Tác giả Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp

Bài viết Tác giả Phan Châu Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp giới thiệu đến bạn đọc những nét tiêu biểu về cuộc đời cũng như những thành tựu trong suốt quá trình sự nghiệp của nhà văn Phan Châu Trinh.

Tác giả Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp

1. Tiểu sử nhà văn Phan Châu Trinh

– Tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã

Ngày sinh: sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872, mất ngày 24 tháng 3 năm 1926

Quê quán: phủ Tam Kì (nay là huyện Phú Ninh) – Quảng Nam

Gia đình: Cha ông là Phan Văn Bình, làm chức Quản cơ sơn phòng, sau tham gia phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách việc quân lương. Mẹ ông là Lê Thị Trung, con gái nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước.

Thời đại: Đất nước có nhiều biến động mạnh mẽ, phong trào Cần Vương thất bại , khủng hoảng về đường lối

Cuộc đời:

Mẹ ông mất sớm vào năm ông lên 6 tuổi. Quê nhà bị quân Pháp đốt cháy trong cuộc trấn áp phong trào Cần vương, nên ông phải theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ. Sau khi cha mất, ông trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học. Ông học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liệu.

Khoa Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. Năm sau (1901), triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này, người anh cả mất nên ông về để tang, ở nhà dạy học đến năm Quý Mão (1903) thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.Năm 1905 ông từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (cả hai đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh, ba ông lẩn vào các khóa sinh. Vào trường thi, Phan Châu Trinh làm một bài thơ, còn hai bạn thì làm chung một bài phú. Cả ba đều ký tên giả là Đào Mộng Giác. Nội dung bài không theo đầu đề, mà chỉ kêu gọi sĩ tử đang đắm đuối trong khoa trường và danh lợi, hãy tỉnh dậy lo giải phóng giống nòi khỏi cảnh lao khổ.

Các tỉnh quan Nam triều hoảng sợ, đem bài trình cho viên Công sứ Pháp, đồng thời ra lệnh truy tìm tác giả, nhưng ba ông đã rời khỏi Bình Định, tiếp tục đi vào các tỉnh phía Nam Trung Kỳ. Trên đường đi, ba ông lần lượt kết giao với Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và hai con trai của danh sĩ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh.

Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh ra Nghệ-Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ, rồi lên căn cứ Đề Thám quan sát tình hình, nhưng ông thấy phong trào này khó có thể tồn tại lâu dài.Năm 1906 ông bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều nhà chính trị tại đây (trong số đó có Lương Khải Siêu) và xem xét công cuộc duy tân của xứ sở này.Tháng 3 năm 1908, phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, và bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên trong phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào chống thuế nên đều bị bắt.

Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Tòa Khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn khép ông vào tội chết. Nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, họ buộc lòng phải kết ông án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (nghĩa là tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4 năm 1908.

Nhờ dư luận trong nước và nhờ có sự vận động của Hội Nhân quyền ngay trên đất Pháp, đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án cho ông được ân xá, nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc. Ở đây, ông làm nhiều bài thơ về các nhân vật tên tuổi của Nam Kỳ.

Bởi không hoạt động gì được, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho nữa. Vì vậy, nhân có nghị định ngày 31 tháng 10 năm 1908 của chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật.

Sang Pháp, việc đầu tiên của ông là đưa cho Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế tại Trung Kỳ năm 1908 (thường gọi là Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký).

Sau đó, ông còn lên tiếng tố cáo tình trạng các tù nhân ở Côn Lôn bị đối xử tồi tệ, và nhờ Liên minh cầm quyền, Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình. Ông cũng đã tiếp xúc nhiều lần với những nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc địa, với Albert Sarraut (sắp sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương) để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị ở Việt Nam nhưng không có kết quả, vì lúc này thế lực của thực dân hãy còn đang mạnh. Trong khoảng thời gian này, ông viết Pháp-Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam.

