Tác giả Vũ Hoàng Chương – Cuộc đời và sự nghiệp
1. Tiểu sử nhà văn Vũ Hoàng Chương
– Ngày sinh: 14 tháng 5 năm 1915 – 6 tháng 9 năm 1976
– Quê quán: Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
– Cuộc đời:
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm.
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề dạy văn này cho đến 1975.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.
2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Vũ Hoàng Chương
– Tác phẩm:
+ Các tập thơ:
- Thơ say (1940), 32 bài thơ
- Mây (1943), 25 bài thơ
- Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948)
- Rừng phong (1954), 39 bài thơ
- Hoa đăng (1959), 50 bài thơ
- Tâm sự kẻ sang Tần (1961)
- Trời một phương (1961), 26 bài thơ
- Lửa từ bi (1963), 15 bài thơ
- Ánh trăng đạo lí (1966), 30 bài thơ
- Bút nở hoa đàm (1967), 51 bài thơ
- Cành mai trắng mỏng (1968), 62 bài thơ
- Ta đợi em từ 30 năm (1970)
- Đời vắng em rồi say với ai (1971), 36 bài thơ
- Ngồi quán (1971), 69 bài thơ
- Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973), 12 bài thơ
+ Kịch thơ:
- Trương Chi (1944)
- Vân muội (1944)
- Hồng diệp (1944)
– Giải thưởng:
+Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng.
+Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.
+Năm 1972, Vũ Hoàng Chương lần đầu tiên được đề cử giải Nobel văn học nhưng người đoạt giải là nhà thơ Heinrich Böll của Đức. Sự kiện này chỉ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố năm 2023 vì theo quy định thì sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách những người được đề cử Giải Nobel văn học của năm đó.
3. Về các tác phẩm tiêu biểu
3.1. Say đi em
Khúc nhạc hồng êm ái
Ðiệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Ðôi người gió sương
Ðầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ…
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Ðê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Ðãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men
Say đi em, say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu rượu nữa, và quên, quên hết
Ta quá say rồi
Sắc ngã màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi
Ðất trời nghiêng ngửa
Mà trước mặt thành Sầu chưa sụp đổ;
Ðất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết tại Giải Bài Tập. Mời các bạn cùng xem các nội dung giải trí học tập và các kiến thức thú vị khác tại đây.