Tác giả Trần Nhân Tông – Cuộc đời và sự nghiệp
1. Tiểu sử nhà văn Trần Nhân Tông
– Ngày sinh: 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308
– Tên khai sinh là Trần Khâm, tự là Thanh Phúc, là vị vua Việt Nam thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt.
– Gia đình: Ông là đích trưởng tử của Trần Thánh Tông Trần Hoảng (vua thứ 2 triều Trần) và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều, cũng là đích trưởng tôn của Trần Thái Tông Trần Cảnh (vua đầu tiên triều Trần).
– Cuộc đời:
Năm 1274, ở tuổi 16, Trần Khâm được vua cha sách phong làm Hoàng thái tử. Trần Thánh Tông cũng lập trưởng nữ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (tức Khâm Từ Hoàng hậu sau này) làm Thái tử phi. Trần Thánh Tông còn vời các nho sĩ có tài đức trong cả nước về hầu cận thái tử. Tướng Lê Phụ Trần được phong chức Thiếu sư, kiêm Trừ cung Giáo thụ, đảm trách việc dạy học thái tử. Bản thân nhà vua cũng viết thơ và sách Di hậu lục (2 quyển) giáo huấn cho thái tử. Các chú giải của Trần Quang Chỉ trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho biết Trần Khâm đã đạt được trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học. Ông cũng học kỹ về tam giáo Phật-Lão-Nho và am hiểu tường tận giáo pháp nhà Phật. Sách Thánh đăng ngữ lục cũng viết: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.
Tuy ở ngôi thái tử và có hôn nhân hạnh phúc, Trần Khâm có chí hướng xuất gia theo Phật. Ông đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em là Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng không được vua cha chấp thuận. Có lần, Trần Khâm nhân đêm khuya vượt thành đi vào núi Yên Tử ẩn tu, đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời sáng, ông đã thấm mệt nên vào nghỉ trong tháp. Vị tu sĩ ở chùa thấy ông có dung mạo phi thường bèn mời cơm. Sau Trần Thánh Tông và hoàng hậu biết tin, sai quan quân đi tìm và thỉnh cầu ông về kinh đô; Trần Khâm bèn miễn cưỡng nhận ngôi thái tử.
Vua Trần Nhân Tông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng rồi đi tu sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm cho đến khi qua đời. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị Hoàng đế anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng lãnh thổ đất nước. Ngoài ra, Trần Nhân Tông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông được xem là một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Đại Việt thời trung đại. Tác phẩm của ông bao gồm:
- Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền).
- Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng).
- Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), được vua Trần Anh Tông cho chép vào Đại Tạng kinh để lưu hành.
- Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm).
- Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông).
- Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.
Các tác phẩm trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại 32 bài thơ, kệ chép trong Thánh đăng ngữ lục, Thiền tông bản hạnh, An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục, Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục, cộng thêm 3 đoạn phiến trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và An Nam chí lược. Theo đánh giá trong sách Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng) do Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ và Trần Tú Châu biên soạn, thơ Trần Nhân Tông mang tính chất “kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ”.
3. Về các tác phẩm tiêu biểu
3.1. Thiên trường vãn vọng
a. Thể loại
Thiên trường vãn vọng thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ được sáng tác trong một dịp về thăm quê. Các vua đời Trần cho xây ở quê một hành cung gọi là cung Thiên Trường để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Mỗi dịp về đó, các vua thường có thơ lưu lại, nay còn giữ được vài bài, trong đó có bài này.
– Ngày tháng sáng tác không thấy ghi cụ thể nhưng chắc chắn bài thơ ra đời sau chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ ba không lâu, vào giai đoạn cuộc sống yên lành của nhân dân đang được khôi phục lại (nghĩa là vào khoảng những năm 90 của thế kỉ XIII).
c. Phương thức biểu đạt
Văn bản thiên trường vãn vọng có phương thức biểu đạt là biểu cảm
d. Tóm tắt Thiên trường vãn vọng
Bài thơ là bức tranh thiên nhiên làng quê qua góc nhìn đầy thi vị của nhà thơ Trần Nhân Tông nhân dịp về thăm quê cũ tại phủ Thiên Trường. Cảnh vật hiện lên trước mắt ông mơ hồ, tựa khói lồng, như ở chốn bồng lai. Khung cảnh nửa thực nửa ảo đó còn mang vẻ đẹp mơ màng, yên bình nhưng không kém phần sinh động được ông cảm nhận bằng cả thính giác khi nghe tiếng sáo “mục đồng địch lí” và thị giác khi ngắm nhìn những chú cò trắng chao liệng. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, dường như tác giả đã cảm nhận cảnh sắc quê hương bằng cách hòa tâm hồn của mình vào thiên nhiên. Từ đó cho ta cảm nhận được tình yêu quê hương dạt dào, sâu nặng của tác giả. Cho ta cảm giác gần gũi, cũng muốn gắn bó hòa mình vào thiên nhiên cùng tác giả.
e. Bố cục văn bản Thiên trường vãn vọng
Gồm 2 phần
– Phần 1: 2 câu đầu: Cảnh thôn xóm vùng Thiên Trường trong buổi chiều tà
– Phần 2: 2 câu cuối: Cảnh sắc đồng quê dân dã, mờ ảo trong buổi chiều tà
g. Giá trị nội dung
Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ. Qua đó giúp chúng ta thấy rằng, tác giả tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương dân dã.
h. Giá trị nghệ thuật
– Kết hợp điệp ngữ và tiểu đối sáng tạo
– Nhịp thơ êm ái hài hòa
– Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa
– Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.