Ngày 28 tháng 7 năm 1914, Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau đó, ngày 3 tháng 8, Đức tuyên chiến với Pháp. Nhân cơ hội này, nhà cầm quyền Pháp tại Paris đã gọi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường (một luật sư, nhà báo người Việt chống thực dân) phải đi lính, nhưng hai ông phản đối với lý do không phải là công dân Pháp. Mấy tháng sau, chính quyền khép tội hai ông là gián điệp của Đức để bắt giam Phan Văn Trường giam ở lao Cherchemidi và Phan Châu Trinh bị giam ở nhà tù Santé (Prison de la Santé), Paris, kể từ tháng 9 năm 1914.

Do việc Phan Châu Trinh bị bắt giam nên trợ cấp giảng dạy của ông bị cắt, con ông mất học bổng, phải vừa học vừa làm. Cũng trong năm này, vợ ông là bà Lê Thị Tỵ qua đời ở quê nhà ngày 12 tháng 5 năm 1914.

Tháng 7 năm 1915, vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho hai ông sau nhiều tháng giam giữ. Sau khi ra tù, Phan Châu Trinh đã soạn tuyển tập thơ Santé thi tập với hơn 200 bài thơ ông sáng tác trong tù.

Ra tù, Phan Châu Trinh học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, giá sinh hoạt đắt đỏ, cảnh ngộ của hai cha con rất đỗi cơ cực. Chẳng lâu sau, Phan Châu Dật phải bỏ học về nước vì bị lao ruột và qua đời tại Huế ngày 14 tháng 2 năm 1921, được đem về an táng cạnh mộ mẹ tại Tây Lộc (Tiên Phước, Quảng Nam).

Ngày 19 tháng 6 năm 1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”, và đã gây được tiếng vang. Tuy nhiên Phan Châu Trinh không tán thành với chủ trương tìm kiếm sự hỗ trợ từ phong trào cộng sản quốc tế của Nguyễn Tất Thành. Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Tất Thành không nên ảo tưởng về sự hỗ trợ của người Pháp, kể cả đảng Xã hội Pháp, về vấn đề độc lập cho Việt Nam.

Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều, quen gọi là Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều, khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể. Cũng trong năm này, ông viết bài Tỉnh quốc hồn ca mới. Xuyên suốt tác phẩm này vẫn là một đường lối cải cách dân chủ, vẫn là thực trạng tăm tối của xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.

Thấy hoạt động ở Pháp không thu được kết quả gì, đã nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về quê hương, nhưng đều không được chấp thuận. Mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã suy yếu, chính phủ Pháp mới cho phép ông về nước. Khoảng thời gian này, ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận.

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Phan Châu Trinh

– Phong cách sáng tác: Nổi tiếng với áng văn chính luận đầy tính hùng biện, có lập luận đanh thép, sáng tác cả thơ…tất cả đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước

– Tác phẩm:

  • Đầu Pháp chính phủ thư (1906)
  • Hiện trạng vấn đề (1907)
  • Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907)
  • Tây Hồ thi tập (tập hợp thơ làm trong nhiều năm)
  • Tuồng Trưng Nữ Vương (soạn chung với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Thúc Duyện năm 1910)
  • Trung Kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký (1911)
  • Santé thi tập (gồm hơn 200 bài thơ, soạn trong tù tại Pháp, 1915)
  • Thư thất điều (thư vạch 7 tội của vua Khải Định, 1922)
  • Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (gồm hơn 7.000 câu thơ lục bát, soạn 1912-1913)
  • Tỉnh quốc hồn ca I, II (phần I, làm khi ở Việt Nam (1907), phần II, làm khi sang Pháp (1922). Đây là thơ hiệu triệu, thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh, đề cao dân quyền)
  • Bức thư trả lời cho người học trò tên Đông (1925)
  • Đông Dương chính trị luận (1925)
  • Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925)
  • Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa (1925)

Ngoài ra, ông còn có các bài diễn thuyết và một số thơ (không nằm trong Tây Hồ thi tập) và câu đối chữ Hán ông làm từ 1902 – 1912…

3. Về các tác phẩm tiêu biểu

3.1. Đập đá ở Côn Lôn

Tác giả Phan Châu Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Bố cục tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn

– Phần 1: (4 câu thơ đầu): Hình ảnh hiên ngang khí phách của người anh hùng mặc dù trong cảnh tù đày.

