Nội dung chính:
Văn bản bàn về sự sống và cái chết của muôn loài trên Trái Đất, thông qua việc tái hiện tiến trình phát triển của các loài sinh vật, bài viết chỉ ra sự song hành của sự sống và cái chết cũng như ý nghĩa của cái chết đối với sự sống.
TRƯỚC KHI ĐỌC:
Khi quan sát những biểu hiện cụ thể của sự sống trên Trái Đất, điều gì đã khiến bạn suy nghĩ, băn khoăn hoặc tò mò?
Lời giải:
Khi quan sát những biểu hiện cụ thể của sự sống trên Trái Đất, những điều đã khiến tôi suy nghĩ, băn khoăn hoặc tò mò như: thứ gì trên Trái Đát đã giúp duy trì sự sống của sinh vật, những thứ Trái Đất có thì các hành tinh khác có không; vì sao các sinh vật chỉ có tuổi thọ nhất định…
TRONG KHI ĐỌC:
Câu 1 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Dự đoán nội dung cụ thể sẽ được triển khai trong bài viết qua nhan đề và đoạn 1.
Lời giải:
Nội dung cụ thể được triển khai trong bài viết là về sự sống trên Trái Đất, sự sống của các loài sinh vật trên Trái Đất.
Câu 2 (trang 75, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Việc tác giả tưởng tượng ra một chuyến “du hành” ngược thời gian có ý nghĩa gì?
Lời giải:
Ý nghĩa của chuyến “du hành” ngược thời gian là giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành sự sống, sự đa dạng của các loài sinh vật trên Trái Đất của hàng trăm triệu năm về trước.
Câu 3 (trang 76, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Chú ý các thuật ngữ chuyên ngành sinh học được sử dụng trong đoạn 3, 4 và tác dụng của chúng.
Lời giải:
– Các thuật ngữ chuyên ngành sinh học được sử dụng trong đoạn (3), (4) là “bọ ba thùy”, “cuối kỉ Péc-mi”, “tuyệt chủng”, “ổ sinh thái”, “các loài tiến hóa”,…
– Tác dụng của các thuật ngữ chuyên ngành sinh học nhằm giúp cho bài viết có dẫn chứng thuyết phục hơn, cụ thể hơn và người đọc có thể thấy được sự rõ hơn nội dung vấn đề.
Câu 4 (trang 76, SGK Ngữ văn 10, tập 2) Sự khác nhau giữa các vật vô sinh và các sinh vật là gì?
Lời giải:
Sự khác nhau giữa các vật vô sinh và các sinh vật là:
– Các sinh vật có sự sống, chúng phải đấu tranh để sinh tồn, để không bị đào thải, bị chết hay dẫn đến việc bị tuyệt chủng.
– Các vật vô sinh là vật không có sự sống, là các hạt, các nguyên tử; chúng không cần phải đấu tranh để sinh tồn.
SAU KHI ĐỌC:
Câu 1: Văn bản Sự sống và cái chết viết về đề tài gì? Từ việc liên hệ tới những văn bản khác cùng đề cập đề tài này mà bạn đã đọc, hãy cho biết góc độ tiếp cận vấn đề riêng của tác giả?
Lời giải:
– Văn bản viết về đề tài sự sống của muôn loài trên Trái Đất.
– Văn bản đã tiếp cận vấn đề từ lịch sử tồn tại và biến mất của các loài trên Trái Đất, tìm ra ý nghĩa của những “cái chết” đối với việc hình thành các “sự sống”.
Câu 2: Tóm tắt những thông tin chính trong văn bản và chỉ ra cách tác giả sắp xếp, tổ chức các thông tin đó.
Lời giải:
– Những thông tin chính trong văn bản: lịch sử sự sống diễn ra theo 2 hướng; sự hiện diện của các loài sinh vật trên Trái Đất vào 3 tỉ năm trước và 140 triệu năm trước; các sinh vật đơn bào, đa bào đã xuất hiện trên Trái Đất; một số loài sinh vật đã tuyệt chủng; các loài tiến hóa và hoàn thiện để sinh tồn; sự khác nhau giữa sinh vật và vật vô sinh.
– Tác giả sắp xếp các thông tin theo trật tự:
+ Khái quát về lịch sử sự sống trên Trái Đất.
+ Sự sống trên Trái Đất cách đây 3 tỉ năm và 140 triệu năm thông qua sự có mặt của các sinh vật.
+ Sự ra đời và tuyệt chủng của một số sinh vật.
+ Tìm ra nguyên nhân vì sao các loài tiến hóa và tự hoàn thiện.
Câu 3: Dựa vào nội dung văn bản, vẽ sơ đồ mô tả quá trình phát triển của sự sống trên Trái Đất.
Lời giải:
Câu 4: Văn bản đưa lại cho bạn hiểu biết gì về mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hóa”, giữa “sự sống” và “cái chết”.
Lời giải:
– Giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hoá” có mối quan hệ tác động. Để “tiến hóa” thì phải “đấu tranh sinh tồn”, không có sự đấu tranh để sinh tồn thì không có sự phát triển, hoàn thiện.
– Giữa “sự sống” và “cái chết” có mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời. Cái chết là một phần của sự sống, cái chết cho phép sự sống tiến lên.
Câu 5: Ngoài việc biết thêm các thông tin khoa học về Trái Đất, bạn còn nhận được những thông điệp gì từ văn bản Sự sống và cái chết? Trình bày suy nghĩ của bạn về những thông điệp đó.
