Câu 1:
– Bài thơ được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.
+ Hai khổ đầu là cảnh lên đường và tâm trạng náo nức của con người.
+ Bốn khổ tiếp theo: là cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh biển trời ban đêm.
+ Khổ cuối là cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh lên.
– Với bố cục như trên, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá đã tạo ra một khung cảnh không gian và thời gian rất đáng chú ý: không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió; thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ lúc hoàng hôn đến bình minh, cũng là thời gian của một chuyến ra biển rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá: mặt trời xuống biển, cả trời đất vào đêm, trăng lên cao, đêm thở, sao lùa… rồi sao mờ, mặt trời đội biển nhô lên trong một ngày mới. Điểm nhịp thời gian cho công việc của đoàn thuyền đánh cá là nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ.
Câu 2:
– Hình ảnh người lao động và công việc của họ, ở đây là đoàn thuyền đánh cá, được đặt cả vào không gian rộng lớn của biển trời, trăng sao, để làm tăng thêm kích thước, tầm vóc và vị thế của con người. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp phóng đại cùng với những liên tưởng mạnh bạo, bất ngờ để sáng tạo hình ảnh về người lao động:
+ Câu hát căng buồm cùng gió khơi
+ Thuyền ta lái gió với buồm trăng.
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
+ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
– Sự hài hòa giữa con người lao động và thiên nhiên, vũ trụ còn thể hiện ở sự nhịp nhàng giữa nhịp điệu vận hành của thiên nhiên, vũ trụ và trình tự của công việc lao động của đoàn thuyền đánh cá. Khi mặt trời xuống biển, vũ trụ vào đêm cũng là lúc khởi đầu một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá, và đây là công việc diễn ra thường xuyên, đều đặn như một nhịp sống đã quen thuộc: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Con thuyền ra khơi có gió làm lái, trăng làm buồm, gõ thuyền đuổi cá vào lưới cũng theo nhịp trăng, sao. Đến lúc sao mờ, tức là đêm sắp tàn thì cũng là lúc kéo lưới kịp trời sáng. Bình minh lên, mặt trời đội biển cũng là lúc đoàn thuyền trở về, tuy nặng khoang cá đầy mà vẫn lướt đi phơi phới chạy đua cùng mặt trời.
– Hình ảnh người lao động trong bài thơ được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn, thể hiện niềm tin, niềm vui trước cuộc sống mới. Cảm hứng lãng mạn ấy cũng thấm đẫm trong những hình ảnh về thiên nhiên, vũ trụ, tạo nên vẻ đẹp tráng lệ, phóng khoáng mà vẫn gần gũi với con người.
Câu 3:
a. Cảnh biển vào đêm
Cảnh vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người do một liên tưởng so sánh thú vị của nhà thơ:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là then cửa.
Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà thật từ sự gắn kết ba sự vật và hiện tượng : cánh buồm, gió khơi và câu hát của người đánh cá “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Câu hát là niềm vui, sự phấn chấn của người lao động như đã có một sức mạnh vật chất để cùng với ngọn gió làm căng buồm cho con thuyền lướt nhanh ra khơi.
b. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển
Cảm hứng lãng mạn đã giúp cho tác giả phát hiện những vẻ đẹp của cảnh đánh cá giữa biển đêm, trong niềm vui phơi phới, khỏe khoắn của người lao động làm chủ công việc của mình:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ: lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng, dò bụng biển, dàn đan thế trận…
– Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
– Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.
c. Hình ảnh đẹp lộng lẫy và rực rỡ của các loài cá trên biển:
– Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
– Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
– Vẩy nạc đuôi vàng lóe rạng đông.
– Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Những hình ảnh này có vẻ đẹp của tranh sơn mài lung linh, huyền ảo, được sáng tạo bằng liên tưởng, tưởng tượng bay bổng từ sự quan sát hiện thực.
Câu 4: Bài thơ có nhiều từ “hát”, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca lao động, do tác giả hóa thân vào người lao động để thể hiện. Bài thơ tạo được âm hưởng vừa khỏe khoắn, sôi nổi lại vừa phơi phới, bay bổng. Góp phần tạo nên âm hưởng ấy là các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, vần,… Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phơi phới. Đặc biệt cách gieo vần có nhiều biến hóa linh hoạt, các vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen với vần cách. Các vần trắc tạo sức dội, sức mạnh, các vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng.
Câu 5: Những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ thể hiện cái nhìn cuộc sống tươi vui, cảm xúc say sưa, hào hứng của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và con người lao động.
Giaibaitap.pro.vn
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.