– Phần 2: (4 câu thơ sau): Ý chí sắt thép, tinh thần kiên trung và nghị lực của người anh hùng trong cảnh tù đày.

b. Nội dung chính tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn

Bài thơ là hình ảnh về người tù cách mạng với công việc đập đá khổ sai, vô cùng cực nhọc, kham khổ nhưng vẫn giữ khẩu khí ngang tàng, ngạo nghễ, giọng điệu hào hùng. Qua đó, thể hiện khát vọng muốn làm việc lớn, với sức mạnh chuyển dời. Những gian khổ mà người chí sĩ phải chịu đựng là việc con con, đối lập với sự nghiệp cứu dân, cứu nước vĩ đại mà họ theo đuổi. Đó là tinh thần bất khuất của cả một thế hệ của các nhà nho yêu nước đầu thế kỉ XX. Họ muốn xoay chuyển vận mệnh đất nước khỏi đêm đen dưới gót giày thực dân.

c. Tóm tắt tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn

Phan Châu Trinh là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Phong cách sáng tác của ông nổi tiếng với những áng văn chính luận đầy tính hùng biện, có lập luận đanh thép, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước. Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” được sáng tác vào thời gian Phan Châu Trinh bị bắt giam tại nhà tù ở Côn Đảo. Bài thơ giúp ta cảm nhận một hình tượng đẹp, một khí thế ngang tàng, vẻ đẹp lẫm liệt của người anh hùng dù gặp phải tình cảnh gian nguy nhưng vẫn không hề sờn lòng đổi chí.

d. Phương thức biểu đạt

– Tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn sử dụng phương thức biểu đạt: Biểu cảm

e. Thể thơ

– Tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn thuộc thể thơ: Thất ngôn bát cú.

g. Giá trị nội dung tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn

Bài thơ giúp ta cảm nhận một hình tượng đẹp, một khí thế ngang tàng, vẻ đẹp lẫm liệt của người anh hùng dù gặp phải tình cảnh gian nguy nhưng vẫn không hề sờn lòng đổi chí.

h. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn

Bài thơ sử dung bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ phóng đại và khoa trương. Giọng thơ hào hùng lẫm liệt giàu sức biểu cảm.

3.2. Về luân lí xã hội ở nước ta

Tác giả Phan Châu Trinh - Cuộc đời và sự nghiệp (ảnh 1)

a. Bố cục tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

– Phần 1: khẳng định nước ta không ai biết luân lí xã hội

– Phần 2: sự thua kém về luân lí xã hội của nước ta so với phương Tây

– Phần 3: chủ trương truyền bá xã hội chủ nghĩa cho người Việt Nam

b. Tóm tắt tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

Luân lí xã hội ở nước ta tuyệt không ai biết đến. Sở dĩ thiếu luân lý xã hội là bởi người nước ta không biết cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người, không biết nghĩa vụ của mỗi người trong nước đối với nhau, dẫn đến tình trạng ai sống chết mặc ai, người này không biết quan tâm đến người khác. Đó là do thiếu ý thức đoàn thể, chưa biết giữ quyền lợi chung, chưa biết bênh vực nhau. Xưa dân ta cũng đã có ý thức đoàn thể nhưng nay đã xa sút. Nước ta chưa có luân lý xã hội còn do bọn vua quan chỉ biết quyền lợi ích kỷ của chúng, chỉ biết mua quan bán tước, dân càng nô lệ thì ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý. Nay nước Việt Nam muốn được tự do, độc lập thì trước hết dân ta phải có đoàn thể. Mà muốn có đoàn thể thì phải tuyên truyền Xã Hội Chủ Nghĩa.

c. Phương thức biểu đạt tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

– Nghị luận, biểu cảm

d. Thể loại tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

– Tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta thuộc thể loại: Văn chính luận

e. Giá trị nội dung tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

– Đoạn trích đã toát lên dũng khí của một người yêu nước: vạch trần thực trạng đen tối của xã hội, đề cao tư tưởng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng về một ngày mai tươi sáng cuả đất nước

g. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Về luân lí xã hội ở nước ta

– Phong cách chính luận độc đáo: lúc từ tốn, mềm mỏng, lúc kiên quyết, đanh thép; lúc mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển hướng trang web