Lời giải:
– Thông điệp: Con người không nằm ngoài quy luật sinh tồn của vạn vật, không những có cái chết mà còn bị đe dọa tuyệt chủng. Vậy nên, nếu không tự hoàn thiện mình, con người sẽ rơi vào nguy cơ bị xóa sổ.
– Thông điệp: Trong nghịch cảnh thường sẽ phát kích sức sáng tạo để tìm ra giải pháp cho các vấn đề.
– Thông điệp: Cái chết là một phần của sự sống, cuộc sống này hữu hạn. Do đó, con người cần sống một cuộc đời có ích.
Câu 6: Những đặc trưng của loại văn bản thông tin đã được thể hiện như thế nào trong văn bản này? Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận đã được phối hợp sử dụng như thế nào và tạo được hiệu quả ra sao?
Lời giải:
– Văn bản “Sự sống và cái chết” cung cấp thông tin khoa học về Trái Đất, lịch sử sự sống trên Trái Đất.
– Tính chính xác, khách quan thể hiện ở việc:
+ Trong văn bản “Sự sống và cái chết” có rất nhiều những thông tin xác thực: số liệu về thời gian (3 tỉ năm trước, 500 triệu năm, 140 triệu năm trước, 65 triệu năm, 300000 năm, 13,7 tỉ năm), tên các loài động vật, kỉ địa chất, vụ nổ Bích Beng
+ Ngôn ngữ của văn bản “Sự sống và cái chết” sáng rõ, đơn nghĩa, sử dụng nhiều câu đơn; thuật ngữ khoa học của các lĩnh vực sinh học, địa lý, hóa học…
– Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận đã được phối hợp sử dụng làm tăng tính hiệu quả tác động đối với người đọc.
+ Tác giả kể lại một phần quá trình sự sống diễn ra trên Trái Đất thông qua các mốc thời gian và các sinh vật xuất hiện trong thời điểm đó.
+ Tác giả miêu tả sự sống trên Trái Đất (như trong đoạn “cảnh tượng đa sắc của hoa … len lỏi trong rừng rậm”)
+ Yếu tố biểu cảm lồng ghép trong những cụm từ chỉ thái độ (được chiêm ngưỡng, được nghe, thích thú, sợ cứng người…) và trong giọng điệu của từng đoạn văn.
+ Yếu tố nghị luận thể hiện ở những lí lẽ đưa ra để lập luận, làm sáng tỏ vấn đề (đặc biệt ở đoạn 3 – bàn về thực trạng xuất hiện và tuyệt chủng của sinh vật, và đoạn 4 – bàn về mối quan hệ giữa sự sống và cái chết), thể hiện ở những dẫn chứng xác đáng, tiêu biểu (các con số cụ thể, tên các loài động vật).
Câu 7: Có thể đổi nhan đề văn bản thành Sự sống và cái chết của các loài sinh vật trên Trái Đất được không? Vì sao?
Lời giải:
– Có thể đổi nhan đề của văn bản thành “Sự sống và cái chết của các loài sinh vật trên Trái Đất”, vì nội dung chính của văn bản được trích ở đây chủ yếu xoay quanh sự xuất hiện và biến mất của các loài sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, nếu đổi nhan đề sẽ làm mất sự cô đọng, mất những ý nghĩa sâu xa của văn bản.
Câu 8: Vấn đề tác giả đặt ra trong văn bản này đã tác động như thế nào đến nhận thức của bạn về cuộc sống?
Lời giải:
Văn bản đã giúp tôi nhận ra sự hữu hạn và nhỏ bé của con người trong lịch sử sự sống của Trái Đất. Đồng thời, giúp tôi hiểu rằng con người cũng nằm trong trật tự của vạn vật, bị cái chết – sự tuyệt chủng đe dọa. Con người không phải sinh vật sẽ vĩnh viễn tồn tại. Văn bản giúp tôi suy ngẫm nhiều hơn đến ý nghĩa của cuộc sống, và bản thân cần làm gì để duy trì sự sống.
* Kết nối đọc – viết
Thu thập thông tin về một loài sinh vật mà bạn muốn tìm hiểu. Trình bày thông tin đó bằng một đoạn văn (khoảng 150 chữ).
Đoạn văn tham khảo:
Trĩ sao là một loài chim lớn, trên bộ lông đen lấm tấm những đốm trắng như các vì sao, đầu nhỏ và quanh mào có lông vũ màu trắng dựng đứng. Người ta biết rất ít về loài này trong tự nhiên, chỉ biết rằng trĩ sao là loài chim nhút nhát và hay lảng tránh người. Trĩ sao chủ yếu ăn lá cây, hoa quả, sâu bọ, dòi, nhộng và các động vật nhỏ. Chúng sinh sống trong các khu rừng thuộc Việt Nam, Lào và Malaysia ở Đông Nam Á. Chúng có hai phân loài: Trĩ sao Việt Nam và trĩ sao Mã Lai. Ở Việt Nam, trĩ sao sống ở độ cao lên đến 1700-1900m, tập trung ở Nam Trung Bộ. Trĩ sao được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, và do sự mất môi trường sống đang diễn ra cũng như việc săn bắn thái quá trong một số khu vực nên loài sinh vật này được đánh giá là sắp bị đe dọa.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung học tập, giải trí và các kiến thức thú vị khác tại đây. Chúc các bạn lướt web vui vẻ !