Việt:

Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam. Không ai khác là những người mẹ với phong tục “búi tóc sau đầu” (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu rất riêng). Nét đẹp ấy gợi nhớ ca dao:

Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài cho rối lòng
anh”

Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục gắn dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để giữ gìn tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp:

“Tay bưng đĩa muối chén gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được vận dụng một cách đặc sắc trong câu thơ nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thủy chung ở đời: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa càng đong đầy. Có lẽ chính vì vậy mà Đất Nước còn ghi dấu ấn của cha của mẹ bằng Hòn trống mái, núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái… đi vào năm tháng.

Câu thơ “Cái kèo cái cột thành tên”, gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là ngôi nhà tổ ấm cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau; siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó, tục đặt tên con “cái Kèo, cái Cột” cũng ra đời.

Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng”. Thành ngữ “Một nắng hai sương” gợi nên sự cần cù chăm chỉ của cha ông ta những ngày long đong, lận đận trong đời sống nông nghiệp lạc hậu. Đó là truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó. Các động từ “Xay – giã – dần – sàng” là quy trình sản xuất ra hạt gạo.

Để làm ra hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay giã, giần sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi vị mặn nhọc nhằn của giai cấp nông dân. Bởi vậy, ăn hạt gạo dẻo thơm ta phải nhớ công ơn người đã làm ra nó:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào: “Đất Nước có từ ngày đó”.“Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn “ngày đó” là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước. Đúng như lời Bác dặn trước lúc đi xa “Rằng muốn yêu tổ quốc mình, phải yêu những câu hát dân ca”.

Dân ca, ca dao là đặc trưng văn hóa của Việt Nam, muốn yêu Đất Nước trước hết phải yêu và quý trọng văn hóa nước nhà. Bởi văn hóa chính là Đất Nước. Thật đáng yêu đáng quý, đáng tự hào biết bao lời thơ dung dị, ngọt ngào của Nguyễn Khoa Điềm.

Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp. Nhà thơ sáng tạo thành ngữ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ…Điệp ngữ Đất Nước được nhắc lại nhiều lần.

Nhà thơ luôn viết hoa hai từ Đất Nước tạo nên sự thành kính, thiêng liêng… Tất cả làm nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí. Đoạn thơ ta vừa phân tích ở trên là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ Đất Nước.

Qua đoạn thơ, nhà thơ đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một Đất Nước giàu văn hóa cổ truyền. Đất Nước của truyền thống, phong tục tươi đẹp mang đậm dấu ấn của tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích và tác động tích cực tới kết quả học tập của bạn. Mời bạn tham khảo thêm các tài liệu học tốt khác tại đây .

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web