Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng mong manh cần được bảo vệ và nâng niu. Thế nhưng hiện nay, trong xã hội xuất hiện nạn bạo hành trẻ em gây bức bối, làm nhức nhối trong dư luận. Vấn nạn này đang ngày có chiều hướng gia tăng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi vô cùng độc ác. Cụ thể như xúc phạm, chà đạp, đay nghiến, tra tấn đánh đập bất chấp luân thường đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác. Bạo hành trẻ em là vấn nạn lên án những hành động vô nhân tính, độc ác đối với những đứa trẻ. Trên thế giới và ở Việt Nam những năm gần đây đã thống kê hàng loạt vụ bạo hành trẻ em, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều môi trường sống, bao gồm những nơi văn minh như: trường học, quán ăn…thậm chí là trong chính gia đình. Trong năm 2020, Việt Nam có rất nhiều vụ bạo hành gây phẫn nộ. Đầu năm, dư luận xôn xao vụ việc một người đàn ông ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trói và đánh đập tàn nhẫn con gái 6 tuổi. Khoảng giữa năm, mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh người cha trói tay, dùng roi đánh, dùng chân đá mạnh vào người con gái ruột 6 tuổi một cách dã man. Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2000 trẻ bị xâm hại, bạo hành ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. 65,88% trong tổng số vụ bạo hành trẻ em do người thân trong gia đình gây ra. Không những đánh đập tàn nhẫn, bạo hành trẻ em còn biểu hiện qua việc xúc phạm nhân phẩm, mắng nhiếc, dọa nạt khủng bố tinh thần các em. Hành động này không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt nhưng vẫn đã và đang diễn ra hàng ngày trên đất nước ta. Bạo hành xuất phát từ nguyên nhân nào? Chủ quan là từ lương tâm, sự tàn nhẫn, suy đồi nhân cách của con người. Làm cha làm mẹ, làm thầy nhưng vì những ích kỷ, bực bội cá nhân mà không ghê tay hành hạ con trẻ. Một số ít nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của cha mẹ khi còn bé, do áp lực cuộc sống… song dù là nguyên nhân nào, bạo hành cũng là hành động vô lương tâm, suy đồi đạo đức, đi ngược lại luật pháp, lí lẽ thông thường. Hậu quả của vấn nạn nhức nhối xã hội này nguy hiểm như thế nào? Đầu tiên với những đứa trẻ là nạn nhân bị bạo hành, ngoài những tổn thương về cơ thể như thương tật, những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ bị tổn thương về tâm lý. Các nhà nghiên cứu tâm lý Việt Nam cho biết, bạo hành trẻ em để lại nhiều hệ quả vô cùng tiêu cực, thể chất suy kiệt, trẻ chậm phát triển đồng thời tâm trí có vết thương hằn sâu nghiêm trọng, trẻ luôn trong tình trạng rụt rè nhút nhát. Trẻ có thể bị trầm cảm, rối loạn hành vi ứng xử. Khi trẻ sống trong môi trường bị cha mẹ đánh đập, xúc phạm, trẻ dễ có suy nghĩ tiêu cực và hình thành tư tưởng sai trái, dễ trở thành kẻ bạo lực, thậm chí tội phạm nguy hiểm của xã hội. Chính từ những nguy hại đó, gia đình, xã hội và mỗi cá nhân cần có ý thức, biện pháp giáo dục, quan tâm. Đầu tiên cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Lưu ý hỗ trợ, nâng cao kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đặc biệt tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc với con cái. Cộng đồng không thờ ơ, vô cảm trước nạn bạo hành con trẻ. Nhân cách của trẻ bắt đầu hình thành từ những ngày nhỏ nhất, trách nhiệm bảo vệ yêu thương để trẻ phát triển bình thường là của cả xã hội. Hãy chung tay vì tương lai tươi sáng của những mầm non, những chủ nhân thế hệ mới của đất nước.
Nguồn: Sưu tầm
Nguồn Tìm Đáp Án